Giá thịt lợn tăng phi mã tác động tiêu cực tới đời sống người dân, cũng như các chỉ số vĩ mô

Giá thịt lợn tăng phi mã tác động tiêu cực tới đời sống người dân, cũng như các chỉ số vĩ mô

Khủng hoảng thịt lợn và “gót chân Achiles” của ngành nông nghiệp Việt - Bài 2

(ĐTCK) Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng cho phát triển nông nghiệp, nhưng cuộc sống của người nông dân vẫn khốn khó bởi điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Cuộc "khủng hoảng thừa" thịt lợn trong suốt năm 2017, nhưng từ quý II/2018 lại rơi vào bão tăng giá và khan hàng thêm một lần nữa phơi bày nhiều điểm yếu của ngành nông nghiệp Việt.

Bài 2: Nguy cơ thị trường bị thao túng

Giá thịt lợn tăng cao ngoài dự đoán đang dấy lên những e ngại về khả năng thị trường bị các đại gia thao túng. Bên cạnh đó, mặt bằng giá con giống, thức ăn chăn nuôi cũng có nguy cơ bị kéo lên cao, “ăn theo” đà tăng của giá thịt, dẫn đến nhiều hệ lụy thua lỗ và chán chường cho người chăn nuôi.

Khan hàng, sốt giá

Theo chân một tiểu thương đi lấy hàng vào rạng sáng 26/7/2018 tại lò mổ Vạn Phúc (Thanh Trì, có quy mô giết mổ 3.000 - 4.000 con lợn/ngày), phóng viên chứng kiến khá rõ cảnh khan hàng. Theo tiết lộ của nhân viên lò mổ, mỗi ngày, lò mổ này chỉ được nhập vài chục con lợn từ hệ thống trang trại của CP, muốn nhập nhiều hơn cũng không có. Các tiểu thương đến lấy hàng sau 5 giờ sáng đều được thông báo “hết hàng công ty”. Muốn chắc ăn, có tiểu thương đã phải đặt tiền trước.

Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, thời điểm này, nhiều trại lợn quy mô nhỏ trong dân hầu như không còn hàng vì vẫn đang “treo chuồng”. Chỉ những doanh nghiệp nước ngoài nuôi quy mô lớn như CP, Mavin… hay các doanh nghiệp tư nhân trong nước như Hòa Phát, Dabaco, Masan, Vissan… trường vốn vẫn duy trì, thậm chí tăng quy mô đàn lợn thịt sau giai đoạn khủng hoảng giá thịt lợn năm ngoái là được hưởng lợi lớn. Trong đó, CP luôn duy trì quy mô đàn lợn khoảng 700.000 con, Mavin khoảng 500.000 con…

Trước mối lo ngại các đại gia chăn nuôi cung hàng nhỏ giọt để đẩy giá thịt lợn và thức ăn chăn nuôi lên cao, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang phủ định tin đồn này. Ông Vang giải thích, tổng quy mô chăn nuôi lợn cả nước trung bình hàng năm là 27 triệu con; trong đó, CP đóng góp 2,8 triệu con, các doanh nghiệp FDI khác là 4 triệu con. Các hộ nông dân và doanh nghiệp chăn nuôi nội địa đóng góp trên 20 triệu con.

Khủng hoảng thịt lợn và “gót chân Achiles” của ngành nông nghiệp Việt - Bài 2 ảnh 1

Các doanh nghiệp chăn nuôi đang mở rộng quy mô đàn lợn (trong ảnh là một trang trại của Mavin Việt Nam) 

“Với tỷ lệ như vậy, không thể có chuyện doanh nghiệp FDI thao túng thị trường thịt lợn trong nước”, ông Vang khẳng định.

Ông Vang cũng nói thêm, theo xu thế hiện nay, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ khó lòng phát triển, thay vào đó dần chuyển hướng tập trung sang các trang trại và doanh nghiệp chăn nuôi lớn.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp chăn nuôi như Hòa Phát, CP, Dabaco, Masan, Mavin… đều xây dựng chuỗi khép kín từ sản xuất con giống, thức ăn, đến chăn nuôi lợn thương phẩm, đang được hưởng lợi lớn từ đà tăng giá thịt lợn.

Chẳng hạn, tại Dabaco, trong quý II/2018, riêng khối thức ăn gia súc và chăn nuôi lợn ghi nhận doanh thu 2.258 tỷ đồng, với lợi nhuận 103,3 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2017.

Mảng chăn nuôi của Tập đoàn Hòa Phát (bao gồm cả chế biến thức ăn chăn nuôi) được dự đoán có doanh thu ít nhất 1.500 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay (cả năm 2017 đạt 2.500 tỷ đồng).

Số liệu Tập đoàn Masan công bố cũng cho thấy, doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi đạt mức tăng trưởng hơn 9% trong nửa đầu năm.

Các doanh nghiệp như CP, Mavin không phải công bố kết quả kinh doanh nên thị trường không nắm bắt được mức độ tăng trưởng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo một nguồn tin từ CP, giá thành chăn nuôi lợn của công ty này chỉ vào khoảng 30.000 - 32.000 đồng/kg (lợn hơi). Với giá xuất lợn hơi như hiện nay (trên 50.000 đồng/kg), Công ty có tỷ suất lợi nhuận rất lớn. 

