Thanh khoản duy trì mức cao
Giá trị giao dịch trung bình trong năm 2020 ghi nhận tăng mạnh so với tất cả các năm trước đó. Sang năm 2021, thanh khoản tiếp tục gia tăng xét cả về khối lượng và giá trị giao dịch, nhất là sau khi hệ thống giao dịch mới trên HOSE được đưa vào vận hành.
Trong những phiên thanh khoản sụt giảm sau nhịp điều chỉnh cuối tháng 8 vừa qua, giá trị giao dịch mỗi phiên trên cả 3 sàn vẫn cao hơn so với mức bình quân giai đoạn đầu năm.
Thống kê tại sàn HOSE cho thấy, kết thúc phiên cuối tháng 8/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.331,47 điểm, tăng 1,64% so với tháng 7 và tăng 20,62% so với đầu năm 2021. Tương tự, VNAllshare đạt 1.359,37 điểm, lần lượt tăng 1,15% và 31,67%; VN30 đạt 1.428,66 điểm, lần lượt giảm 1,28% và tăng 33,42%.
Đặc biệt, thanh khoản thị trường cổ phiếu thiết lập kỷ lục mới vào phiên 20/8/2021 với giá trị giao dịch đạt 38.075 tỷ đồng, khối lượng giao dịch gần 1,2 tỷ đơn vị. Trong tháng 8, giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt ghi nhận trên 23.034 tỷ đồng và 703,36 triệu cổ phiếu, tương ứng tăng 13,95% và 16,63% so với tháng 7.
Dòng tiền xoay vòng
Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, dòng tiền không rút ra khỏi thị trường, nhất là trong bối cảnh thiếu vắng các kênh đầu tư thay thế, mà xoay vòng giữa các nhóm ngành và cổ phiếu để tìm kiếm cơ hội. Nói cách khác, dòng tiền trên thị trường vẫn đang khá dồi dào, hỗ trợ thị trường.
Ông Hoàng nhìn nhận, trong các phiên giảm điểm gần đây, VN-Index bị ảnh hưởng bởi diễn biến tiêu cực của một số cổ phiếu vốn hóa lớn, nhưng thị trường ghi nhận nhiều cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ đi ngược lại diễn biến của chỉ số chung, ví dụ ngành cảng biển, phân bón, dệt may, bất động sản khu công nghiệp. Điều này cho thấy, thị trường đang phân hóa và có thể phân hóa rõ nét hơn trong giai đoạn cuối năm, bởi nhà đầu tư chọn lựa các cơ hội đầu tư kỹ càng hơn trước.
Kết thúc tuần qua, VN-Index có nhịp hồi với 3 phiên tăng liên tiếp, là yếu tố chính giúp chỉ số lấy lại hơn 50% mức giảm kể từ điểm đáy tháng 7 (1.243,5 điểm), nhiều cổ phiếu trong nhóm vốn hóa trung bình đang quay lại mức đỉnh lịch sử, còn nhóm vốn hóa nhỏ có những mã lập đỉnh giá mới.
Ông Ngô Hưng, nhà đầu tư tại Hà Nội nhận xét, dòng tiền giảm dần ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhưng không rút ra khỏi thị trường mà di chuyển giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt là nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Kênh đầu tư chứng khoán vẫn hấp dẫn do mặt bằng lãi suất ở mức thấp và thanh khoản tại các kênh đầu tư khác không cao do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19.
