"Kiếm đậm" với mác bình ổn giá vàng

"Kiếm đậm" với mác bình ổn giá vàng

Bình ổn nhưng giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới hàng triệu đồng, giá vàng của DN bình ổn lại cao hơn nhiều loại khác đến cả triệu... trong thời gian dài.

Đến khi phải giảm giá mạnh về mức chung của thị trường thì các DN cũng lý giải đó là nhiệm vụ bình ổn. Liệu "bình ổn" có là một lợi thế để nhiều các DN và ngân hàng kiếm đậm.

 

Bình ổn là cao giá?

 

Chuyện không tưởng đã xảy ra khi 22/11, giá vàng SJC đã bất ngờ giảm hơn 1 triệu đồng/lượng so với ngày trước đó trong bối cảnh giá vàng thế giới phục hồi. Đầu giờ sáng 23/11, giá vàng SJC giảm tiếp 50.000 đồng/lượng. Thậm chí có thời điểm giá vàng SJC lại thấp hơn các loại vàng khác trên dưới 400.000 đồng/lượng.

 

Như vậy, chuyện khó hiểu đã hiển hiện khi vàng bình ổn giá đã phải giảm giá cho theo kịp thị trường. Thực tế, theo quan điểm chung và nhiệm vụ được giao là SJC và các ngân hàng bán vàng bình ổn là phải kéo giá xuống sát với giá thế giới. Trở thành lực lượng giữ giá, ngăn chặn sự hỗn loạn trên thị trường. Tuy nhiên, thời gian qua, chưa bao giờ giá bình ổn về sát với giá thế giới như mục tiêu đề ra.

 

Khoảng cách 1 - 2 triệu vẫn được duy trì và khi giá vàng các thương hiệu khác giảm thì giá bình ổn đã trở thành giá cao nhất thị trường. Đi kèm với đó, các DN và ngân hàng này có đủ chiêu để ép khách mua vàng... Với mức giá duy trì khoảng cách cao, chỉ tính riêng trong mấy tuần SJC giữ giá cao nhất thị trường so với vàng khác thì họ cũng đã kiếm đậm. Xem ra, nhiệm vụ bình ổn chưa thành công thì vị trí bình ổn đã mang lại cho các đơn vị này nhiều lợi thế để kiếm đậm trong thời gian qua.

 

Kiểu gì cũng lãi lớn?

 

Thị trường vàng Việt Nam đã thay đổi chớp nhoáng trong sự ngỡ ngàng của những người chuyên nghiệp cho tới dân nghiệp dư trong lĩnh vực vàng. Nhưng nếu xét kỹ và hiểu rõ tình hình thị trường vàng những ngày gần đây, sẽ không bất ngờ.

 

Theo các ngân hàng thực hiện bình ổn, nguyên nhân là do nhóm ngân hàng tham gia bình ổn đã tăng cường bán vàng ra thị trường theo định hướng của NHNN. Lượng vàng bán ra phục vụ mục đích bình ổn đợt 2 chủ yếu là vàng SJC, thương hiệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kho các ngân hàng.

 

Tuy nhiên, điều khó hiểu là tại sao họ không giảm giá trong suốt thời gian qua, mà lại giữ giá cao nhất thị trường và duy trì một khoảng cách lớn với thế giới trong suốt thời gian dài.

 

Theo một chuyên gia thì, vàng SJC giảm giá mạnh hơn so với các loại vàng kia cũng xuất phát từ tín hiệu của NHNN. Nguyên do lần này là do có sự thay đổi trong thông điệp mà cơ quan chính sách truyền tới người dân. Cụ thể, ngày 21/11, NHNN đã ra thông báo thêm về dự thảo Nghị định quản lý vàng cùng với việc đăng tải toàn bộ dự thảo.

 

Thông báo khẳng định: "Tất cả các loại vàng miếng đã được NHNN cho phép sản xuất và lưu thông trong thời gian trước đây vẫn tiếp tục được lưu thông sau khi Nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực thi hành". Còn tại dự thảo có điều khoản chuyển tiếp quy định: Thời gian chuyển tiếp đối với hoạt động sản xuất, gia công, mua bán vàng trang sức mỹ nghệ là 12 tháng, với hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng là 6 tháng.

