Mọi dự báo từ cuối năm ngoái cho kinh tế Việt Nam 2019 nói chung và ngành ngân hàng nói riêng đều theo hướng “thuận lợi lớn hơn thách thức”. Với tình hình kinh tế quý I vừa qua, những dự báo này có cần điều chỉnh hay lưu ý gì thêm không, thưa Phó Thống đốc?
Năm 2019, các tổ chức và chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã có những dự báo khá tích cực về nền kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng, tuy nhiên, nhiều khả năng phải đối mặt với những khó khăn và thuận lợi đan xen.
Về phía NHNN, chúng tôi thấy rằng, các yếu tố thuận lợi đến từ các chính sách và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và tăng cường tái cơ cấu các trụ cột nền kinh tế (hệ thống ngân hàng; cải cách đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu các doanh nghiệp, trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước).
Bà Nguyễn Thị Hồng
Bên cạnh đó, trong năm 2019, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, Hiệp định thương mại Việt Nam - EU hứa hẹn tạo ra nhiều động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Trong bối cảnh đó, xung đột thương mại Mỹ - Trung đưa đến những thách thức, nhưng cũng có thể mang lại cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam nếu chúng ta biết tận dụng với tư cách là nước xuất khẩu, tham gia tích cực và chủ động vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, trong năm 2019, kinh tế Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung có thể đối mặt với một số thách thức mà trong một báo cáo gần đây IMF đã cảnh báo trên phạm vi toàn cầu. Cụ thể là kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, thị trường sản phẩm công nghệ bão hòa tác động đến xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, những biến động khó lường trên thị trường tài chính quốc tế và dòng vốn vào các thị trường mới nổi có thể ảnh hưởng đến Việt Nam…
Ngay từ đầu năm 2019, Chính phủ và các bộ, ngành đều đã lường trước những cơ hội cũng như rủi ro, thách thức này để xây dựng các kịch bản điều hành nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,8%, phù hợp với tiềm năng tăng trưởng và nội lực của nền kinh tế, cũng như kiên định mục tiêu lạm phát dưới 4%. Mức mục tiêu điều hành này của Chính phủ Việt Nam phù hợp với dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế trong năm 2019.
Quý I/2019, tăng trưởng kinh tế ước tính tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn tăng trưởng quý I các năm 2011 - 2017. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu của nhiều nước suy giảm trước tác động của sự quay trở lại của chủ nghĩa bảo hộ và xung đột thương mại gia tăng trên phạm vi toàn cầu thì kinh tế Việt Nam vẫn xuất siêu 536 triệu USD. Lạm phát bình quân so với cùng kỳ ổn định ở mức 2,63%. Điều này cho thấy các chỉ số kinh tế đều đang đi đúng hướng với dự báo và mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra.
Mặc dù vậy, chúng ta không được phép lơi là trong quản lý, điều hành nền kinh tế khi mà các yếu tố bất trắc tiềm ẩn của kinh tế toàn cầu có thể xảy ra. Do vậy, NHNN luôn bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để nâng cao công tác dự báo, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội trong điều hành kinh tế vĩ mô ổn định, góp phần duy trì môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, sáng tạo, khởi nghiệp để thúc đẩy phát triển bền vững.
Điều này có nghĩa mục tiêu chính sách tiền tệ 2019 và các định hướng điều hành lớn của NHNN sẽ vẫn giữ nguyên cho giai đoạn tới cuối năm?
Điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN luôn bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tài chính, tiền tệ để thực hiện thành công các nhiệm vụ tại các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
Thực hiện Nghị quyết số 69/2018/QH14 ngày 8/11/2018 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2019, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, đồng thời trên cơ sở bám sát phương châm hành động của Chính phủ năm 2019 “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” NHNN đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 08/01/2019 về tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2019.
Theo đó, NHNN điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2019 bình quân dưới 4%, duy trì kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Năm 2019, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Tập trung dòng vốn hỗ trợ hoạt động sản xuất
Cụ thể, trọng tâm điều hành CSTT tập trung vào: thứ nhất, điều hành thị trường mở nhằm điều tiết thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD) hợp lý để hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu CSTT.
Thứ hai, điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ CSTT khác, phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ và mục tiêu CSTT.
Thứ ba, tái cấp vốn, hỗ trợ thanh khoản cho TCTD cho vay theo các chương trình được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu.
Thứ tư, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT; kết hợp đồng bộ các công cụ CSTT, biện pháp can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ.
Thứ năm, điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng.
Kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình giảm dần cho vay bằng ngoại tệ phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa được Chính phủ phê duyệt.
