Chênh lệch lãi suất cho vay - huy động khoảng 3% là ngân hàng có lãi.

Chênh lệch lãi suất cho vay - huy động khoảng 3% là ngân hàng có lãi.

Khủng hoảng niềm tin, bao giờ mới hết?

(ĐTCK)DN hoạt động đang kinh doanh khó khăn vì những bất ổn kinh tế vĩ mô mà vẫn phải chịu lãi vay quá cao (20 - 21%/năm), thì ngân hàng vẫn đều đều thu lãi lớn. 

Đầu tư luôn đi kèm với những rủi ro, đó là điều mà hầu hết các nhà đầu tư đều ý thức được. Tôi tin rằng, nếu vì thiếu hiểu biết dẫn đến thua lỗ, họ sẵn sàng chấp nhận điều đó. Nhưng niềm tin của NĐT lại bị xói mòn một cách nghiêm trọng do những chính sách điều hành không đồng bộ, thiếu nhất quán, nghiêm minh của cơ quan quản lý; sự thiếu minh bạch thông tin về hoạt động của CTCK, các doanh nghiệp mà trong đó có sự điều hành yếu kém của cơ quan quản lý đóng vai trò không nhỏ.

Chỉ xét riêng trong lĩnh vực ngân hàng, đã thấy rất nhiều chính sách điều hành kiểu “đánh trống bỏ dùi”, xử lý không nghiêm minh, làm mất niềm tin trong nhân dân. Theo Nghị định số 141/2006/NĐ-CP, chậm nhất vào ngày 31/12/2010, các NHTM phải có vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, có rất nhiều ngân hàng đã không đạt được số vốn điều lệ này theo quy định vẫn không bị xử lý mà được gia hạn kéo dài thời gian tăng vốn. Hay quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tỷ trọng dư nợ tín dụng phi sản xuất đến ngày 30/6/2011 tối đa là 22% và đến ngày 31/12/2011 tỷ trọng này tối đa là 16%. Nhưng đến nay, NHNN vẫn chưa công bố về kết quả việc thực hiện này của từng ngân hàng và có ngân hàng nào vi phạm hay không và hướng xử lý những trường hợp này ra sao.

Với quy định về trần lãi suất huy động, NHNN đã có một thời gian thực hiện rất nghiêm quy định này và đã có những chế tài đủ mạnh để phạt các ngân hàng vi phạm. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì, trong khoảng 2 - 3 tháng nay, không thấy NHNN phát hiện ra thêm trường hợp nào nữa. Liệu có phải các NHTM đã thực hiện nghiêm quy định trần lãi suất huy động? Nhưng nếu quy định này được thực hiện nghiêm thì không lý do gì khiến các ngân hàng lại không thể giảm lãi suất cho vay, khi rất nhiều chuyên gia đã tính toán chênh lệch lãi suất cho vay - huy động khoảng 3% là ngân hàng đã có lãi. Cứ tính chênh lệch cho vay - huy động khoảng 3% thì cũng biết các ngân hàng đó đang vượt rào lãi suất là 17-18%. Nhưng sao NHNN không phát hiện được để xử lý? Và càng không hợp lý khi DN đang phải khó khăn hoạt động kinh doanh vì những bất ổn kinh tế vĩ mô mà vẫn phải chịu lãi suất vay quá cao (20 - 21%/năm), trong khi ngân hàng thì cứ đều đều thu lãi lớn. Như vậy, có phải ngân hàng đã được ưu ái quá nhiều so với các ngành nghề kinh doanh khác?

Ngân hàng là định chế trung dài tài chính quan trọng nhất của nền kinh tế. Việc các thông tin không được công bố một cách minh bạch, rõ ràng và kịp thời dẫn đến việc các NĐT có thể đồn đoán không đúng bản chất của vấn đề, các thông tin không chính thức này có thể làm xáo trộn thị trường tài chính, gây hoang mang cho các NĐT. Tạo được niềm tin đã khó, nhưng việc lấy lại niềm tin bị đánh mất còn khó khăn hơn rất nhiều. Rất mong các cơ quan quản lý sớm có những biện pháp để lấy lại niềm tin của các NĐT vì khủng hoảng niềm tin đang là vấn đề lớn trên thị trường tài chính hiện nay.