Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến đại biểu - Ảnh QK.
Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chốt 5 lĩnh vực đầu tư theo phương thức này, song Chính phủ vẫn kiến nghị cho phép bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng để xử lý một số tình huống phát sinh trên thực tế.
Qua nhiều vòng thảo luận, sáng 28/5 Quốc hội thảo luận vòng cuối dự thảo Luật PPP, trước khi thông qua vào đợt họp trực tiếp giữa tháng 6 tới.
"Ngoại lệ" để đảm bảo linh hoạt
Một trong vấn đề còn có ý kiến khác nhau là lĩnh vực đầu tư dự án PPP.
Dự thảo mới nhất quy định 5 nhóm lĩnh vực gồm: giao thông vận tải; lưới điện, nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện); thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải; y tế, giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết định các dự án phát sinh ngoài lĩnh vực quy định tại dự thảo Luật nhưng cần phải thực hiện đầu tư theo phương thức PPP để bảo đảm xử lý một số tình huống phát sinh trên thực tế.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 5 nhóm lĩnh vực trên là những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện dự án PPP nhằm tránh mở rộng các dự án PPP, không làm tràn lan vì việc mở rộng cơ chế đầu tư PPP có khả năng dẫn đến rủi ro về cân đối vốn đầu tư công, rủi ro ở cấp độ quốc gia về nợ công, nợ nước ngoài và gây khó khăn cho công tác quản lý ngân sách nhà nước.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Tuy nhiên, phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiến nghị với Quốc hội ngoài 5 lĩnh vực chính nêu trên thì cho phép bổ sung một điều là Thủ tướng Chính phủ có quyền xem xét, quyết định một số trường hợp đặc biệt phát sinh trong quá trình triển khai để có thể bổ sung vào lĩnh vực đầu tư PPP nếu thấy cần thiết .
Việc này sẽ theo một quy trình hết sức chặt chẽ đã được quy định tại luật này để đảm bảo chủ động và linh hoạt trong quá trình điều hành, "xin Quốc hội ủng hộ", Bộ trưởng nói.
Chia sẻ theo lỗ, lãi sẽ khó kiểm soát
Một trong những vấn đề được các vị đại biểu tập trung thảo luận là cơ chế chia sẻ rủi ro, dự thảo luật vẫn để hai phương án chia sẻ theo doanh thu và chia sẻ theo lỗ, lãi.
Chia sẻ rủi ro, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là một cơ chế mang tính cách mạng, hết sức đặc biệt của luật này.
"Nếu như luật không có được các cơ chế này thì xin khẳng định là sẽ không thể hấp dẫn được các nhà đầu tư", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến nhiều đại biểu là chọn phương án chia sẻ theo doanh thu, Bộ trưởng cho biết phương án này đã được nghiên cứu và thảo luận, phân tích, đánh giá hết sức kỹ lưỡng, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Phương án này cũng bảo đảm phản ánh và kiểm soát được tình hình tài chính của doanh nghiệp.
"Nếu kiểm soát qua doanh thu thì sẽ thuận lợi hơn. Nếu kiểm soát bằng lỗ, lãi thì rất khó, vì không thể kiểm soát được quá trình hoạt động và lỗ, lãi của doanh nghiệp", Bộ trưởng phân tích.
Việc chia sẻ rủi ro, theo Bộ trưởng đã được thiết kế hết sức chặt chẽ. Nếu giảm doanh thu dưới 75% thì nhà nước mới phải chia sẻ và trước khi chia sẻ thì phải thực hiện điều chỉnh các hợp đồng, như thời hạn thu, mức thu và chia theo tỷ lệ 50-50.
"Đây là một điều kiện hết sức chặt chẽ. Như vậy doanh thu từ 76% đến 100% là nhà đầu tư tự chịu. Không phải như khi nãy có đại biểu đã phát biểu là giảm 1% doanh thu nhà nước cũng chia sẻ, điều này không phải, tôi xin khẳng định lại là dưới 75% mới là mức để xem xét", Bộ trưởng nói cụ thể hơn.
Vẫn theo Bộ trưởng, khi doanh thu tăng thì trên 125%, bất kể lý do nào nhà đầu tư cũng chia 50-50 với nhà nước, "như vậy nhà nước được hưởng rất là nhiều".
Chỉ kiểm toán những phần thuộc ngân sách nhà nước
Hồi âm ý kiến đại biểu còn rất khác nhau về kiểm toán một số nội dung hay kiểm toán toàn diện dự án PPP, Bộ trưởng nói, PPP là một dự án đầu tư công nhưng không hẳn là một dự án đầu tư công, bởi vì nếu là một dự án đầu tư công hoàn toàn thì đã thực hiện theo Luật Đầu tư công rồi mà không cần xây dựng một luật riêng.
Vì thế, chỉ kiểm toán những phần thuộc ngân sách nhà nước, tập trung vào tuân thủ lựa chọn nhà đầu tư và chất lượng dịch vụ, giá trị khi chuyển giao cho nhà nước. Những vấn đề còn lại thì tư nhân có quyền thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán phần hoạt động của doanh nghiệp để đảm bảo bình đẳng giữa 2 bên.
Liên quan đến vấn đề có quy định dự án BT trong dự thảo luật hay không, Bộ trưởng cho rằng cần phải cân nhắc kỹ, nếu có thiết kế hình thức BT trong luật này thì cũng phải bổ sung các điều khoản hết sức chặt chẽ để tránh đổi một công trình đắt với một giá trị đất lại rẻ.