Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Kiến trúc sư trưởng của cải cách

Câu hỏi làm thế nào để Việt Nam thành “con hổ mới” của châu Á thêm một lần nữa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra, lần này là tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Có thể hiểu, đây không còn là câu hỏi, mà là mệnh lệnh của người đứng đầu Chính phủ với cơ quan được xác định là kiến trúc sư trưởng của cải cách, đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; là nhạc trưởng tham mưu, tổng hợp, đề xuất chính sách kinh tế vĩ mô. Nhất là khi giải pháp lúc này, theo yêu cầu của Thủ tướng, đó là thể chế - thể chế và thể chế.

Đây vừa là nhiệm vụ chính, quan trọng nhất, vừa là dấu ấn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình xây dựng và phát triển của đất nước suốt thời gian qua.

Nhưng trong xu hướng bất định của kinh tế thế giới, áp lực không dễ định hình từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế Việt Nam rất cần  tận dụng nhanh và tối đa cơ hội, giảm thiểu thách thức.      

Mục tiêu lúc này không chỉ là vượt qua những lo ngại về bẫy thu nhập trung bình thấp, mà còn phải thu hẹp nhanh khoảng cách, đồng thời đuổi kịp các nền kinh tế phát triển trong khu vực và thế giới, để đạt được sự phồn vinh cho dân tộc, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Sau hơn 30 năm đổi mới, dù kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng GDP/đầu người mới chỉ đạt gần 2.400 USD, vẫn là “nỗi buồn bực của các nhà lãnh đạo” - như lời của Thủ tướng.

Nguy cơ tụt hậu vẫn rất nghiêm trọng; bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng, các vấn đề về môi trường, tác động của biến đổi khí hậu, hội nhập đặt ra nhiều thách thức.

Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển, ở thời kỳ chuyển tiếp từ giai đoạn I sang giai đoạn II của quá trình phát triển; đang chuyển sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập và định hướng XHCN nên vẫn còn không ít vấn đề chưa đủ rõ, còn ý kiến khác nhau; tạo ra những nút thắt về thể chế, tư duy và hành động trong phát triển đất nước.

Thủ tướng Chính phủ buộc phải nhắc tới tình trạng tư duy xin - cho, làm khó người dân, doanh nghiệp còn tồn tại ở nhiều địa phương, bộ, ngành, khiến nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, dù đã rất cố gắng, nhưng vẫn chưa đạt như kỳ vọng là vào nhóm nước đứng đầu ASEAN, tiến tới đạt được các chuẩn mực của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Chính vì vậy, trong lúc này, vai trò, trách nhiệm của kiến trúc sư trưởng cải cách, của đổi mới kinh tế, giải quyết các vấn đề phát triển trung và dài hạn của đất nước càng trở nên cấp thiết.

Bài học kinh nghiệm thành công của các “con hổ châu Á” cho thấy, tầm quan trọng không thể thiếu của cơ quan chủ trì tham mưu về các vấn đề cải cách, phát triển trung và dài hạn.

Thế giới từng nhắc tới những cái tên như Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp (MITI) của Nhật Bản vào những năm 50-70 của thế kỷ trước, Ủy ban Kế hoạch kinh tế của Hàn Quốc giai doạn 1961-1994, Cơ quan Phát triển kinh tế (EDB) của Singapore, gần đây nhất là Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia (NDRC) ở Trung Quốc. Những cơ quan đó đã và đang đóng góp rất lớn vào thành công vượt trội của các nền kinh tế nói trên.

Đây là phần việc mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm và đang đặt ra cho chính mình.

Trong lời phát biểu bế mạc Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nói: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ quyết tâm giữ vững ngọn cờ cải cách, thắp sáng hơn nữa ngọn lửa đổi mới, dũng cảm vượt qua chính mình, dám nghĩ, dám làm, tự đổi mới, hiện thực hóa các khát vọng, khát vọng phát triển đất nước, khát vọng đổi mới sáng tạo, khát vọng kiến tạo phát triển, khát vọng vươn lên, cống hiến; không ngừng củng cố bản lĩnh của một cơ quan đầu ngành trong quản lý nhà nước, tham mưu chiến lược cho Đảng và Chính phủ, giúp đất nước ngày một giàu mạnh, phát triển”.

Động lực cải cách, đổi mới đã được truyền tới từng cán bộ trong ngành.

Tin bài liên quan