Hôm thứ Tư (15/9), cơ quan xếp hạng S&P đã tiếp tục hạ xếp hạng Tập đoàn Evergrande từ CCC xuống CC với triển vọng tiêu cực do thanh khoản giảm và rủi ro vỡ nợ bao gồm khả năng tái cơ cấu nợ.
Ngày thứ Ba (14/9), Fitch Ratings cũng cho biết rằng, vỡ nợ của Tập đoàn Evergrande có thể khiến nhiều lĩnh vực chịu rủi ro tín dụng cao hơn, nhưng tác động tổng thể đối với lĩnh vực ngân hàng sẽ có thể kiểm soát được.
Trước đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và cơ quan giám sát ngân hàng của Trung Quốc đã triệu tập các giám đốc điều hành của Evergrande vào tháng 8 trong một động thái hiếm hoi và cảnh báo rằng họ cần giảm thiểu rủi ro vỡ nợ và ưu tiên sự ổn định.
Mới đây theo Bloomberg đưa tin, các ngân hàng lớn của Trung Quốc đã được cơ quan quản lý nhà đất thông báo rằng Tập đoàn Evergrande sẽ không thể trả lãi vay đến hạn vào ngày 20/9 và nhấn mạnh tác động ngày càng lớn của cuộc khủng hoảng thanh khoản của nhà phát triển bất động sản Evergrande.
Trong khi đó, những rắc rối của Tập đoàn Evergrande đã gây ra sự bất bình trong xã hội giữa các nhà đầu tư và người mua nhà, đồng thời gây ra rủi ro cho hệ thống tài chính rộng lớn của Trung Quốc.
Tập đoàn Evergrande đang cố gắng huy động vốn để trả cho các trái chủ và nhà cung cấp khi họ nằm giữa cuộc khủng hoảng hỗn độn với những tác động sâu rộng và ít khả năng hơn tiếp cận một gói cứu trợ của chính quyền Bắc Kinh.
Các nhà quản lý đã cảnh báo về những rủi ro lớn hơn đối với hệ thống tài chính của Trung Quốc nếu khoản nợ hơn 300 tỷ USD của Evergrande không được kiểm soát.
Với hơn 300 tỷ USD nợ phải trả, Evergrande đã trở thành một trong những công ty quan trọng nhất về mặt hệ thống ở Trung Quốc. Ngoài nghĩa vụ đối với các nhà đầu tư và trái chủ, Evergrande còn nợ khoảng 147 tỷ USD các nghĩa vụ thương mại và các khoản phải trả khác cho các nhà cung cấp và đã nhận khoản thanh toán trước đối với các bất động sản chưa hoàn thiện từ hơn 1,5 triệu người mua nhà tính đến tháng 12/2020.
Hôm thứ Ba (14/9), Evergrande cho biết, họ đã mời các cố vấn để kiểm tra tình hình tài chính và cảnh báo rủi ro vỡ nợ chéo trong bối cảnh doanh số bán bất động sản sụt giảm và việc thanh lý tài sản chậm chạp làm tăng thêm các vấn đề nghiêm trọng về dòng tiền.
Evergrande cho biết, họ đã "không có tiến triển quan trọng" về kế hoạch bán cổ phần các công ty dịch vụ bất động sản và ô tô điện của mình, đồng thời cho biết thêm rằng việc thanh lý trụ sở tại Hồng Kông theo kế hoạch đã không được hoàn thành như dự kiến. Bán tài sản là một trong những trụ cột quan trọng nhất trong kế hoạch thoát khỏi tình trạng khủng hoảng tiền mặt của Evergrande.
Evergrande là công ty bất động sản lớn thứ hai của Trung Quốc dựa trên doanh thu. Các nhà phân tích đã theo dõi khả năng rủi ro lây lan trong lĩnh vực bất động sản và rủi ro hệ thống tài chính lớn hơn ở Trung Quốc.
Theo trang web của Công ty, Evergrande sở hữu hơn 1.300 dự án bất động sản tại hơn 280 thành phố ở Trung Quốc. Trong những ngày gần đây, các cuộc biểu tình của những người mua nhà và nhà đầu tư giận dữ đã nổ ra ở nhiều thành phố khác nhau ở Trung Quốc.
Theo dữ liệu của Refinitiv Eikon, Evergrande có 6 loại trái phiếu đáo hạn vào năm tới và 10 loại trái phiếu vào năm 2023 trong tổng số 24 trái phiếu đã phát hành. Cổ phiếu của Evergrande đã giảm gần 80% trong năm nay và giá trái phiếu cũng lao dốc.
Mức độ thiệt hại mà các nhà đầu tư phải đối mặt sẽ phụ thuộc một phần vào việc liệu các nhà chức trách Trung Quốc và ngân hàng trung ương có thực hiện các bước để hạn chế thiệt hại hay không.
Hôm thứ Hai (13/9), Evergrande đã phủ nhận tin đồn về việc họ sẽ nộp đơn phá sản và đã thuê Houlihan Lokey và Admiralty Harbour Capital làm cố vấn tài chính chung để đánh giá cấu trúc vốn của công ty. Houlihan Lokey là một trong những đơn vị với hoạt động tái cơ cấu tài chính lớn nhất trên toàn cầu và đã tư vấn cho khoảng 1.400 trường hợp với hơn 3 nghìn tỷ USD các nghĩa vụ nợ kể từ năm 1988. Trường hợp lớn nhất là Lehman Brothers.