Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế.
Nhiều tập đoàn đang quan tâm đến các dự án PPP trong lĩnh vực y tế. Đâu là cơ hội cho đầu tư tư nhân trong lĩnh vực này thời gian tới, thưa ông?
Đảng và Nhà nước khuyến khích đầu tư tư nhân vào y tế cơ sở và khám chữa bệnh. Hiện nay, chúng tôi đang phát triển mô hình y học gia đình, phòng khám đa khoa, trung tâm khám bệnh tổng quát. Chúng tôi cũng khuyến khích mô hình PPP tại bệnh viện và y tế cơ sở.
Chúng tôi đang gặp một số thách thức trong phát triển mô hình PPP. Cần có những cơ chế chính sách ưu đãi, thuận lợi cho mô hình PPP phát triển. Chúng tôi rất mong muốn hợp tác với các tổ chức quốc tế để phát triển hơn nữa mô hình này trong tương lai.
Theo chương trình đổi mới chính sách y tế Việt Nam, ngành y tế sẽ tập trung vào các chính sách quan trọng: phát triển y tế cơ sở; phát triển công nghệ thông tin; phát triển hạ tầng và trang thiết bị y tế; cung ứng thuốc và vaccine; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh...
Hiện nay, hạ tầng y tế, công nghệ thông tin, quản lý hồ sơ điện tử, cung ứng vaccine còn yếu. Việc phát triển bệnh viện thông minh, y tế thông minh, y tế số, quản lý thông minh vẫn còn nhiều thách thức.
Để hoàn thành những mục tiêu của ngành, chúng tôi đang nỗ lực và cần sự hỗ trợ của đầu tư tư nhân. Thời gian tới, chúng tôi sẽ xem xét thủ tục phê duyệt một số dự án PPP về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng y tế và mua sắm trang thiết bị y tế.
Cơ sở pháp lý là nền tảng cho sự phát triển mô hình PPP, khuyến khích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực y tế. Thưa ông, cơ sở pháp lý cho PPP hiện đã hoàn thiện?
Hiện nay, cơ sở pháp lý thực hiện các dự án PPP tại Việt Nam chưa thật sự hoàn chỉnh. Chúng ta có Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư và Nghị định 151/2017/NĐ-CP về quản lý và sử dụng tài sản công.
Chúng tôi khuyến khích thực hiện các dự án trong lĩnh vực y tế theo mô hình PPP, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và các bên liên quan, huy động được nguồn lực tài chính, kinh nghiệm quản lý, cung ứng dịch vụ của khu vực tư nhân để Nhà nước và tư nhân cùng phối hợp cung ứng các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe với chất lượng ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu và mong muốn của mọi người dân.
Để tạo điều kiện hơn nữa cho sự phát triển của mô hình PPP, Bộ Y tế đang hoàn thiện Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 63/2018/NĐ-CP, dự kiến sẽ được ban hành trong năm nay. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang xây dựng Dự thảo Luật PPP, dự kiến có thể giải quyết những quan ngại của nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước và khi có hiệu lực, sẽ góp phần thu hút đầu tư tư nhân vào các ngành, trong đó có y tế.
Ông đánh giá ra sao về vai trò của quan hệ đối tác công - tư trong thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân vào năm 2030?
Năm 2018, ngành y tế đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần tăng cường tiếp cận y tế cho người dân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển mô hình y tế công - tư, cũng như hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp. Trong năm qua, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Tuy nhiên, ngành y tế vẫn đang đối mặt với một số thách thức trong thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ bao phủ y tế toàn dân thông qua việc tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu và khả năng cung ứng dịch vụ chăm sóc y tế.
40 năm qua, Việt Nam đã phát triển nhanh mạng lưới y tế cơ sở thôn, phường, bản. Chúng tôi đang phát triển hơn nữa y tế cơ sở theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Y tế cũng đang thí điểm mô hình phòng khám bác sĩ gia đình...
Để giải quyết vấn đề trên, ngành y tế nhận thức rõ vai trò quan trọng của quan hệ đối tác công - tư nhằm đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân vào năm 2030 thông qua việc tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu.