Hơn 225 triệu người mất việc làm, bất bình đẳng gia tăng và biểu tình bạo loạn tại nhiều nước nhằm phản đối các biện pháp hạn chế do Covid-19. Hơn 1 năm sống trong đại dịch, với những thiệt hại khó có thể thể đong đếm đối với nền kinh tế, đã khiến không ít người dân và chính phủ trở nên mất kiên nhẫn.
Nhiều người dân Hà Lan hôm nay vẫn chưa khỏi hết bàng hoàng sau khi trải qua đêm thứ 3 liên tiếp biểu tình bạo loạn nhằm phản đối lệnh giới nghiêm bắt đầu có hiệu lực từ hôm 23/1 vừa qua.
Đây cũng là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, “Xứ sở hoa Tulip” phải thực hiện giới nghiêm toàn quốc. Tại một loạt thành phố lớn như La Haye, Breda, Amhem hay Tilburg, các đối tượng quá khích đã xông vào trụ sở cảnh sát, cướp phá các cửa hàng, đốt xe và phóng hỏa các cơ sở xét nghiệm Covid-19.
Người phát ngôn Lực lượng cảnh sát Hà Lan đánh giá đây là cuộc bạo loạn tồi tệ nhất 40 năm qua, trong khi Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte khẳng định những hành vi bạo loạn như thế này là không thể chấp nhận được.
“Các hành vi bạo loạn đang diễn ra là không thể chấp nhận được. Bất kỳ người bình thường nào cũng chỉ cảm thấy kinh hoàng trước điều này và tự hỏi những người này đang nghĩ gì. Điều này không liên quan gì với biểu tình, đây là bạo lực tội phạm. Những biện pháp hiện nay không phải là để giải trí mà là để chống lại virus. Chúng ta phải thắng trong cuộc chiến này và đây là cách duy nhất để giành lại tự do”, Thủ tướng Mark Rutte nhấn mạnh.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Pháp, Anh hay Italia. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở châu Âu đang bước sang giai đoạn nguy hiểm mới khi người dân biểu tình bạo lực phản đối thắt chặt kiểm soát dịch bệnh.
Tuy nhiên, Covid-19 không phải là lý do, mà là yếu tố làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng xã hội hiện nay.
Theo chuyên gia Sara Elder thuộc Bộ phận phân tích kinh tế- xã hội của Tổ chức lao động quốc tế, những thách thức trong thời kỳ tiền khủng hoảng đã tăng lên bội phần do đại dịch Covid-19.
Nếu không được quan tâm và giải quyết thích đáng, cuộc khủng hoảng có nguy cơ tạo nên một “thế hệ bị phong tỏa” khi những tác động của cuộc khủng hoảng có thể còn được cảm nhận trong nhiều năm sau nữa.
Tổ chức Lao động quốc tế mới đây công bố báo cáo cho thấy, đại dịch Covid-19 khiến ít nhất 225 triệu người bị mất công việc chính trong năm 2020. Hệ lụy này nghiêm trọng gấp 4 lần so với hậu quả từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Tuy nhiên, một báo cáo khác của Tổ chức phi chính phủ Oxfam lại cho thấy, tài sản của giới siêu giàu tại tăng vọt. Theo bà Gabriela Bucher, Giám đốc Điều hành của Oxfam, tình trạng phân hóa giàu nghèo sâu sắc cũng nguy hiểm chết người không kém gì virus:
“Báo cáo “Virus bất bình đẳng” thực sự cho chúng ta thấy, bất bình đẳng đã tăng lên ở hầu hết các quốc gia và đây cũng lần đầu tiên trong lịch sử thế giới chứng kiến sự gia tăng như thế.
Và điều gây sốc là 10 tỷ phú đã kiếm được nửa nghìn tỷ đô-la Mỹ) trong thời kỳ đại dịch. Số tiền đủ để tiêm phòng cho cả thế giới, cũng như ngăn không cho bất kỳ ai rơi vào cảnh nghèo đói. Mọi người trên Trái đất sẽ được bảo vệ khỏi đói nghèo thông qua nửa nghìn tỷ đó”, bà Bucher cho biết.
Cả hai báo cáo đều xác định sự gia tăng bất bình đẳng là một trong những hậu quả của đại dịch, trong đó phụ nữ và thanh niên là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mức độ của cuộc khủng hoảng xã hội do Covid-19 đã đưa vấn đề trở thành một trong những chương trình nghị sự của Diễn đàn kinh tế thế giới đang diễn ra theo hình thức trực tuyến.