Giá vàng thế giới trong năm 2016 được nhận định khó bỏ xa ngưỡng 1.200 USD/ounce, kể cả khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có thông điệp về lộ trình tăng thêm lãi suất đồng USD.
Mãi lực tăng khi giá giảm
Giá vàng trên thị trường thế giới đã chạm đáy và hiện đang ở thế lừng khừng, khó có thể bật mạnh lên, nhưng nhiều khả năng không thể giảm sâu. Fed cho biết sẽ còn tăng lãi suất trong thời gian tới, song thông điệp này không còn mới với thị trường thế giới, kể từ lần tăng lãi suất vào cuối năm 2015.
Mặt khác, Fed cũng sẽ rất thận trọng trong điều chỉnh lãi suất cơ bản đồng USD trong thời gian tới khi nền kinh tế Mỹ hồi phục khá chậm, trong khi diễn biến kinh tế Trung Quốc cũng chưa mấy sáng sủa.
Giá vàng thế giới có thể còn giảm, nhưng khả năng mặt hàng này khó bỏ xa ngưỡng 1.200 USD/ounce trong năm nay nên khi giá xuống dưới ngưỡng trên, nhà đầu tư có thể xem xét mua vào.
Đồng Nhân dân tệ dự báo sẽ còn nhiều biến động và chưa ai có thể tiên đoán được rằng, đồng tiền này có còn biến động lớn trong thời gian tới hay không. Trong bối cảnh ấy, Fed không thể không thận trọng khi tăng lãi suất và nhiều khả năng, cơ quan này chưa thể thực hiện sớm trong năm nay.
Thêm vào đó, tình hình chính trị trên thế giới có nhiều bất ổn và khó khăn, điều này sẽ có tác động tích cực lên giá vàng. Mặc dù giá vàng trong xu thế giảm thời gian qua và được nhận định sẽ tiếp tục đi xuống trong thời gian tới, nhưng mãi lực vàng trên thế giới vẫn khá cao. Không chỉ có nhà đầu tư, quỹ đầu tư mua vào, mà mãi lực vàng của các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng ngày một gia tăng.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn đều đặn mua vàng trong những năm qua. Theo thống kê, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua khoảng 550 tấn vàng trong năm 2015 và khả năng sẽ còn tiếp tục mua vào trong thời gian tới. Bởi quan điểm của các ngân hàng là tiếp tục dự trữ vàng bên cạnh các đồng tiền mạnh. Trong đó, vàng được xem là một công cụ trú ẩn an toàn nên các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn tăng mua, kể cả khi giá được dự báo tiếp tục giảm.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Chuyên gia lĩnh vực vàng
Hiện các mỏ vàng trên thế giới đang có xu hướng hạn chế khai thác và sản xuất vàng nguyên liệu do giá vàng thấp, sau khi trừ các chi phí khai thác và chế biến chỉ cho lợi nhuận rất thấp, trong khi đó, các công ty khai thác vàng ở Nam Phi không nhiều, chỉ có một vài mỏ khai thác - sản xuất nên khả năng nguồn cung vàng trong thời gian tới có phần hạn chế.
Một khi cung vàng ra thị trường không mấy dồi dào, cộng với đó là xu hướng giá vàng giảm… sẽ là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư trên thế giới mua vào, sau đó đón “sóng” lên đẩy hàng, chốt lời. Nhưng để thành công, đòi hỏi các nhà đầu tư phải nắm rõ các xu hướng thị trường cũng như phân tích diễn biến của tình hình kinh tế - chính trị thế giới cũng như những động thái chính sách của Fed.
Ở thị trường nội địa, các nhà đầu tư cũng nên xem xét khi mua vàng trước diễn biến thị trường hiện nay. So với trước, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện đã được thu hẹp và khi thị trường vàng trong nước chưa liên thông với thị trường thế giới thì việc chênh lệch về giá cũng là điều bình thường.
Giá vàng thế giới có thể còn giảm, nhưng khả năng mặt hàng này khó bỏ xa ngưỡng 1.200 USD/ounce trong năm nay nên khi giá xuống dưới ngưỡng trên, nhà đầu tư có thể xem xét mua vào. Bởi các dự báo đưa ra, nếu Fed điều chỉnh lãi suất vào cuối năm, tạo áp lực lên tỷ giá, giá vàng trong nước sẽ tăng theo.
Cần tính đến huy động nguồn vàng “chết” trong dân
Chính sách quản lý thị trường vàng của Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được một số thành công. Thị trường vàng dần đi vào vận hành ổn định, các ngân hàng không còn được cho vay và huy động vàng. Tuy nhiên, việc “đóng cửa” thị trường vàng trong nước với thế giới, bên cạnh những kỳ vọng như ổn định tỷ giá cũng có mặt hạn chế.
Một khi giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới, vàng sẽ được nhập lậu vào nội địa do đường biên giới nước ta quá rộng, khó kiểm soát. Việc vàng không được nhập qua đường chính ngạch không chỉ dẫn đến thất thoát lớn về thuế cho Nhà nước, mà hệ lụy là vàng kém chất lượng, vàng giả xuất hiện trên thị trường.
Mặt khác, hiện có một vấn đề là nguồn vàng tích lũy trong dân cư rất lớn, mà chúng ta không thể huy động được nguồn lực này phục vụ cho phát triển nền kinh tế. Vấn đề này đã được Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng như các ngân hàng thương mại kiến nghị nhiều lần lên Ngân hàng Nhà nước. Đây được xem là nguồn lực lớn còn đang bị bỏ phí của đất nước.
Lượng tiêu thụ vàng của người dân luôn tăng, kể cả khi không còn được gửi tiết kiệm bằng vàng. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng cân nhắc việc có nên cho các ngân hàng tái huy động vốn bằng vàng, song đến nay vẫn chưa có quan điểm nhất quán.
Trong khi đó, con số 70 tấn vàng được nhập khẩu về Việt Nam trong năm 2014 mà các tổ chức trên thế giới đưa ra cũng phần nào cho thấy, mãi lực của người dân Việt Nam về vàng luôn ở mức cao. Từ bao đời nay, vàng là loại tài sản giá trị lớn, có mặt trong rất nhiều gia đình Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, với quan niệm vàng đem lại sự may mắn và an tâm lâu dài cho cuộc sống. Truyền thống cất trữ vàng được củng cố trong nhiều năm chiến tranh và tiếp theo thời bình do những biến động kinh tế, lạm phát, đồng tiền mất giá...
Có cầu thì tất phải có cung. Có những nhu cầu thật và những nhu cầu không thật, chỉ do đầu cơ, nhưng tất cả đều phải được đáp ứng. Từ đó đã hình thành nên một thị trường vàng, được kích thích, mua bán ngày càng sôi động, lợi nhuận tạo được do tần số giá biến động nhanh, mà giá vàng hoàn toàn bị chi phối bởi giá vàng trên thế giới. Chênh lệch giá tạo lợi nhuận có lúc rất cao, dĩ nhiên có lúc thua lỗ do tính toán sai, đủ sức cuốn hút người người kinh doanh, nhà nhà kinh doanh vàng.
Sau khi ổn định trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại cũng như thị trường vàng theo các đề xuất, cũng cần nghiên cứu thực hiện chủ trương tiếp tục huy động vàng trong dân, nhưng lần này không phải để ngân hàng thương mại kinh doanh mà Ngân hàng Nhà nước sẽ phát hành chứng chỉ vàng dài hạn để gom vàng về Ngân hàng Nhà nước. Dĩ nhiên, để thực hiện được việc huy động vàng trong dân, cần phải xây dựng quy chế chặt chẽ về nghĩa vụ, quyền lợi của Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại.
Số vàng huy động được sẽ dùng làm tài sản thế chấp tại các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nước ngoài để vay ngoại tệ với lãi suất thấp đem về phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Lợi ích rõ ràng của việc này là huy động được một nguồn lực tài chính quan trọng trong dân, nhưng lại tránh được các phức tạp so với việc huy động vàng phục vụ kinh doanh trước đây của ngân hàng thương mại.