Ông Dominic Mellor

Ông Dominic Mellor

“Không thể đổ lỗi cho tình hình khách quan”

(ĐTCK) Trở lực lớn nhất đối với sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam là những nút thắt nội tại hơn là yếu tố bên ngoài.

Đó là quan điểm của ông Dominic Mellor, Chuyên gia kinh tế quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan đại diện thường trú tại Việt Nam trong cuộc trao đổi với ĐTCK bên lề cuộc họp báo tổ chức ngày 2/10 vừa qua.

Một số ý kiến cho rằng, nền kinh tế trong khu vực đã có những dấu hiệu phục hồi, nhưng kinh tế Việt Nam phản ứng chậm hơn. Quan điểm của ông về nguyên nhân của hiện tượng này?

Các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á đa số phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Chính vì vậy, những dấu hiệu phục hồi tại các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU… sẽ mang đến sự khởi sắc tại các nền kinh tế này, vì nhu cầu hàng nhập khẩu tăng lên hỗ trợ xuất khẩu cho các quốc gia Đông Nam Á.

Tuy nhiên, mỗi nền kinh tế đều có hai động lực trong nước và ngoài nước. Đối với Việt Nam , ở phía động lực bên ngoài cũng được hưởng lợi từ sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển khi hoạt động xuất khẩu tăng trưởng cao. Tuy nhiên, nút thắt cốt lõi của kinh tế Việt Nam mang tính chất nội tại, cầu trong nước yếu, hệ thống ngân hàng với những bản cân đối yếu kém, nợ xấu, tăng trưởng tín dụng thấp, tiêu dùng thấp, khó khăn trên thị trường lao động, DN không dám vay mượn để phát triển kinh doanh... Khi Việt Nam còn đang phải giải quyết những vấn đề này thì nền kinh tế đương nhiên sẽ phục hồi chậm hơn so với các nền kinh tế khác trong khu vực.

 

9 tháng đầu năm với những yếu tố nền tảng được cho là khá tích cực như lạm phát được kiềm chế, tỷ giá ổn định…, theo ông, liệu hiện có phải là thời điểm thích hợp, là thời cơ để đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, nếu chậm trễ, cơ hội sẽ mất và chẳng bao lâu sẽ tái diễn sự bất ổn, với cái vòng luẩn quẩn như đã từng xảy ra? Nếu đúng thì khuyến nghị chính sách của ông là gì?

Tôi đồng ý rằng, đây là thời điểm cần đưa ra những quyết sách mạnh mẽ. Vấn đề đặc biệt quan trọng là công cuộc cải cách đang được tiến hành khá chậm và cần có quyết tâm chính trị để đẩy nhanh hơn tốc độ tái cơ cấu. Đã có những bước đi tích cực trong thời gian vừa qua trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhưng quá trình này cần phải đi đôi với tái cơ cấu DN. Bởi vì, kể cả khi xử lý được câu chuyện nợ xấu tốt hơn như việc Công ty Quản lý tài sản các TCTD (VAMC) đã ra đời và bắt đầu mua lại nợ xấu của các DN, thì đó cũng chỉ là những khoản nợ xấu có tài sản thế chấp mà thôi. Trong khi đó, còn rất nhiều món nợ xấu mà DNNN vay nhưng không có tài sản thế chấp. Nếu DN này không tái cơ cấu để phục hồi sản xuất - kinh doanh thì những món nợ xấu đó không nên mua lại, bởi VAMC rất khó thu hồi được gì khi bỏ tiền ra mua những món nợ này. Chính vì vậy, quyết sách quan trọng nhất Chính phủ cần thực thi là đưa ra những quyết định mạnh mẽ đối với vấn đề tái cơ cấu DN, đặc biệt là DNNN.

 

Đã có nhiều cảnh báo về hiện trạng sở hữu chéo giữa các TCTD và các tập đoàn kinh tế, cũng như những hệ lụy nghiêm trọng của vấn đề này đối với thị trường tài chính nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung. Ông đánh giá như thế nào về câu chuyện này?

Sở hữu chéo không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà còn ở nhiều nền kinh tế khác nữa và trong nhiều trường hợp thì sở hữu chéo là bình thường. Chính vì vậy, cần nhìn cụ thể vào từng trường hợp riêng biệt xem tính chất sở hữu chéo đó là gì. Ở Việt Nam , nếu một ngân hàng hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của một DN và ngân hàng đó lại cho DN này vay vốn thì hành vi như vậy rất rủi ro và Chính phủ nên cấm. Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh lại là, không được đánh đồng các loại hình sở hữu chéo với nhau. Do đó, trước hết, cần có những thông tin minh bạch để chúng ta đánh giá được mức độ sở hữu chéo giữa các ngân hàng và DN ở đây là gì. Tiếp đó, cần có một cơ chế để theo dõi tình trạng này và các quy định về quản lý. Điều này có nghĩa, Nhà nước phải có hướng dẫn cụ thể, sở hữu chéo đến mức độ nào là được phép, khi đó, những ngân hàng nào vượt quá mức cho phép sẽ bị “bật đèn đỏ”.

 

Có vẻ như không chỉ riêng tại Việt Nam, hệ thống tài chính đang mang một gánh nặng quá lớn cũng như mối quan tâm của toàn xã hội. Ông có cho rằng điều này là mất cân bằng?

Đúng là hiện nay mối quan tâm của xã hội đổ dồn vào hệ thống ngân hàng, tài chính, bởi vì vấn đề này mang tầm quốc tế. Nền kinh tế thế giới nói chung và hệ thống ngân hàng, tài chính của thế giới nói riêng đang có những vấn đề nổi cộm và chắc chắn có những tác động đến nền kinh tế Việt Nam . Có mối tương quan rất rõ ràng, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ kém quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam và chúng ta sẽ khó thu hút được đầu tư hơn, khi mà nền tài chính thế giới gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, việc tập trung mối quan tâm vào hệ thống tài chính, ngân hàng cũng dễ hiểu, bởi nó có liên quan đến tất cả các lĩnh vực khác. Chẳng hạn, nếu tăng trưởng tín dụng thấp, hoạt động sản xuất sẽ cầm chừng, lao động thất nghiệp… Đây là những ảnh hưởng về mặt xã hội mà chúng ta có thể quan sát thấy từ những vấn đề của hệ thống tài chính - ngân hàng. Ví dụ, Vinashin vừa công bố việc tái cơ cấu DN, theo đó, sẽ có 13.000 lao động mất việc làm. Như vậy, khi nói đến vấn đề của hệ thống tài chính - ngân hàng, không phải chỉ là con số nợ xấu bao nhiêu, hiện trạng cho vay như thế nào, vì còn có những mối liên quan đến vấn đề xã hội.

Tuy nhiên, tôi cũng đồng ý rằng, không phải chỉ có khu vực tài chính - ngân hàng, mà còn rất nhiều vấn đề khác cần phải quan tâm, như câu chuyện tài khóa, đầu tư nhà nước... Nếu minh bạch hóa được vấn đề trách nhiệm của từng trụ cột thì nền kinh tế sẽ phát triển cân bằng hơn.