Ban Bí thư đánh giá, tỉ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt còn thấp (Ảnh minh hoạ)
Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, nhận thức và trách nhiệm của một số cấp uỷ, tổ chức đảng về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế vẫn còn hạn chế. Cơ chế, chính sách, pháp luật trong công tác này còn bất cập.
Năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ làm công tác thi hành án dân sự chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và cơ quan thi hành án có lúc, có việc chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài còn khó khăn, vướng mắc; tỉ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt còn thấp...
Để nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, tích cực góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Một là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.
Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình, chỉ thị nêu rõ.
Ở giải pháp thứ hai, Ban Bí thư yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội; cơ chế xử lý tài sản bị kê biên, phong toả.
Yêu cầu ở giải pháp này là sớm khắc phục những bất cập, vướng mắc trong kê biên tài sản, phong toả tài khoản, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp. Nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán, tố tụng hình sự, thi hành án dân sự và các quy định pháp luật liên quan theo hướng bổ sung cho thanh tra viên, kiểm toán viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế; xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong toả tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.
Hoàn thiện cơ chế tương trợ tư pháp về hình sự để thực hiện tốt công tác phát hiện, xử lý tài sản do phạm tội mà có ở nước ngoài. Khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt; nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần để kiểm soát tài sản chặt chẽ, hạn chế việc tẩu tán, che giấu, hợp thức hoá tài sản do phạm tội mà có, tạo thuận lợi cho công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Giải pháp thứ ba là nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự, ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp; kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong toả tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.
Toà án các cấp thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về chuyển giao bản án, tài liệu liên quan đến tài sản bị kê biên, phong toả; kịp thời đính chính, giải thích bản án và các kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền. Cơ quan thi hành án dân sự kịp thời xử lý theo pháp luật tài sản đã kê biên, phong toả, tạm giữ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời tích cực xác minh, truy tìm và xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án.
Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, nhất là chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự, thu hồi tài sản tham nhũng; chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý tài sản, đất đai và các cơ quan liên quan cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về tài khoản, tài sản, đất đai theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, kịp thời áp dụng các biện pháp tạm giữ, kê biên, phong toả, xử lý tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong quá trình tố tụng và thi hành án dân sự.
Giải pháp thứ tư được nêu tại chỉ thị là tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong công tác thu hồi tài sản. Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể tăng cường giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; có cơ chế phát huy hiệu quả vai trò giám sát của nhân dân, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác tài sản bất minh và sai phạm trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Giải pháp thứ năm là tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án dân sự, bảo đảm đủ số lượng, vững về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, thực sự liêm, chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.
Cuối cùng, Ban Bí thư yêu cầu tăng cường hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng; chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế và các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài để xác minh, truy tìm và xử lý tài sản do phạm tội mà có đang ở nước ngoài. Đẩy mạnh tham gia, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp hình sự giữa Việt Nam với các nước, tạo cơ sở pháp lý, cơ chế phối hợp trong phòng, chống tham nhũng có yếu tố nước ngoài.