 

Thông tin trên lập tức khiến những người đang giữ các loại vàng miếng khác yên tâm, trong khi vàng SJC không còn là mục tiêu săn đuổi để đổi, dù chịu thiệt hại, như lần trước.

 

Thực tế, khi NHNN đã trình lên Chính phủ Dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Điểm mới quan trọng trong Dự thảo là để được NHNN xem xét cấp phép sản xuất vàng miếng, doanh nghiệp phải chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất.

 

Gần như dự thảo nói trên của NHNN đồng nghĩa với việc tạo lợi thế độc quyền cho SJC. Bởi lẽ, SJC đang chiếm 90% thị trường vàng miếng cả nước. Lo rằng số vàng đang nắm giữ sẽ khó bán hoặc bị mất giá một khi dự thảo mới của nghị định được thông qua, nhiều người đã mang vàng không phải của SJC đi bán. Nghĩ rằng vàng SJC sẽ là loại vàng miếng duy nhất trên thị trường trong nay mai, họ chấp nhận chịu thiệt để đổi lấy vàng SJC cho an toàn. Và thay vì bình ổn nhanh chóng, thì các DN có nhiệm vụ bình ổn lại đứng im hưởng lợi với giá cao và sự "độc quyền" ngẫu nhiên" đó để mặc thị trường hỗn loạn với nhiều loại giá.

 

Cơn bão vàng ngắn ngủi nhưng gây sốc trong chiều 22/11 và sáng 23/11 vừa qua đã xuất hiện do thông tin thêm của NHNN vừa đưa ra đầu tuần liên quan đến nội dung dự thảo nghị định quản lý kinh doanh vàng cùng với sự tổng lực của nhóm ngân hàng thương mại thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường.

 

Đợt bão giá theo hướng xuống vừa qua giúp nhiều người mua được vàng giá rẻ nhưng nó cũng đồng nghĩa với những thiệt thòi rõ ràng cho những người đã mua trước đó, nhất là những người đã vội vã bán vàng đang nắm giữ để mua vàng SJC, thậm chí phải các thêm tiền để mua một loại vàng không khác gì nhau.

 

Còn với những doanh nghiệp kinh doanh vàng, họ lại có thêm một ngày bội thu. Luôn được áp đặt giá bán và giá mua, với khoảng chênh lệch mua bán tương đối an toàn và luôn đảm bảo lợi nhuận cho mình, mỗi cơn bão dù ngắn cũng mang lại cho họ những khoản doanh thu khổng lồ và những món lợi nhuận bất ngờ mà thú vị. Họ là những người hưởng lợi từ những cơn bão, dù bão đến có bất ngờ đến mấy.

 

Với những người dân mua bán vàng, thường xuyên phải chịu cảnh bán rẻ - mua đắt nhất là trong đợt vừa qua - thì họ đã nhận được bài học lớn cho cho việc đón đầu thông tin chưa chính thức, đúng hơn là chưa được giải thích rõ nghĩa từ phía cơ quan chức năng.

Còn với cơ quan quản lý, họ đã "vô tình" tạo ra một tác dụng phụ không mong muốn là mang lại rủi ro như vừa qua cho những nhà đầu tư và đầu cơ nương theo chính sách và nhanh chân làm trước. Thông báo cụ thể của NHNN nếu đưa ra cùng lúc với khi công bố dự thảo thì sẽ không có những người dân bán tháo vàng thương hiệu khác để vội vã tích trữ SJC như vừa qua.

"Kiếm đậm" với mác bình ổn giá vàng ảnh 1

Bình ổn vẫn chưa đạt được mong muốn, thậm chí đang bị nghi ngờ bị lợi dụng

"Kiếm đậm" với mác bình ổn giá vàng ảnh 2

Người dân hiếm có cơ hội mua vàng giá rẻ của SJC