Cụ thể, theo ông Dũng, đối với ví điện tử của cá nhân, bên cạnh việc cung cấp thông tin của cá nhân mở ví điện tử theo yêu cầu của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, còn phải cung cấp căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, giấy khai sinh (đối với cá nhân là công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi); thị thực nhập cảnh hoặc giấy tờ chứng minh được miễn thị thực nhập cảnh của cá nhân mở ví điện tử (đối với cá nhân là người nước ngoài).
Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử chỉ được phép phát hành một ví điện tử cho một khách hàng tại một tổ chức cung ứng dịch vụ. Các đơn vị trung gian thanh toán phải áp dụng các biện pháp xác thực cần thiết như gặp mặt trực tiếp khách hàng hoặc các biện pháp phù hợp khác nếu nghi ngờ khách hàng sử dụng các số điện thoại, tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ khác nhau để đăng ký mở nhiều hơn một ví điện tử tại tổ chức của mình.
Theo lý giải của cơ quan quản lý, dự thảo Thông tư quy định tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử không được phép phát hành hơn một ví điện tử cho một khách hàng tại một tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử nhằm tránh lãnh phí, ngăn ngừa tình trạng khách hàng đăng ký mở ví điện tử tràn lan, dẫn đến việc sử dụng ví điện tử không thực chất, hoặc lợi dụng mở nhiều ví điện tử để thực hiện hành vi rửa tiền, bất hợp pháp.
“Có những món tiền được lấy cắp do chiếm đoạt tài khoản, mã OTP, lừa đảo người sử dụng qua website rồi chuyển tiền từ ngân hàng vào ví điện tử. Về lý thuyết, khi chúng ta có cơ chế xác thực thì sẽ thu hồi được số tiền đó; nhưng khi xác thực chưa chặt chẽ, thì toàn bộ số tiền bị đánh cắp mà được chuyển vào ví điện tử, chúng ta không thể biết người đó là ai”, ông Dũng giải thích.
Được biết, Điều 9 dự thảo Thông tư bổ sung quy định chi tiết về hồ sơ mở ví điện tử của khách hàng (cá nhân, tổ chức); trường hợp cá nhân đăng ký mở ví điện tử có tài khoản thanh toán mở thông qua người giám hộ, người đại diện theo pháp luật; các biện pháp xác thực thông tin khách hàng mở ví điện tử và việc liên kết ví điện tử của khách hàng với tài khoản thanh toán (hoặc thẻ ghi nợ) tại ngân hàng.
Phần điều khoản chuyển tiếp quy định, tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải rà soát hồ sơ khách hàng mở ví điện tử được mở trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành và thực hiện thu thập bổ sung các thông tin, tài liệu của khách hàng, xác thực thông tin khách hàng mở ví điện tử theo quy định tại Thông tư này trong vòng 6 tháng kể từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành.
Ông Dũng chia sẻ thêm: “Chúng ta sẽ phải quy định, nếu khách hàng đến giao dịch thì phải đáp ứng quy định gì. Vì vẫn xảy ra câu chuyện sim rác mang tên ông Nguyễn Văn A, nhưng thực tế một ông Nguyễn Văn B đang sử dụng sim này. Do đó, quy định về xác thực thông tin sẽ phải chặt chẽ trước khi cho phép thực hiện”.
Đối với quy định liên quan đến cơ chế xác thực người dùng, lãnh đạo các công ty trung gian thanh toán đều cho là cần thiết để đảm bảo an toàn cho thanh toán điện tử. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị Ngân hàng Nhà nước cân nhắc lại yêu cầu người dùng ví điện tử phải khai báo thông tin khi thực hiện hồ sơ mở ví, vì đã có thể sử dụng thông tin tài khoản ngân hàng và thuê bao điện thoại.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: “Đối với trường hợp đã có tài khoản tại ngân hàng thì nên xem xét miễn trừ. Và cần tính đến khả năng xác thực số (sinh trắc học). Bên cạnh đó, cần làm rõ khái niệm liên kết ví điện tử với tài khoản thanh toán hoặc ghi thẻ nợ của khách hàng”.
Bà Nguyễn Thuỳ Dương, Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ tài chính ngân hàng, EY Việt Nam cho rằng, hiện nay, chi phí bình quân của ngân hàng để thu thập thông tin cho một tài khoản ngân hàng là 300.000 đồng, chưa kể các chi phí lưu trữ, quản lý phát sinh theo thời gian. Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước buộc doanh nghiệp trung gian thanh toán phải thực hiện lại thủ tục xác minh khách hàng là không cần thiết, gây phát sinh chi phí cho doanh nghiệp và xã hội.
“Giải pháp cần có là xây dựng cơ chế kết nối để ngân hàng, nhà mạng và các doanh nghiệp trung gian thanh toán có thể chia sẻ và cùng sử dụng thông tin khách hàng”, bà Dương nói.