Kích hoạt các nguồn lực của nền kinh tế đang là điểm cốt lõi

0:00 / 0:00
0:00
“Cải cách để kích hoạt các nguồn lực, đưa các nguồn lực đến những dự án, nhà đầu tư tốt nhất sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững”.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khi trao đổi với phóng viên trước thềm Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ ba (VRDF 2020).

Thưa ông, vào thời điểm này, trước thềm Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) và Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), khi bàn về cải cách và phát triển, ông muốn nói đến những điểm gì?

Tính từ năm 1986, Việt Nam đã có gần 35 năm đổi mới, cải cách, chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Bản chất của quá trình này là mở không gian cho thị trường vận động, làm thị trường vận hành tốt hơn.

Trong quá trình này, mỗi bước mở không gian cho thị trường, để thị trường vận hành tốt hơn, để người dân tự do kinh doanh, thì Nhà nước về quy mô tương đối sẽ thu hẹp lại, đồng thời, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước sẽ thay đổi, phù hợp với mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường.

Tôi thấy rất rõ yếu tố này khi điểm lại những mốc quan trọng trong quá trình cải cách của Việt Nam.

Ngay khi cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp còn chi phối, chúng ta đã cài nhân tố thị trường vào hoạt động của các xí nghiệp quốc doanh, đó là kế hoạch 3 phần A, B, C. Kế hoạch A là Nhà nước cân đối cả đầu vào, đầu ra với mức giá do Nhà nước quy định, thường rất thấp. Kế hoạch B là Nhà nước cung ứng một phần nguyên liệu, xí nghiệp tìm một phần, bán cho Nhà nước với giá cân đối. Kế hoạch C là xí nghiệp tự lo đầu vào, đầu ra và được bán theo giá thị trường, làm bao nhiêu, hưởng bấy nhiêu.

Ban đầu, kế hoạch C tưởng như phần tăng thêm, nhưng về sau lại là kế hoạch chính tạo doanh thu, động lực cho người lao động và chính là tiền đề cho những thay đổi trong quản lý với doanh nghiệp nhà nước.

Nhìn lại, yếu tố cốt lõi là tạo động lực cho người lao động, cho người đầu tư, cho doanh nghiệp. Thời điểm này, động lực là cơ chế thị trường, nguyên tắc thị trường.

Từ khi có Luật Doanh nghiệp (1999), với nguyên tắc người dân được làm những gì pháp luật không cấm, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, đã cho thấy bước mở rộng của thị trường và những bước lui chân của Nhà nước, thưa ông?

Mỗi lần nâng thị trường lên, khu vực doanh nghiệp bung ra, kinh tế phát triển mạnh mẽ. Có thể thấy ngay trong nhiệm kỳ này, khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đã xác định rõ tập trung cải cách môi trường kinh doanh, nghĩa là làm cho thị trường tốt hơn.

Kết quả thực tế, kinh tế giai đoạn vừa qua tăng trưởng bền vững hơn, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng lên. Tiếc là, Covid-19 xuất hiện, khiến nhiều nỗ lực chưa hoàn tất.

Nhưng kinh nghiệm gần 35 năm đổi mới, cải cách kinh tế của Việt Nam cho thấy, giai đoạn tới, chúng ta phải làm thế nào để thị trường vận hành tốt hơn. Như Thủ tướng Chính phủ đã nhắc rất nhiều lần yêu cầu của cải cách, là thể chế, thể chế và thể chế, trực tiếp chỉ đạo sát sao yêu cầu này, sẽ phải tiếp tục tập trung cải cách thể chế.

Nếu giai đoạn vừa qua, chúng ta đã cải cách để chuyển sang kinh tế thị trường, thì 5 năm tới, theo tôi, cần cải cách để kết thúc quá trình chuyển đổi, thực sự bước sang kinh tế thị trường hiện đại, theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế tốt.

Muốn vậy, theo ông, sẽ phải tiếp tục làm gì và làm thế nào?

Xét về loại thị trường, thị trường hàng hóa, thị trường dịch vụ của Việt Nam phát triển tương đối tốt, nhưng các loại thị trường nhân tố sản xuất, gồm thị trường vốn, thị trường đất đai, thị trường tài nguyên, thị trường khoa học công nghệ, trí tuệ lại rất kém phát triển. Đây là điểm phải cải cách.

Dấu ấn đo lường cải cách vẫn là cạnh tranh công bằng. Cạnh tranh để tiếp cận nguồn lực, để nguồn lực được phân bổ theo nguyên tắc thị trường. Nguồn lực được sử dụng hiệu quả thì nguồn lực đẻ ra tài sản, đẻ ra nguồn lực…

Hiện tại, nguồn lực vẫn bị phân bổ theo hướng xin - cho, chưa đến được với những dự án, nhà đầu tư thực sự có hiệu quả, có năng lực.

Nếu giải tỏa được điểm nghẽn cốt lõi này, các nguồn lực của nền kinh tế sẽ được kích hoạt. Đặc biệt, khu vực tư nhân cũng phát triển được lành mạnh vì người giỏi kinh doanh, có ý tưởng tốt sẽ tiếp cận được nguồn lực, cơ hội, chứ không phải là người “chạy giỏi”.

Xét về quyền kinh doanh, người dân, doanh nghiệp đã có tự do kinh doanh, nhưng thiếu an toàn kinh doanh. Đây là điểm đáng phải suy nghĩ. Hệ thống tư pháp, tòa án phải độc lập, để giải quyết các tranh chấp, bảo vệ được lợi ích, tài sản của người đầu tư.

Đặc biệt, cần tiếp tục cải cách doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước đã không được quyền tự do kinh doanh như doanh nghiệp tư nhân, mà làm theo yêu cầu, nhiệm vụ của chủ sở hữu nhà nước, thì họ phải được tự quyết định cách thức thực hiện. Bài học từ kế hoạch A, B, C của những năm đầu Đổi mới đã chứng minh thực tế, đừng khống chế doanh nghiệp nhà nước chi bao nhiêu, mà quan trọng là doanh nghiệp nhà nước làm ra bao nhiêu.

Có thể nói, những việc cần phải làm vẫn là các bước kế tục của giai đoạn 35 năm đổi mới, thưa ông?

Trong phần việc kế tục của 35 năm cải cách, đổi mới, thì thị trường và thu hút nhân tài là 2 điểm chính. Ngoài ra, còn một nhánh khác cần ưu tiên là phát triển kinh tế số, thúc đẩy công nghiệp 4.0, đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh hiện tại, thị trường hơn và thúc đẩy sáng tạo là hai nhánh của kinh tế thị trường.

Quản lý nhà nước hiện nay là làm theo quy định, nhưng đổi mới sáng tạo là không theo quy định hiện có, vậy cần phải có tư duy quản lý mới, cơ chế quản lý thúc đẩy sáng tạo…

Nhà nước thêm một bước nữa cần thay đổi rất lớn.

Tin bài liên quan