Khủng hoảng và cơ hội nâng cao sức cạnh tranh

Khủng hoảng và cơ hội nâng cao sức cạnh tranh

(ĐTCK) Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp cần giảm bớt sự lệ thuộc vào vốn vay và cơ cấu lại sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh thì mới có thể trụ vững để phát triển.

Khủng hoảng và cơ hội nâng cao sức cạnh tranh  ảnh 1Các DN cần giảm bớt sự lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng

 

Phát biểu tại Hội thảo “khủng hoảng kinh tế - cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh” do CTCP Tri Thức Doanh nghiệp Quốc tế kết hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM tổ chức sáng 9/10, TS. Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển nhà Thủ Đức cho rằng, các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông thường bao gồm: vốn, công nghệ, nguồn nhân lực và các giá trị vô hình như thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp… Tuy nhiên, giải pháp về vốn cho doanh nghiệp đang là vấn đề căng thẳng nhất hiện nay. Nguồn vốn hoạt động của doanh nghiệp phần lớn phụ thuộc vào ngân hàng với chi phí cao hơn hẳn so với khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, vấn đề tài sản thế chấp cũng là hạn chế của doanh nghiệp khi suy thoái kinh tế kéo dài.

Đồng thời, trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ vẫn đang ưu tiên cho mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hệ thống ngân hàng đang tái cấu trúc, nên chưa thể nới lỏng chính sách tiền tệ quá mức. Vì thế, ngân hàng cũng sẽ hạn chế, thận trọng hơn trong việc cấp tín dụng cho doanh nghiệp… Những lý do này khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế suy giảm mạnh.

Trước thực trạng này, ông Hiếu cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm các nguồn vốn khác ngoài vốn ngân hàng: mở rộng quan hệ hợp tác, liên doanh liên kết với các công ty trong và ngoài nước; các quỹ đầu tư tư nhân, tìm kiếm các đối tác chiến lược.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất - kinh doanh cần tăng cường quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả hơn. Trong bối cảnh sức cầu ở mức rất thấp, thay vì thụ động chờ đợi, doanh nghiệp cần cơ cấu lại sản phẩm đầu ra cho phù hợp với thị trường, xoay vòng vốn nhanh để giảm bớt chi phí, cho dù lợi nhuận biên không cao.

Ông Đặng Đức Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM nhận định, trong bốn vấn đề căn bản của một doanh nghiệp là: vốn, công nghệ, nhân lực và quản trị doanh nghiệp, thì vấn đề vốn hiện đang là sức ép lớn nhất đối với doanh nghiệp trong ngắn hạn. Để có thể vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp cần phải thay đổi thói quen “vay vốn đầu tư là vay nợ lành mạnh”.

Mặc dù lãi suất  cho vay của ngân hàng đã được kéo giảm xuống còn xoay quanh 15%/năm, nhưng theo nhận định của ông Thành, mức lãi suất này vẫn còn rất cao so với thế giới và khu vực. Vì thế, nếu có vay được vốn thì lãi ngân hàng cũng đã ngốn hết lợi nhuận của doanh nghiệp.

“Nếu trước đây, kinh doanh mà không vay ngân hàng là không biết kinh doanh, thì trong bối cảnh suy thoái hiện nay, doanh nghiệp cần xem nguồn vốn ngân hàng chỉ là nguồn vốn mồi để huy động từ các nguồn khác trên cơ sở các dự án kinh doanh khả thi và có sự chuẩn bị kỹ càng. Câu hỏi đầu tiên khi đầu tư mở rộng phải là vốn đầu tư sẽ hình thành từ nguồn nào, có khả thi không”, ông Thành nói.

Ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông cho biết, khó khăn của doanh nghiệp hiện nay chính là khả năng chi trả, thanh toán sụt giảm, doanh nghiệp mất cân đối giữa tổng nợ phải trả trên vốn chủ. Vì thế, ông Linh cho rằng, doanh nghiệp cần đa dạng hóa các nguồn vốn để không bị phụ thuộc quá nhiều vào vốn ngân hàng.

“Các doanh nghiệp cũng có thể ứng phó vấn đề vốn bằng cách chủ động tìm kiếm nguồn vốn ưu đãi từ các đối tác nước ngoài bằng hình thức vay vốn, phát hành trái phiếu, cổ phiếu…, đồng thời, liên kết với các hiệp hội để tìm vốn”, ông Linh cho biết thêm.

Theo các chuyên gia, dù bối cảnh chung hiện tại nhiều khó khăn, nhưng hậu khủng hoảng luôn là thời điểm một thế hệ doanh nghiệp mới, vững vàng hơn nổi lên. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là doanh nghiệp cần có kế hoạch sử dụng vốn hợp lý tùy theo quy mô doanh nghiệp để đưa ra chương trình sản xuất - kinh doanh hợp lý. Đồng thời, doanh nghiệp phải căn cứ trên kế hoạch phát triển nguồn “vốn” của công ty để xây dựng chiến lược kinh doanh, tái cấu trúc. Hiện tại, đang có những cơ hội thâm nhập và mở rộng thị trường rất tốt cho những đơn vị có tiềm lực về vốn hoặc kết nối được với những nguồn vốn dài hạn ngoài ngân hàng.