Diễn biến kinh tế vĩ mô và sự ổn định trên thị trường tiền tệ trong quý I/2019 là những kết quả đáng khích lệ trong công tác điều hành vĩ mô của Chính phủ và các bộ, ngành. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát các diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính quốc tế và trong nước để điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần đạt được các mục tiêu vĩ mô đã đặt ra.
Phó Thống đốc có thể nói sâu hơn về một thành công năm 2018 đó là tín dụng tăng trưởng vừa phải để hướng vào hiệu quả, nhưng vẫn hỗ trợ được các khu vực kinh tế phát triển thuận lợi. Liệu điều này có thực hiện được trong năm 2019 và các năm tiếp theo?
Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng năm 2018 khoảng 17%.
Trong quá trình điều hành, trên cơ sở kết quả tăng trưởng kinh tế rất khả quan, NHNN đã chủ động kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức thấp hơn để góp phần kiểm soát lạm phát và là tiền đề để NHNN tiếp tục kiên định định hướng điều hành tín dụng năm 2018 và các năm tiếp theo một cách chặt chẽ, bám sát diễn biễn kinh tế vĩ mô, tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế, qua đó góp phần duy trì tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức hợp lý, phòng tránh rủi ro và các cú sốc tài chính đối với nền kinh tế, bám sát và thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc giảm dần tín dụng ngân hàng, song hành với việc nâng cao vai trò cân đối vốn (nhất là vốn trung dài hạn) cho nền kinh tế từ thị trường vốn.
Đồng thời, trong những tháng cuối năm 2018, NHNN đã xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số TCTD có tiềm năng mở rộng tín dụng lành mạnh, trong đó xem xét hỗ trợ tăng trưởng tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ các lĩnh vực ưu tiên trong đó bao gồm nông nghiệp, nông thôn tại nhiều địa phương.
Kết quả, tín dụng cả năm 2018 tăng khoảng 14% so với cuối năm 2017 (thấp hơn mức tăng cùng kỳ của năm 2017 nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 7,08%, cao hơn mức tăng 6,81% của năm 2017), cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý.
Với sự điều hành chính sách tín dụng theo phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả, chính sách tín dụng của NHNN đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn tín dụng ngân hàng nói riêng và vốn đầu tư của nền kinh tế nói chung. Chỉ số ICOR phản ánh hiệu quả sử dụng vốn đã cải thiện tích cực, giảm mạnh từ mức 6,42 năm 2016 và 6,11 năm 2017 xuống còn 5,97 trong năm 2018.
Khuyến khích khởi nghiệp
Năm 2019, trên cơ sở các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ, NHNN định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Trên cơ sở đó, trong năm 2019, NHNN thực hiện đồng bộ các giải pháp tín dụng như sau: Thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động, khả năng tài chính và năng lực hoạt động của từng TCTD trong việc mở rộng, tăng trưởng tín dụng lành mạnh; trong đó, ưu tiên phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn đối với TCTD thực hiện trước hạn quy định về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.
Song song với đó, chỉ đạo TCTD nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng. Bên cạnh đó, kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa nền kinh tế.
Điều này có thể hiểu là vai trò cung cấp vốn chủ đạo cho nền kinh tế của ngành ngân hàng đã đến lúc cần giảm đi để tăng tỷ trọng các kênh dẫn vốn khác của thị trường tài chính hay không?
Hiện nay, ở Việt Nam, vẫn tồn tại sự mất cân đối giữa kênh cung cấp vốn trên thị trường tiền tệ (thực hiện chủ yếu qua hệ thống ngân hàng) và kênh cung ứng vốn qua thị trường vốn. Về bản chất, thị trường tiền tệ là nơi cung ứng nguồn vốn ngắn hạn với kỳ hạn ngắn từ qua đêm tới dưới 1 năm, trong khi đó, thị trường vốn là nơi cung ứng nguồn vốn dài hạn với kỳ hạn trên 1 năm.
Vai trò của thị trường tiền tệ là đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn, có tính cấp thiết, thời điểm nhằm đảm bảo thanh khoản và hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường. Ngược lại, thị trường vốn là kênh cung cấp các khoản vốn dài hạn nhằm thực hiện các dự án đầu tư như xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị, thay đổi dây chuyền công nghệ, phát triển sản phẩm, lĩnh vực mới…
Có thể nói, thị trường vốn của Việt Nam mặc dù đã có bước phát triển đáng kể trong những năm gần đây nhưng quy mô còn nhỏ so với các thị trường trong khu vực. Theo đó, tỷ lệ vốn hóa của thị trường cổ phiếu/GDP và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp/GDP năm 2018 chỉ đạt lần lượt 71,57% và 8,57% (mức vốn hóa thị trường so với GDP năm 2018 tại Indonesia: cổ phiếu 47,3%, trái phiếu 19,13%; tại Malaysia: cổ phiếu 114%, trái phiếu 97,97%; tại Phillipines: cổ phiếu 92,7%, trái phiếu 35%; tại Thái Lan: cổ phiếu 97,9%, trái phiếu 76,27%).
Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng đã luôn nỗ lực trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế, trong đó cáng đáng một phần trọng trách lớn mà thị trường vốn thời gian qua chưa đáp ứng được. Tính đến hết năm 2018, tỷ lệ tín dụng/GDP đạt 130% với 50,7% tổng dư nợ là tín dụng trung, dài hạn.
Một mặt, điều này giúp bù đắp lượng vốn trung dài hạn chưa huy động được qua thị trường vốn, nhưng mặt khác thực tế này cũng tiềm ẩn những rủi ro cho hệ thống ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính nói chung trong bối cảnh hệ thống TCTD chủ yếu huy động từ các nguồn ngắn hạn trên thị trường tiền tệ.
Chính vì thế, bên cạnh các giải pháp về tín dụng, để đảm bảo kiểm soát rủi ro, NHNN đã có chính sách giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn từ mức 50% xuống 45% từ 1/1/2018 và xuống 40% từ 1/1/2019.
Ngoài ra, thị trường vốn chưa phát triển, sự liên thông các phân đoạn thị trường chưa cao do khả năng tiếp cận thị trường vốn của doanh nghiệp còn hạn chế, doanh nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng khiến áp lực lên lãi suất cho vay khó giảm và chưa phản ánh được cung - cầu vốn trên thị trường.
Nhận thức được tồn tại và bất cập nêu trên của hệ thống tài chính, Nghị quyết số 10-NQ/TW, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã chỉ rõ: “Cơ cấu lại và phát triển nhanh, an toàn, hiệu quả các thị trường tài chính, nhất là thị trường tiền tệ và thị trường vốn; tạo điều kiện bình đẳng, thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận vay vốn ngân hàng, huy động vốn trên thị trường chứng khoán, nhất là phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng các dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý”.
Bám sát chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã có chủ trương phát triển các thị trường vốn và tiền tệ tại Quyết định QĐ/1911-TTg ngày 14/8/2017 phê duyệt “Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, Quyết định 242/QĐ-TTg ngày 28/2/2019 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, Nghị định 163/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi…
Đối với ngành ngân hàng nói riêng, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định 986/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó có nội dung “Phát triển thị trường tiền tệ ổn định, minh bạch, phù hợp với định hướng và lộ trình cơ cấu lại thị trường tài chính, bảo đảm cơ cấu thị trường phù hợp, hài hòa với thị trường vốn và thị trường bảo hiểm”.
Một số mục tiêu cụ thể nêu trên đã và đang được Chính phủ, NHNN tích cực thực hiện và bước đầu đã có những kết quả đáng ghi nhận. Trong quá trình triển khai các chủ trương, định hướng lớn này của Đảng và Chính phủ, ngành ngân hàng luôn nỗ lực tích cực thực hiện, đồng thời điều hành các công cụ CSTT để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và cung ứng đủ nguồn vốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.
Rất nhiều chiến lược, đề án được định vị tầm nhìn đến năm 2020 chuẩn bị kết thúc, xin hỏi Phó Thống đốc, một tầm nhìn dài hơn đang được NHNN chuẩn bị như thế nào và liệu bây giờ đã có những nét phác thảo nào có thể chia sẻ được không?
Ngày 8/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 986/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược). Trong đó, Chiến lược đã đề ra 2 mục tiêu tổng quát phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được đề cập theo hai cấp độ từ quản lý Nhà nước của NHNN đến hoạt động kinh doanh của các TCTD. Cụ thể như sau:
Đối với NHNN, Chiến lược đặt ra mục tiêu tổng quát là hiện đại hóa NHNN Việt Nam theo hướng: Có mô hình tổ chức hợp lý và cơ chế vận hành đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có đầy đủ vị thế pháp lý và trách nhiệm giải trình; thực hiện mục tiêu ưu tiên là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; bảo đảm an toàn, lành mạnh hệ thống các TCTD, giữ vai trò chủ chốt bảo đảm ổn định tài chính; thực thi vai trò giám sát các hệ thống thanh toán, là trung tâm thanh toán và quyết toán cho các hệ thống thanh toán và hệ thống giao dịch tài chính, tiền tệ trong nền kinh tế.