Thị trường khó trở lại vùng đỉnh khi trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có một số mã ngân hàng đang có dấu hiệu kiểm định lại mức đáy tháng 7 như TCB, STB, ACB, CTG, BID…
Dù vậy, cơ sở để nhìn nhận thị trường đã tạo đáy ngắn hạn hay chưa lúc này phụ thuộc vào tín hiệu từ nhóm cổ phiếu lớn, nhất là ngân hàng - một số mã đang có dấu hiệu kiểm định lại mức đáy tháng 7 như TCB, STB, ACB, CTG, BID…
“Trong kịch bản lạc quan, nếu quá trình kiểm định mức đáy tháng 7 của nhóm cổ phiếu ngân hàng thành công sẽ là tín hiệu để thị trường tạo đáy ngắn hạn. Ngược lại, áp lực từ nhóm này sẽ ảnh hưởng đến chỉ số chung. Bên cạnh đó, việc nhóm vốn hóa nhỏ đang có tuần tăng thứ 6 liên tiếp và lập đỉnh mới sẽ là rủi ro nếu thị trường chịu áp lực từ nhóm ngân hàng”, ông Hưng nói.
Kịch bản tháng 9
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, không ít công ty chứng khoán nhận định, thị trường tháng 9 sẽ thiên về kịch bản đi ngang ở hai tuần đầu và biến động mạnh vào cuối tháng khi các thông tin vĩ mô cũng như kết quả kinh doanh quý III dần được hé lộ. T
hanh khoản thị trường dự kiến ở mức tương đối cao, với động lực dẫn dắt từ nhóm nhà đầu tư cá nhân. Số tài khoản mở mới có thể duy trì đà tăng trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp và kênh chứng khoán vẫn lan toả sức hút dòng tiền.
Thị trường chứng khoán tháng 9 được dự báo sẽ đi ngang ở hai tuần đầu và biến động mạnh vào cuối tháng.
Việc VN-Index có một pha điều chỉnh ngắn, sau đó giao dịch trong biên độ hẹp tại ngưỡng hỗ trợ 1.300 điểm đang cho thấy khả năng chỉ số tạo đáy ngắn hạn.
Tuy nhiên, theo ông Võ Thế Vinh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam, hiện vẫn còn sớm để kỳ vọng thị trường sẽ có một nhịp hồi, quay lại vùng đỉnh.
Bởi lẽ, áp lực đang được thể hiện tại nhóm trụ chính là ngân hàng, khi hầu hết các mã được giao dịch ở vùng đáy tháng 7. Triển vọng ngành ngân hàng vẫn sáng, nhưng không còn nhiều khả năng tạo ra lợi nhuận đột biến.
Các nhóm có động lực tăng tốt gần đây như bất động sản khu công nghiệp, tiện ích, logistics… đều chủ yếu gồm các mã vốn hóa trung bình và nhỏ. Chính vì vậy, VN-Index gặp khó khăn khi hồi phục. Nhà đầu tư cần dự liệu kịch bản này, tránh đặt kỳ vọng quá cao vào khả năng chỉ số về lại đỉnh cũ (1.420 điểm).
Ông Trần Minh Hoàng cho rằng, xu hướng của VN- Index đang chịu ảnh hưởng của một số cổ phiếu vốn hóa lớn, dù sự phân hóa trên thị trường ngày càng rõ nét hơn với việc nhiều cổ phiếu khác ghi nhận mức tăng giá vượt trội so với mặt bằng chung. VCBS dự báo, tình trạng này sẽ tiếp diễn trong tháng 9, nhưng cùng với sự dồi dào của dòng tiền, xu hướng hồi phục của chỉ số tiếp tục diễn ra và VN-Index có thể trở lại vùng 1.350 - 1.400 điểm.
Trong khi đó, chuyên gia của Công ty Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng, vùng 1.285 - 1.300 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của thị trường trong tháng 9, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế cũng như hoạt động doanh nghiệp bị tác động bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, chỉ số khó có thể tái lập vùng đỉnh.
Hiện tại, thị trường đang có một số yếu tố hỗ trợ như định giá P/E hợp lý hơn trước, gần 16 lần; cổ phiếu vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, dòng vốn có thể tiếp tục đổ vào thị trường để tìm cơ hội; dịch Covid-19 có thể sớm được kiểm soát, tạo tâm lý tích cực cho nhà đầu tư…