Hiện việc giao dịch cổ phiếu lô lẻ niêm yết trên HOSE đang phải thực hiện ngoài hệ thống của HOSE

Hiện việc giao dịch cổ phiếu lô lẻ niêm yết trên HOSE đang phải thực hiện ngoài hệ thống của HOSE

Kiên nhẫn kiến nghị T+2

(ĐTCK) Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2014 vừa diễn ra, giới đầu tư nhìn nhận hệ thống giao dịch, thanh toán bù trừ đã có nhiều cải tiến theo hướng thoáng hơn và thuận tiện hơn, nhưng vẫn còn những điểm chưa thông.

Giao dịch gặp khó

Phản ánh của Nhóm công tác Thị trường vốn cho thấy, với các cổ phiếu niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE), do hệ thống không cho phép, nên việc giao dịch cổ phiếu lô lẻ phải thực hiện ngoài hệ thống của HOSE, gây mất thời gian và tốn kém cho NĐT. Hơn nữa, việc từ bỏ quyền sở hữu chứng khoán lô lẻ tại TTCK Việt Nam, hiện chưa có khung pháp lý cụ thể, nên cũng gây khó cho NĐT…

Giới đầu tư đề nghị UBCK, HOSE nghiên cứu phương án cho phép NĐT được giao dịch tập trung chứng khoán lô lẻ trên hệ thống của HOSE (tương tự như trên hệ thống giao dịch lô lẻ của Sở GDCK Hà Nội), để giảm thiểu chi phí và thời gian cho NĐT. Giới đầu tư cũng mong đợi UBCK có cơ chế cho phép NĐT được từ bỏ quyền sở hữu đối với các chứng khoán lô lẻ.

Đại diện HOSE cho biết, bất cập trên chưa được giải quyết do hạn chế của hệ thống giao dịch hiện tại. Khi đề án xây dựng hệ thống giao dịch chung cho toàn thị trường được hiện thực hoá, vấn đề này sẽ được xử lý triệt để. Trước mắt, HOSE đã khuyến cáo các DN niêm yết nên liên hệ với các CTCK để mua lại cổ phiếu lô lẻ của NĐT, nhằm giảm chi phí cho các bên liên quan. Tuy nhiên, có thể việc mua cổ phiếu lô lẻ chưa được thông báo tập trung, nên NĐT không theo dõi được các lịch mua cụ thể. HOSE sẽ phối hợp thêm với DN, để tổ chức các đợt mua lại cổ phiếu lô lẻ, góp phần giảm chi phí cho NĐT.

Một khó khăn khác mà giới đầu tư đang gặp phải là các thông tin về ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu thưởng, hoặc ngày nhận cổ tức bằng cổ phiếu được Sở GDCK thông báo cho toàn bộ thành viên của Sở, nhưng nhiều thành viên lưu ký không phải là thành viên của Sở, nên không nhận được thông tin trực tiếp từ Sở GDCK, dẫn đến có độ trễ trong việc nhận thông tin, trong khi NĐT lại phụ thuộc vào các thành viên lưu ký để nhận các thông tin này.

Do đó, Nhóm công tác Thị trường vốn kiến nghị, cần có giải pháp thông báo các thông tin này cho tất cả các thành viên lưu ký, để kịp thời chuyển tiếp cho NĐT, đồng thời UBCK cần thiết lập cơ chế phối hợp giữa các Sở GDCK và VSD sao cho ngày trả thưởng cổ phiếu cũng là ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu thưởng, hoặc ít nhất là ngày giao dịch đầu tiên sẽ được thông báo tới cổ đông trong ngày trả cổ phiếu thưởng bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.

Kiến nghị trên, theo lãnh đạo UBCK là hợp lý. Bởi vậy, UBCK sẽ phối hợp với với các Sở GDCK và VSD để kịp thời thông báo thông tin về ngày giao dịch đầu tiên cho các thành viên lưu ký và các cổ đông bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Đại diện VSD cho biết, để hỗ trợ cho các thành viên, VSD sẽ cho đăng thông tin lên website của VSD về ngày giao dịch đầu tiên, ngày chuyển khoản… 

Chờ cải tiến về thanh toán

Tương tự đối với Đề án chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch trái phiếu chính phủ (TPCP) từ ngân hàng thương mại (NHTM) sang Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Nhóm công tác Thị trường vốn mong muốn được thấy những tiến bộ tương tự đối với hoạt động thanh toán tiền cho các giao dịch cổ phiếu theo hướng: ngân hàng lưu ký được chọn NHTM để mở tài khoản thực hiện thanh toán tiền cho giao dịch cổ phiếu, thay vì phải thực hiện qua Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Lãnh đạo VSD cho biết, đề án này đang được hoàn thiện để trình Thống đốc NHNN và Bộ trưởng Bộ Tài chính trong năm 2014. Để triển khai Đề án, các giải pháp kỹ thuật sẽ được thực hiện trong năm 2015. Qua trao đổi với NHNN, giai đoạn trước mắt chỉ áp dụng cho thanh toán tiền giao dịch TPCP.

Hoạt động thanh toán cho các giao dịch cổ phiếu vẫn phải thực hiện qua các NHTM, bởi với mô hình hiện tại, cơ chế quỹ hỗ trợ thanh toán được đặt tại BIDV để tạo điều kiện hỗ trợ ngay trước giờ thanh toán. Ngân hàng thanh toán có thể có nhiều, nhưng quan trọng là hoạt động quyết toán. Nếu cho phép thanh toán qua nhiều NHTM, việc xử lý, hỗ trợ thanh quyết toán sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bởi vậy, khi TTCK phái sinh được triển khai, cùng với năng lực bừ trừ thanh toán của các thành viên được xem xét để thành lập danh sách các ngân hàng đạt chuẩn, khi đó, cơ chế đa ngân hàng thanh toán sẽ phù hợp hơn.

Theo phản ánh của Nhóm công tác Thị trường vốn, hiện việc thanh toán tiền và thanh toán chứng khoán cho các giao dịch mua đang được thực hiện vào hai ngày khác nhau (T+2 và T+3) gây nhiều khó khăn cho NĐT nước ngoài trong quản lý, theo dõi và đối chiếu các giao dịch của họ tại TTCK Việt Nam.

Để khắc phục bất cập này, đề nghị Bộ Tài chính, UBCK và VSD nghiên cứu cho phép áp dụng cơ chế thanh toán giao dịch chứng khoán mới, trong đó, việc thanh toán tiền và thanh toán chứng khoán được thực hiện vào cùng ngày T+2… Đại diện VSD cho biết, sẽ cố gắng xem xét và hướng tới một giải pháp đồng bộ hơn trong tương lai.

Tin bài liên quan