TOP 10 có dư nợ margin gần 53.000 tỷ đồng
Thống kê của Ðầu tư Chứng khoán cho thấy, tính đến cuối quý II/2020, tổng dư nợ margin của Top 10 công ty chứng khoán có dư nợ margin lớn nhất đạt 52.937 tỷ đồng, tăng hơn 5.000 tỷ đồng so với quý I/2020, tức tăng khoảng 10%.
Trong đó, nợ vay ký quỹ/vốn chủ sở hữu quý II/2020 đạt 64,5%, tăng nhẹ so với quý I/2020, còn tỷ lệ nợ vay ký quỹ/tổng tài sản đạt 33,8%, tăng nhẹ so với quý I/2020 nhưng giảm so với cùng kỳ năm 2019 (xem bảng).
Tỷ lệ dư nợ margin của Top 10 CTCK trong 5 quý liên tiếp.
Có thể thấy, các hệ số an toàn vốn của ngành chứng khoán tăng nhẹ, nhưng vẫn ở mức thấp hơn so với năm 2019 khi nhiều công ty chứng khoán đã tiến hành tăng vốn trong năm 2019 và 2020. Trong thời gian tới, hoạt động tăng vốn của khối công ty chứng khoán sẽ tiếp tục diễn ra, đặc biệt là ở khối công ty chứng khoán nước ngoài.
Hệ số nợ nay/vốn chủ sở hữu.
Quán quân về dư nợ cho vay margin và tạm ứng tiền bán chứng khoán đang thuộc về công ty chứng khoán Mirae Asset, lên tới 8.575 tỷ đồng tính tại cuối quý II/2020, tức tăng 1.400 tỷ đồng so với quý trước và cũng là mức dư nợ margin lớn nhất từ trước đến nay đối với một công ty chứng khoán.
Top 10 công ty chứng khoán có dư nợ margin lớn nhất hiện nay đang chiếm tới hơn 80% tổng dư nợ margin toàn thị trường. Trong đó, một số công ty chứng khoán có diễn biến tăng mạnh dòng tiền margin như ACBS tăng 50%, VPBS tăng 40%...
Hệ số nợ nay/vốn chủ sở hữu của TOP 10 CTCK có tài sản lớn nhất.
Như chia sẻ của ông Trịnh Thanh Cần, Tổng giám đốc ACBS, dòng tiền cho vay margin thường tỷ lệ thuận với mức độ giao dịch của thị trường. Quý II/2020 là thời điểm TTCK Việt Nam phục hồi mạnh kể từ thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần đầu, trong đó giao dịch tập trung chính vào 2 thành phần.
Thứ nhất, đó là các nhà đầu tư đại chúng, sử dụng đòn bẩy để tăng cơ hội đầu tư kiếm lời trong ngắn hạn.
Thứ hai là cổ đông lớn của nhiều doanh nghiệp có nhu cầu giao dịch lớn. Nhu cầu dòng tiền vay lớn hơn, khiến các công ty chứng khoán mạnh tay trong cho vay margin.
Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc ACBS, bản thân công ty ông cũng như các công ty khác đều phải giữ tỷ lệ an toàn tài chính trong giới hạn cho phép.
Sẽ làm mới quy định về an toàn tài chính
An toàn tài chính đối với các công ty chứng khoán là vấn đề được cơ quan quản lý quan tâm hàng đầu. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng dự thảo Thông tư mới, sửa đổi, bổ sung Thông tư 87/2017/TT-BTC về an toàn tài chính, nhằm đánh giá chính xác hơn tỷ lệ an toàn tài chính của tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Từ việc nắm bắt sức khỏe tài chính, nhà quản lý sẽ phân loại khối công ty chứng khoán và áp dụng các biện pháp cơ cấu lại cho phù hợp với Ðề án cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến 2020 và định hướng đến 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc sửa đổi, bổ sung các quy định mới nhằm giúp đánh giá và tăng cường năng lực quản trị rủi ro cho các tổ chức kinh doanh chứng khoán tại Việt Nam.
Mặc dù chỉ tiêu an toàn tài chính không phản ánh hết sức khỏe của một công ty chứng khoán, nhưng là chỉ báo rất quan trọng nói lên tính thanh khoản, khả năng đáp ứng các nghĩa vụ nợ và rủi ro của công ty chứng khoán.
Hiện tại, Top công ty chứng khoán có tỷ lệ nợ vay ký quỹ/vốn chủ sở hữu cao nổi bật là các công ty chứng khoán Hàn Quốc với việc đẩy mạnh cho vay do lợi thế lãi suất rẻ và nguồn vốn hỗ trợ từ công ty mẹ nước ngoài.
Ðối với các công ty chứng khoán Hàn Quốc, việc chấp nhận rủi ro cao với danh mục cho vay đa dạng có thể khiến rủi ro mất vốn tăng trong điều kiện thị trường không thuận lợi.
Tuy nhiên với các công ty có vốn và tiềm lực mạnh, rủi ro tiềm năng này không đe dọa đến chiến lược phát triển chung.
Trong khi đó, với khối công ty trong nước, đây là bài toán khó giải khi phải cạnh tranh với lãi vay rẻ và phí giao dịch thấp của các công ty chứng khoán nước ngoài. Trong bối cảnh thị trường không thuận lợi, nhiều công ty có xu hướng hạ đòn bẩy và giảm vay so với chiến lược trong các quý gần nhất.