Ông Trần Du Lịch.

Ông Trần Du Lịch.

Kích cầu phải đúng mục đích

(ĐTCK) Để ngăn chặn đà giảm phát, lãi suất cơ bản dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới và điều này hiện đã được các nước trên thế giới thực hiện. Nhưng với Việt Nam, do đã tăng mạnh lãi suất cơ bản trong quý III/2008, do đó khi giảm xuống cũng không nên quá nhanh và đột ngột. Đồng thời, để các giải pháp kích cầu được hiệu quả, TS.Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, gói vốn đưa ra hỗ trợ kích cầu phải đúng mục đích mới tránh được nguy cơ lạm phát tái bùng phát.

Mức 8,5%/năm của lãi suất cơ bản hiện nay đã khiến ngân hàng khó khăn do vướng quy định trần lãi suất cho vay, nhưng nhiều người cho rằng, sẽ tiếp tục được điều chỉnh. Dự báo của ông về xu hướng lãi suất cơ bản trong những tháng tới?

Để ngăn chặn tình trạng thiểu phát thì chắc chắn lãi suất cơ bản sẽ tiếp tục được điều chỉnh. Hiện lãi suất cơ bản của Mỹ đã được cắt giảm xuống 0 - 0,25% thì Việt Nam khó có thể duy trì được mức cao. Tuy nhiên, chúng ta không thể quên rằng, kinh tế Việt Nam vẫn còn nguy cơ tái lạm phát vì gốc của lạm phát vẫn còn, nên cần phải nhìn được tín hiệu và diễn biến của thị trường lãi suất - kết quả của cung cầu tín dụng và tiến độ giải ngân vốn của các ngân hàng.

Chẳng hạn như trong quý IV này so với chỉ số giá tiêu dùng thì lãi suất được ngân hàng áp dụng hiện tại vẫn còn thực dương. Nhưng nếu tính cả năm thì lạm phát vẫn ở mức cao nên điều chỉnh lãi suất phải xem xét kỹ. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có một số động thái nới lỏng chính sách tiền tệ như: giảm lãi suất cơ bản, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thanh toán 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc, tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và giảm mạnh lãi suất của tín phiếu bắt buộc còn 4,5%/năm… với mục tiêu mở rộng tín dụng. Tuy nhiên, có một mâu thuẫn đối với các ngân hàng thương mại hiện nay là vẫn phải làm sao giữ lãi suất huy động ở mức tương đối để đảm bảo thanh khoản (vì lạm phát cả năm nay vẫn trên dưới 20%). Trong khi đó, cho vay ra lại vướng quy định trần lãi suất bằng 150% lãi suất cơ bản. Chính vì vậy, các ngân hàng rất thận trọng đối với cho vay, trong khi doanh nghiệp có xu hướng co hẹp hoạt động và việc tìm dự án hiệu quả để cho vay là khó.

Vậy theo ông, cần sớm gỡ bỏ trần quy định lãi suất cho vay mới kích thích được vốn ngân hàng ra nền kinh tế?

Thực sự không ai quy định trần lãi suất, mà chỉ có Bộ luật Dân sự quy định lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản. NHNN không đưa ra quy định này. Do đó, theo tôi, Luật Dân dự không nên điều chỉnh hoạt động của ngành ngân hàng đối với quy định này, mà chỉ điều chỉnh các quan hệ tín dụng dân dự, tức chống cho vay nặng lãi. Có thể sửa hoặc cách khác dễ hơn như Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích quy định này được áp dụng trong trường hợp nào. Tuy nhiên, nếu ngân hàng cân đối được chi phí khi lãi suất cơ bản giảm sẽ không khó khăn.

Ông đánh giá như thế nào về các đợt điều chỉnh lãi suất thời gian qua, liệu có quá nhanh?

Trong quý III/2008, khi lãi suất cơ bản tăng lên, tốc độ tăng cũng rất nhanh nên khi cắt giảm cũng phải có sự điều chỉnh phù hợp, không xuống quá nhanh và đột ngột. Nếu giảm lãi suất cơ bản quá mạnh và nhanh, dòng tiền vào ngân hàng giảm thì cần phải xem xét kỹ. Bởi lãi suất giảm mạnh sẽ khiến nhiều người nghĩ đến việc đồng nội tệ mất giá và quay sang nắm giữ ngoại tệ. Theo quy luật, "đồng tiền xấu là đồng tiền sẽ đuổi đồng tiền tốt ra khỏi lưu thông". Do đó, điều lo ngại nhất hiện nay là tình trạng đôla hóa. Mặt khác, lãi suất giảm sâu chưa hẳn ngân hàng đã giải ngân được vốn. Nguyên nhân là tình hình thị trường còn khó khăn, doanh nghiệp không có nhiều dự án tốt để ngân hàng cho vay vốn.

Theo ông, đà suy giảm hiện nay của kinh tế Việt Nam có đáng lo ngại?

Việt Nam không xảy ra khủng hoảng nên đà suy giảm hiện nay chưa quá nguy hiểm. Thực tế, các doanh nghiệp đã chủ trương ứng phó với những khó khăn trước khi có giải pháp từ phía cơ quan quản lý. Song không vì thế mà chúng ta xem thường và bỏ qua việc dự phòng.

Nguy cơ thất nghiệp trong năm tới sẽ như thế nào khi dự báo sẽ có không ít nhiều doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản, thưa ông?

Trước diễn biến của thị trường hiện nay, nguy cơ thất nghiệp trong năm tới khó có thể xác định được. Nhưng thực tế hiện nay là các doanh nghiệp gia công nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam sẽ giảm lao động trong thời gian tới. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên hiểu rằng, kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ, tự tạo việc làm và tự tạo lao động. Do đó, nếu thúc đẩy được kinh tế phát triển và GDP đạt 6% trở lên sẽ tạo được hơn 1 triệu việc làm mỗi năm.

Với gói vốn 6 tỷ USD vừa được Chính phủ đưa ra để kích cầu thị trường nội địa, theo ông, nên kích vào đâu và đối tượng nào mới có hiệu quả?

Theo tôi, nên kích cầu bằng cách trợ cấp lãi suất cho các ngân hàng. Có nghĩa, các ngân hàng vẫn cho vay ra, nhưng lãi suất sẽ được Chính phủ bù một phần, nhất là các dự án tốt, nhằm cân đối rủi ro trong cho vay. Có như vậy, vốn ngân hàng mới được khơi thông và kinh tế sẽ được kích cầu. Trước thực trạng hiện nay, khó khăn sẽ còn và kéo dài đến năm sau. Tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn trong năm tới. Vì vậy, rất cần đến những giải pháp hỗ trợ.

Tuy nhiên, dựa trên quy mô của nền kinh tế, để kích cầu thị trường nội địa một cách hiệu quả lúc này cần có sự đồng thuận cả phía doanh nghiệp và Chính phủ. Nhà nước nên kích cầu vào các dự án sử dụng nguyên liệu trong nước ở một số lĩnh vực như "điện - đường - trường - trạm". Theo xu hướng thì các dự án có mức tiêu thụ cao sẽ kích thích được nền kinh tế cao hơn. Do đó, gói vốn trên cần phải kích vào các dự án có xu hướng kinh tế cao như nông thôn, nông dân. Thực tế, nhu cầu tiêu dùng của những đối tượng này hiện rất lớn. Tóm lại, kích cầu phải trúng mục đích, nếu không sẽ phản tác dụng và nguy cơ lạm phát gia tăng.

Nếu vậy, với kênh đầu tư chứng khoán hoặc bất động sản sẽ còn khó khăn trong thời gian tới? Ông nhận định như thế nào về dòng vốn gián tiếp trong năm 2009?

Chứng khoán và bất động sản sẽ còn khó khăn trong năm tới. Khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm mất lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong khi đó, đầu tư trên TTCK chính là đầu tư niềm tin. Nhiều người dự báo chứng khoán sẽ ấm lên trong năm tới, nhưng theo quan điểm của tôi, khó khăn vẫn tồn tại và kéo dài. Để niềm tin của nhà đầu tư trở lại cần phải có thời gian.

Vậy theo ông, nếu có tiền nhàn rỗi lúc này nên bỏ vào kênh nào để hiệu quả, nhưng hạn chế được tối đa rủi ro?

Nếu có tiền lúc này, theo tôi vẫn nên gửi tiết kiệm. Do chứng khoán, bất động sản hiện vẫn còn nhiều rủi ro. Gửi tiền vào ngân hàng có mức lãi suất 7 - 8%/năm sẽ có lợi hơn. Vì lạm phát đã được kiềm chế ở mức thấp nên gửi tiền vào ngân hàng không còn mất giá như những tháng đầu năm.

Với ngoại tệ thì sao, dự báo của ông về xu hướng của tỷ giá trong những tháng tới như thế nào?

Tôi cho rằng, tỷ giá hối đoái phải để thị trường tự điều chỉnh. Hiện tỷ giá hối đoái đang phụ thuộc nhiều vào USD, vì trong rổ tiền tệ thì USD chiếm hơn 80%. Hiện USD đang tăng giá, nhưng nhiều khả năng sẽ suy yếu trong thời gian tới. Do đó, theo tôi không nên có chủ trương phá giá đồng nội tệ, nhưng có thể điều chỉnh tỷ giá theo tín hiệu của thị trường.