Theo ông, sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán điện tử nói riêng?
Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên CMCN 4.0, với những công nghệ đặc trưng như: thực tế ảo, Internet kết nối vạn vật (Internet of things), Big Data, điện toán đám mây, Blockchain hay trí tuệ nhân tạo (AI)…, được ứng dụng vào mọi mặt của cuộc sống.
Ông Đặng Đức Huy, Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ SCB.
Mặc dù ngành ngân hàng không phải là lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của CMCN 4.0, nhưng với đặc thù liên quan mật thiết và ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, lĩnh vực này vẫn chịu những tác động không nhỏ.
Chưa kể, đi kèm với sự phát triển của công nghệ thì nhu cầu và thị hiếu của đại bộ phận khách hàng cũng sẽ thay đổi theo và trở thành một thách thức cho các ngân hàng. Hiện nay, khách hàng đã không còn xa lạ với các phương thức thanh toán chỉ trong 1 giây, chỉ bằng 1 chạm hay tích hợp mọi thông tin trong 1 mã vạch.
Hơn bao giờ hết, các yếu tố đơn giản, nhanh chóng, an toàn và mọi lúc mọi nơi đang được khách hàng quan tâm và đặt lên hàng đầu khi lựa chọn các phương thức thanh toán từ ngân hàng.
Để hỗ trợ các ngân hàng Việt Nam thu hút khách hàng cũng như đón đầu làn sóng CMCN 4.0, chúng ta có thể thấy, trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng và giải pháp chỉ đạo, tạo nên sự tác động nhất định vào hoạt động thanh toán nói chung và thanh toán điện tử nói riêng.
Chẳng hạn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán bao gồm dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử và hỗ trợ dịch vụ thanh toán.
Gần đây nhất, NHNN cũng đã xây dựng và trình Thủ tướng ký ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020.
Có thể nói, CMCN 4.0 đang từng bước làm thay đổi hoàn toàn kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống, hứa hẹn tạo nên một kỷ nguyên thanh toán không dùng tiền mặt trong tương lai.
Trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng, ngành ngân hàng phải đố diện với những thách thức nào?
Trước hết, cần nhìn nhận là sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0 đã mở ra nhiều cơ hội cho các định chế tài chính như: Tiết giảm nhân lực và chi phí vận hành, rút gọn quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu công tác quản lý...
Đây cũng là cơ sở để các ngân hàng nghiên cứu và cho ra đời những sản phẩm dịch vụ ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng tính kết nối và mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng.
Bên cạnh đó, công nghệ hiện đại cũng sẽ khắc phục những trở ngại về địa lý, cho phép ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán đến những khu vực mà mạng lưới ngân hàng chưa tiếp cận được.
Nhìn một cách tổng quát thì cuối cùng, khách hàng vẫn là người nhận được lợi ích cao nhất khi mà mọi nhu cầu tài chính đều được đáp ứng một cách nhanh chóng, thuận tiện, an toàn, 24/7 cùng một mức phí tối ưu nhất.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội trên thì ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với những thách thức và rủi ro nhất định như: Hệ thống pháp lý đang trong quá trình hoàn thiện; trang thiết bị và phần mềm hiện đại đòi hỏi cần chi phí đầu tư lớn, cũng như cần thời gian đào tạo nhân sự và chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin thì theo tôi, rủi ro lớn nhất mà các ngân hàng và khách hàng phải đối mặt chính là tính an toàn hệ thống và bảo mật thông tin. Tỷ lệ tội phạm lừa đảo công nghệ có xu hướng tăng, gây thiệt hại về tài chính cho khách hàng và thậm chí là danh tiếng của ngân hàng.
Vậy đâu là lời giải cho những bài toán đặt ra ở trên, thưa ông?
Để phòng tránh và kiểm soát các rủi ro trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt là hoạt động thanh toán điện tử, theo tôi cần phải có sự kết hợp giữa việc đầu tư công nghệ bảo mật của ngân hàng với nâng cao hiểu biết, ý thức của khách hàng khi sử dụng các dịch vụ thanh toán.
Tại Ngân hàng Sài Gòn – SCB, chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp như: Thường xuyên kiểm tra, bổ sung và hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, các quy định nội bộ về an ninh, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin nhằm hạn chế các rủi ro, đảm bảo tuân thủ các quy định của NHNN và pháp luật; xem xét, đánh giá và kịp thời chỉnh sửa, hoàn thiện và nâng cấp hệ thống công nghệ bảo mật hiện đại, thay thế các công nghệ cũ không còn đảm bảo an toàn.
Tháng 9 vừa qua, SCB cũng đã nâng cấp thành công và đưa vào vận hành hệ thống Core Banking và Digital Banking phiên bản mới nhất Flexcube 12.4 của Oracle. Đây không chỉ là nền tảng để SCB phát triển các sản phẩm dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, mà còn góp phần gia tăng tính an toàn và bảo mật cho mọi hoạt động của ngân hàng.
Năm 2018 cũng là lần thứ 2 liên tiếp SCB được chứng nhận đạt tiêu chuẩn bảo mật, an ninh thẻ theo chuẩn PCI DSS phiên bản 3.2. Đây là phiên bản mới nhất của tổ chức PCI DSS với nhiều điều kiện nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn so với phiên bản cũ, mang đến sự an toàn cao nhất cho khách hàng khi giao dịch thẻ.
Bên cạnh đầu tư về công nghệ, việc nâng cao nhận thức phòng tránh rủi ro cho khách hàng cũng được SCB đặc biệt chú trọng, như:
Thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn và cung cấp thông tin đầy đủ đến khách hàng để phòng tránh các tình huống lừa đảo; theo dõi sát sao và cảnh báo khách hàng ngay khi có dấu hiệu bất thường trong giao dịch; kịp thời hỗ trợ, phối hợp cùng khách hàng và các cơ quan chức năng giải quyết khi có sự cố xảy ra nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Ngoài ra, để tránh xảy ra các rủi ro đáng tiếc, khách hàng cần có ý thức chủ động bảo vệ thông tin của mình cũng như cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân trên các mạng xã hội.
Lưu ý rằng, các nhà cung cấp dịch vụ không được phép yêu cầu khách hàng cung cấp các mã xác thực (OTP) và mật khẩu. Khách hàng chỉ cung cấp các thông tin cá nhân như chứng minh nhân dân, ngày tháng năm sinh… khi trực tiếp gọi điện tới tổng đài chăm sóc khách hàng để yêu cầu hỗ trợ, kiểm tra tài khoản của mình.
Đáng chú ý, khách hàng tuyệt đối không cung cấp mã OTP, mật khẩu, thông tin cá nhân... trên bất cứ phương tiện trao đổi nào không phải của ngân hàng mà mình đang sử dụng và đề cao cảnh giác đối với các cuộc gọi yêu cầu cung cấp các thông tin trên. Khi phát hiện bất thường, khách hàng cần gọi điện ngay tới ngân hàng để được kiểm tra và hỗ trợ kịp thời…
Có thể nói, tương lai của ngành tài chính ngân hàng đang có sự thay đổi lớn. Các dịch vụ thanh toán sẽ ngày càng tự động và thông minh hơn. Do đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và khách hàng sẽ góp phần không nhỏ đảm bảo sự thành công và hiệu quả cho các giải pháp phòng tránh rủi ro trên.