Bảo hiểm hưu trí tự nguyện: Kiến nghị nới trần lên 5 triệu đồng/tháng

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện: Kiến nghị nới trần lên 5 triệu đồng/tháng

Kiến nghị trần bảo hiểm tự nguyên lên 5 triệu đồng

(ĐTCK) Góp ý cho Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) vừa có Công văn số 251/HHBH/2013 gửi tới Văn phòng Chính phủ, sau khi tổng hợp ý kiến từ các DN.

Nên bỏ giới hạn chi phí không được khấu trừ

AVI kiến nghị, Chính phủ nên xem xét bỏ quy định về giới hạn chi phí không được khấu trừ của người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động, vì Luật sửa đổi bổ sung Luật Thuế TNDN không quy định Nghị định hướng dẫn nội dung này.

Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN không quy định giới hạn (mức) này cho bảo hiểm nhân thọ, mà chỉ quy định giới hạn cho bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Cụ thể, Luật này ghi rõ: “Phần trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện hoặc quỹ có tính chất an sinh xã hội, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động vượt mức quy định theo quy định của pháp luật là khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN”.

Trong trường hợp buộc phải đưa giới hạn cho tương thích với các loại bảo hiểm khác, thì thay vì quy định mức 1 triệu đồng/tháng như trong dự thảo Nghị định, AVI kiến nghị, nên đưa ra mức giới hạn 10 triệu đồng/tháng cho hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thời hạn 5 năm; 7,5 triệu đồng/tháng cho hợp đồng từ 6 - 10 năm và 5 triệu đồng/tháng cho hợp đồng trên 10 năm.

AVI lập luận: “Sản phẩm bảo hiểm nhân thọ do người sử dụng lao động mua cho người lao động là do người sử dụng lao động lựa chọn về thời gian và số tiền bảo hiểm thích hợp nhằm cho người lao động được hưởng sau thời gian 5 năm, 10 năm.

Nếu miễn thuế TNDN thì Nhà nước giảm thu 23% số tiền phí đã đóng, nhưng chủ DN phải bỏ ra 77% lợi nhuận sau thuế của số tiền này (theo lộ trình giảm thuế, tỷ lệ này còn 20%/80%). Cuối cùng, Nhà nước vẫn thu được thuế từ người lao động khi họ lĩnh tiền bảo hiểm phải nộp 10% trên số tiền được lĩnh, bao gồm phí bảo hiểm đã đóng và bảo tức tích lũy với hợp đồng bảo hiểm có thời hạn dài 15 - 20 năm thì bảo tức tích lũy tương đương với phí bảo hiểm đã đóng”.

Nói cách khác, thuế thu nhập cá nhân 10% số tiền bảo hiểm được lĩnh tương đương với 20% số tiền phí bảo hiểm đã đóng hàng tháng trong thời hạn bảo hiểm. Như vậy, trước mắt, Nhà nước hụt nguồn thu, nhưng về lâu dài vẫn thu đủ thuế. Mặt khác, Bộ luật Lao động khuyến khích người sử dụng lao động mang lại nhiều lợi ích vật chất và tinh thần cho người lao động.

“Việc quy định không thu thuế TNDN cho khoản phí bảo hiểm do người sử dụng lao động mua bảo hiểm cho người lao động phù hợp với Bộ luật Lao động, Luật Thuế TNDN, Luật Thuế thu nhập cá nhân (chỉ thu một lần khi lĩnh tiền bảo hiểm) tạo điều kiện cho người sử dụng lao động giữ chân người lao động, không bị đối thủ cạnh tranh lôi kéo”, đại diện một DN bảo hiểm nói.

 

… và nâng trần 5 triệu đồng/tháng

AVI cho rằng, bảo hiểm hưu trí tự nguyện do chủ sử dụng lao động mua cho người lao động cũng mang lại ý nghĩa đối với người sử dụng lao động, người lao động và phù hợp với chính sách pháp luật hiện hành tương tự như bảo hiểm nhân thọ mà người sử dụng lao động mua cho người lao động.

Vì vậy, Chính phủ nên khuyến khích bảo hiểm hưu trí tự nguyện phát triển, nhất là bảo hiểm hưu trí tự nguyện, do người sử dụng lao động mua cho người lao động như chính chủ doanh nghiệp làm chính sách an sinh xã hội trong tương lai cho người cao tuổi bằng cách không thu thuế TNDN trong phần đóng phí bảo hiểm này.

Tuy nhiên, để tránh trường hợp đóng phí cao, Chính phủ có thể quy định mức giới hạn cho người sử dụng lao động tối đa là 5 triệu đồng/tháng, để khi hết tuổi lao động, người lao động được thêm số tiền hưu tối đa là 10 triệu đồng/tháng.

Điều này phù hợp với mức khống chế tham gia bảo hiểm xã hội là 20 lần lương cơ bản (21 triệu đồng), người có thu nhập thêm có điều kiện tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung và bảo hiểm hưu trí tự nguyện do người sử dụng lao động đóng phí bảo hiểm.     

 

Ngày 20/8/2013, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 115/TT-BTC quy định về bảo hiểm hưu trí tự nguyện và Quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Theo đó, DN bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm số tiền hưu trí hàng tháng (do người được bảo hiểm lựa chọn) khi họ hết độ tuổi lao động (55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam), hoặc phải trả hết tiền phí bảo hiểm đã đóng cho bảo hiểm hưu trí tự nguyện cộng với lãi tích lũy hàng năm khi người lao động bị tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn, mắc bệnh hiểm nghèo, mặc dù chưa hết độ tuổi lao động hoặc ngừng đóng phí bảo hiểm chờ hết tuổi lao động để được hưởng toàn bộ số tiền đã đóng và lãi tích lũy.

Giả sử, một nữ lao động có trình độ đại học 23 tuổi mới đi làm, 55 tuổi hết độ tuổi lao động, đóng phí bảo hiểm hưu trí tự nguyện 1 triệu đồng/tháng và lãi tích lũy cộng dồn trong các tháng đóng bảo hiểm tính theo 6%/năm, hay 0,5%/tháng, thì tổng số tiền được hưởng sẽ là 437,58 triệu đồng. Trong khi đó, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam hiện là 73 tuổi. Người này sẽ được lĩnh tiền hưu trí trong vòng 18 năm (73 tuổi - 55 tuổi), mỗi năm nhận được 24,36 triệu đồng tiền hưu, mỗi tháng chỉ là 2 triệu đồng. Chưa kể, bảo hiểm hưu trí tự nguyện mới bắt đầu triển khai, độ tuổi tham gia bảo hiểm thường từ 30 - 40 tuổi, nên đóng phí bảo hiểm 1 triệu đồng/tháng thì số tiền hưu được hưởng không đáng kể.

 

 >>Băn khoăn bảo hiểm hưu trí tự nguyện

>>“Nóng” dần bảo hiểm hưu trí tự nguyện

>>Đề xuất triển khai quỹ hưu trí bổ sung từ 2014