Một dữ liệu đáng lưu ý khác là, số liệu nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (chủ yếu cho nuôi lợn và gia cầm) tăng rất mạnh nửa đầu năm. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 tháng đầu năm 2018, cả nước nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu lên tới 1,61 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Riêng mặt hàng ngô, 5 tháng đầu năm, cả nước đã chi khoảng 810 triệu USD để nhập trên 3,9 triệu tấn, tăng hơn 26% về khối lượng và tăng 23% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hết vốn, treo chuồng sau cú sốc năm ngoái, thì số liệu thống kê vẫn cho thấy, nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng lên, có nghĩa là tiêu thụ trong nước vẫn tăng mạnh. Liệu có gì đó bất thường ở đây? Hay các đại gia đã “âm thầm” tăng đàn và đang nắm thế chủ động về nguồn cung trên thị trường?

Mô hình chăn nuôi mà CP hay Mavin thực hiện ở Việt Nam là chủ trại Việt Nam chịu trách nhiệm xây dựng trang trại theo quy chuẩn, sau khi hoàn thiện, tập đoàn nước ngoài nghiệm thu và chuyển con giống, vật tư vào sản xuất, quản lý và vận hành hoạt động, còn các chủ trại chịu trách nhiệm đảm bảo về quan hệ với chính quyền, đảm bảo hoạt động trang trại an toàn. 

Thu nhập chia lại cho các chủ trại thường chỉ ổn định ở mức chấp nhận được. Chủ động về con giống, thức ăn, đầu ra là lợn thịt lại tăng mạnh, gần gấp đôi giá thành… nên những đồn đoán về mức siêu lợi nhuận của các đại gia không phải là không có cơ sở.

Trước thực tế thị trường sốt sình sịch, từ cuối tháng 6, lãnh đạo Cục Chăn nuôi vẫn khuyến cáo nông dân cần bình tĩnh, Cục đang tiến hành các giải pháp để kéo giá lợn xuống ở mức ổn định. Giá lợn nên duy trì ở khung giá 40.000 - 45.000 đồng/kg là hợp lý để đảm bảo chăn nuôi bền vững.

Nhưng ngoài biện pháp yêu cầu các doanh nghiệp lớn như Dabaco, Masan, CP… phải neo giá lợn xuống, mà chính ông Dương thừa nhận là “chỉ khuyên chứ không thể bắt buộc doanh nghiệp”, thị trường không thấy có giải pháp nào khác khả thi. Kết quả là, giá lợn tiếp tục tăng phi mã, vọt lên 60.000 đồng/kg (lợn hơi), dẫn đến nguy cơ phá vỡ sự ổn định của thị trường và đang tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân, cũng như các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Phản ứng dây chuyền

Ngô, đậu tương, khô đậu, khoai mì nhập khẩu đều tăng giá, cũng như giá hầu hết các nguyên liệu tăng khá cao. Đó là những lý do các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi viện dẫn cho quyết định tăng giá bán của mình và cho biết, giá thức ăn chăn nuôi tới đây sẽ còn tiếp tục tăng.

Số liệu tổng hợp qua Agromonitor cũng ghi nhận mức tăng 10 - 15% ở các mặt hàng thức ăn chăn nuôi trong tháng 7 so với cuối quý I/2018.

Ngoài thịt lợn tăng giá vùn vụt, thịt gia cầm, gia súc khác cũng bắt đầu có hiện tượng rục rịch tăng, theo người bán, là do giá thức ăn đang tăng lên. Giá tăng, nhưng nông dân cho biết họ không mấy vui mừng vì giá bán ra không thể tăng tương ứng với giá thức ăn chăn nuôi.

Bà Huệ, chủ một trang trại gà tại Hà Tây cho biết, giá thức ăn tăng 10%, nhưng giá gà chỉ tăng 2 - 3%.

Với thực tế như vậy, rõ ràng, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đang hưởng lợi. Những doanh nghiệp có quy trình khép kín vừa cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi và cả thịt tươi sống ra thị trường còn hưởng lợi “kép” vì họ chi phối tất cả các công đoạn. 

Bài 3: Thời của nông nghiệp thông minh 

Doanh nghiệp FDI liên tục mở rộng

CP Việt Nam đã hợp tác với nông dân phát triển hơn 3.000 trang trại trên toàn quốc bằng hình thức liên kết chăn nuôi hợp đồng. Doanh nghiệp hiện có hơn 10 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Các nhà máy chế biến thực phẩm (thịt và thủy sản) trải rộng khắp Bắc, Trung và Nam.

Mavin đặt kế hoạch cung cấp ra thị trường trên 1 triệu con lợn thương phẩm tới năm 2020. Công ty đang vận hành 5 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, với tổng công suất thiết kế trên 1 triệu tấn mỗi năm.

Thành lập nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1997, từ đó đến nay, Cargill đã không ngừng mở rộng. Hiện, công ty này đang vận hành 11 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trên cả nước.

Tin bài liên quan