Đối với hệ thống các TCTD, mục tiêu đề ra là phát triển hệ thống các TCTD theo hướng: Các TCTD trong nước đóng vai trò chủ lực; hoạt động minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả bền vững; cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình; dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp với chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025; năng động, sáng tạo để thích ứng với quá trình tự do hóa và toàn cầu hóa; đáp ứng nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng ngày càng gia tăng của nền kinh tế, tiến tới tài chính toàn diện vào năm 2030, bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện các dịch vụ tài chính, ngân hàng có chất lượng, đóng góp tích cực cho phát triển bền vững.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đã đặt ra, Chiến lược cũng chỉ rõ ngành ngân hàng cần thực hiện đồng bộ 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và được phân chia ra ba giai đoạn: giai đoạn 2018 - 2020; giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Đồng thời sẽ có một số các dự án, chiến lược bộ phận, đề án quan trọng cần triển khai trong mỗi giai đoạn cụ thể.
Phó Thống đốc có thể chia sẻ kỹ hơn về yêu cầu với các ngân hàng thương mại như đã đề ra là phải có những ngân hàng quy mô và chất lượng đạt tầm khu vực và quốc tế. Điều này đang diễn ra thế nào và các ngân hàng thương mại cần phải làm gì thêm để đạt được mục tiêu như vậy?
Trên cơ sở tổng kết công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD, xử lý nợ xấu theo Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015 ban hành theo Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 và Đề án Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD ban hành theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm phát huy các kết quả đạt được, đồng thời khắc phục tồn tại, hạn chế của hệ thống các TCTD, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, NHNN đã xây dựng Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ. Trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, NHNN đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017.
Theo đó, nhằm nâng cao năng lực tài chính, chất lượng công tác quản trị, điều hành, quản lý rủi ro của hệ thống các TCTD, Đề án đã đề ra mục tiêu “Đến năm 2020, các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó ít nhất 12 - 15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel II (phương pháp tiêu chuẩn trở lên); có ít nhất từ 1 đến 2 ngân hàng thương mại năm trong Top 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực châu Á”.
Nhằm đạt được mục tiêu trên, Đề án 1058 đã quy định một số giải pháp về nâng cao năng lực tài chính, chuyển đổi mô hình kinh doanh, quản trị, điều hành của TCTD. Theo đó, NHNN đã tập trung, quyết liệt chỉ đạo các TCTD căn cứ các giải pháp nêu tại Đề án 1058 để xây dựng, tích cực tổ chức triển khai Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020, trong đó tập trung vào các giải về nâng cao năng lực tài chính, quản trị, điều hành của TCTD.
Đến nay, về cơ bản, các TCTD đều tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Kết quả đến 31/12/2018, quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng: Tổng tài sản của hệ thống các TCTD đạt 11,06 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2017; vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 576,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,47% so với cuối năm 2017; vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 760,75 nghìn tỷ đồng, tăng 15,25% so với cuối năm 2017; kết quả kinh doanh khả quan và tăng cao so với các năm gần đây; nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được kiểm soát và xử lý.
Năng lực quản trị điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế. Sau những tồn tại, yếu kém, tổn thất phát sinh từ nguyên nhân quản trị, điều hành, các TCTD đã ý thức và chú trọng hơn trong việc: Rà soát, cập nhật, hoàn thiện hệ thống các quy định nội bộ về các lĩnh vực nghiệp vụ; thiết lập bộ máy kiểm tra, kiểm soát, quản lý rủi ro (bao gồm thành lập các Hội đồng, Ủy ban); nâng cao hiệu quả giám sát của hội đồng quản trị (HĐQT), ban điều hành (BĐH) đối với hoạt động của ngân hàng; tách biệt chức năng quản trị của HĐQT với chức năng điều hành của BĐH; thiết lập cơ chế phân cấp, ủy quyền minh bạch, rõ ràng, tránh xung đột lợi ích; thiết lập và tuân thủ nghiêm ngặt hạn mức rủi ro, tăng cường công tác báo cáo rủi ro, sai phạm; tăng cường đào tạo, phổ biến các quy tắc đạo đức, nghề nghiệp, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, tinh thần trách nhiệm của cán bộ các cấp trong thực thi nhiệm vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa công nghệ ngân hàng.
Việc triển khai Basel II được tập trung thực hiện với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của NHNN, sự nỗ lực, chủ động của các TCTD nhằm nâng cao năng lực quản trị điều hành của các TCTD, từng bước tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Kết quả trên đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá tích cực. Theo đó, năm 2018, Brand Finance đã công bố giá trị 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới trong đó có 4 ngân hàng Việt Nam (VietinBank, BIDV, Vietcombank, VPBank); tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service tiến hành nâng hạng một số đánh giá đối với 14 ngân hàng thương mại của Việt Nam và điều chỉnh mức xếp hạng hệ thống ngân hàng Việt Nam từ mức B1 “triển vọng tích cực” lên mức Ba3 “triển vọng ổn định”.
Đây là tín hiệu cho thấy, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2016 - 2020 đang đi đúng hướng nhằm thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra, trong đó đặc biệt là mục tiêu về nâng cao quy mô và chất lượng của các TCTD.