Ảnh Lê Toàn

Ảnh Lê Toàn

Kịch bản xấu nhất, TP.HCM chỉ tăng trưởng ở mức 2,5% khả quan hơn là khoảng 3-4%

(ĐTCK) Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nghiêng về kịch bản tăng trưởng của TP.HCM năm nay ở mức 3,4 - 4,12%.

Chia sẻ tại cuộc họp tổ chức sáng 5/5 giữa UBND TP.HCM với các  doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, các  hiệp hội ngành nghề và lãnh đạo sở ngành, đơn vị liên quan  để bàn các giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM năm 2020, TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, Viện đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng của TP.HCM năm 2020. Theo đó, trong tình huống xấu nhất theo kịch bản cơ sở, Thành phố chỉ tăng trưởng ở mức 2,5%.

“Kịch bản cơ sở là giả định tiêu cực nhất, rồi giảm dần từ kịch bản số 1 đến 2 và 3”, ông Ngân nói.

Cụ thể, với kịch bản cơ sở khi kinh tế thế giới suy thoái, bất ổn địa chính trị gia tăng, khả năng phục hồi tại một số nền kinh tế là đối tác lớn của Thành phố như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU… khó (Mỹ âm 3%, EU âm 5,9%, Trung Quốc âm 1,2%, Nhật Bản âm 5.2%).

Trong khi đó, tính ổn định của các chỉ số vĩ mô trong nước chịu ảnh hưởng theo biến động của kinh tế thế giới, nên tăng trưởng kinh tế TP.HCM cũng bị tác động và mức tăng trưởng kinh tế của Thành phố năm nay chỉ ở mức 2,5%. 

Kịch bản 1, 2 giảm dần mức độ tiêu cực của các biến số giả định lên kinh tế TP.HCM, thì tăng trưởng kinh tế của Thành phố năm nay ở mức 3,4 - 4,12%.

Kịch bản 3 khả quan hơn thì tăng trưởng kinh tế của TP.HCM xoay quanh mức 5,42%. Kịch bản này dựa trên giả định kinh tế thế giới tăng trưởng thấp nhưng không rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, qua quý I đã bắt đầu rơi vào suy thoái, nên kịch bản không khả thi.

"Chúng  tôi kỳ vọng ở kịch bản 1, 2 nhiều hơn", ông Ngân cho biết.

Theo ông  Ngân, kịch bản được xây dựng giữa bối cảnh kinh tế thế giới biến động, rủi ro và khó đoán định hơn. Trong khi đó, kinh tế trong nước chịu tác động ngày càng sâu sắc bởi các yếu tố bên ngoài do độ mở cao.  

Thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều tăng trưởng âm. IMF dự báo Việt Nam tăng trưởng 2,7%, WorldBank dự báo thấp nhất 1,5% và cao nhất là 4,9%, Fitch Rating dự báo là 3,3%.  

“Khi chúng tôi thực hiện mô hình dự báo, chưa có dữ liệu quý I. Chúng tôi nhận thấy tình hình kinh tế quý I đã giảm rất sâu so với mặt bằng chung của cả nước do yếu tố dịch vụ chiếm trên 22% GDP của TP.HCM, công nghiệp xây dựng 22,8%. Khu vực dịch vụ có cơ cấu lớn lại đang tăng trưởng âm. Khu vực công nghệ xây dựng đang giảm. Và đến tháng 4, chúng ta bị ảnh hưởng rất nặng nề”, ông Ngân nói.

Theo UBND TP.HCM, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM. Tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố 3 tháng đầu năm ước chỉ tăng 0,42% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 7,64%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 12,3%). Khách quốc tế đến Thành phố giảm 34,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 14,1%).

Kịch bản xấu nhất, TP.HCM chỉ tăng trưởng ở mức 2,5% khả quan hơn là khoảng 3-4% ảnh 1

Khách quốc tế đến TP.HCM trong quý I/2020 giảm tới 34,2% so với cùng kỳ. Ảnh: Lê Toàn

Cũng trong quý I/2020, TP.HCM có hơn 1.350 doanh nghiệp giải thể, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm trước; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ đạt 1,05 tỷ USD, giảm gần 33% so với cùng kỳ năm trước. Riêng hoạt động thu ngân sách gặp khó khăn khi trung bình mỗi ngày làm việc chỉ thu gần 899 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt 55% so với mức thu trung bình Thành phố phải thu theo dự toán năm 2020 (hơn 1.636 tỷ đồng/ngày)…

Theo ông Ngân, kinh tế TP.HCM năm nay chắc chắn sẽ suy giảm, nhưng điều quan trọng là chúng ta nhìn về tương lai. Làm sao từ 2021 trở đi, chúng ta phát triển nhanh và bền vững hơn. Dịch bệnh là cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghệ cao, đô thị xanh…

“Chống dịch vẫn là mục tiêu quan trọng, nhưng biện pháp có sự điều chỉnh cho phù hợp để đạt mục tiêu kép: phục hồi kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường trong nước trở nên quan trọng hơn đối với sự phục hồi của Việt Nam và TP.HCM...”, ông Ngân nói.

Cũng theo ông Ngân, các yếu tố nội tại cơ bản của TP.HCM phải được đảm bảo để hướng đến sự phục hồi kinh tế. Năng suất của hoạt động kinh tế và người lao động phải được các biện pháp chính sách hỗ trợ để diễn tiến theo chiều hướng gia tăng của thời kỳ trước dịch.

Trong cơ cấu kinh tế lớn từ thị trường bên ngoài phải có các giải pháp cải thiện sản phẩm và tạo sản phẩm mới nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng của thị trường trong nước, thúc đẩy sự trở lại vai trò động lực tăng trưởng của các ngành.

Ngoài ra, vẫn tiếp tục theo dõi tiếng trình phục hồi và sự phát huy tác dụng của các gói chính sách hỗ trợ tại các nền kinh tế lớn trên thế giới, cũng là đối tác kinh tế chủ yếu của Thành phố. Đồng thời, phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu cuả thị trường trong tiến trình này để gia tăng khả năng thâm nhập thị trường trong điều kiện cho phép.  

“Vẫn còn các yếu tố tác động khác đối với sự phục hồi của kinh tế TP.HCM, nhưng do điều kiện kỹ thuật mà không được xem xét trong mô hình. Nổi lên trong đó là tầm quan trọng của việc tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ thành phố thực hiện vai trò trung tâm kinh tế của cả nước. Từ thực tiễn có thể quan sát được và kết hợp ý kiến chuyên gia cho thấy khơi thông các điểm nghẽn ảnh hưởng đến sự lưu thông của các nguồn lực kinh tế là cần thiết”, ông Ngân nhấn mạnh.

Tin bài liên quan