Dòng tiền thận trọng
Tuần đầu giao dịch đầu Xuân 2022 có diễn biến tương đối tích cực như nhiều dự báo từ trước, nhưng tâm lý chung của nhà đầu tư là thận trọng hơn, một phần bán canh chốt lời cổ phiếu mua giá thấp trong đợt điều chỉnh trước Tết, số đông khác chưa vội giải ngân, mà chủ yếu chờ đợi thêm các thông tin mới, đo phản ứng và dòng tiền của thị trường.
Với các nhà đầu tư này, mặt bằng giá cao cộng thêm chưa có yếu tố hỗ trợ mới nên việc lựa chọn cổ phiếu cho năm 2022 cần cân nhắc kỹ.
Trên thị trường, dòng tiền luân chuyển khá nhanh theo từng phiên ở các nhóm ngành được cho là có triển vọng sáng như thuỷ sản. Dòng cổ phiếu dầu khí có những phiên mở màn tích cực khi giá dầu vượt mốc 90 USD/thùng, nhưng không phải cổ phiếu dầu khí nào cũng tăng tốt.
Ở nhóm bất động sản, một số mã như DIG, CEO, CII tăng vọt, giảm sâu, các mã còn lại có diễn biến ổn định hơn. Tại nhóm cổ phiếu thép, giá hồi phục nhẹ… Nhìn chung, dòng tiền có sự phân hoá rõ nét, nhưng trải rộng trên nhiều nhóm ngành.
Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), có 5 ngành lớn nhất theo vốn hóa thị trường là tài chính, bất động sản, tiêu dùng, công nghiệp và vật liệu, chiếm hơn 88% mức tăng của VN-Index trong năm 2021.
Giá trị vốn hóa thị trường ở hầu hết các nhóm ngành vẫn tập trung vào một số ít cổ phiếu. VCSC đánh giá cao ngành ngân hàng và tiêu dùng, dù diễn biến giá cổ phiếu kém tích cực trong thời gian qua.
Chọn lọc cổ phiếu
Cổ phiếu ngân hàng có diễn biến kém tích cực trong 6 tháng cuối năm 2021 sau giai đoạn tăng giá trước đó, do làn sóng dịch Covid-19 thứ tư làm gia tăng các bất ổn về chất lượng tài sản và lợi nhuận. Nhưng các chuyên gia của VCSC vẫn tin tưởng, các ngân hàng có thể tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và xử lý tốt các vấn đề liên quan đến dịch Covid-19.
Với ngành tiêu dùng, cổ phiếu có diễn biến kém tích cực so với thị trường chung trong năm 2021 do tác động tiêu cực của thị trường lao động đến thu nhập hộ gia đình, qua đó làm giảm sức cầu tiêu dùng. Trong khi đó, các hạn chế liên quan đến Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến ngành khách sạn - nghỉ dưỡng và giải trí, ảnh hưởng đến tiêu thụ bia. Tuy nhiên, việc tái mở cửa và phục hồi nền kinh tế sẽ tác động tích cực đến thị trường lao động và thu nhập hộ gia đình, cải thiện triển vọng tiêu dùng giai đoạn 2022 - 2023.
Theo đó, cổ phiếu ngân hàng và tiêu dùng hiện chiếm tỷ trọng cao trong giỏ cổ phiếu lựa chọn của VCSC, với 6 mã ngân hàng và 9 mã tiêu dùng, bao gồm 3 mã có giá trị vốn hóa lớn nhất trong ngành tiêu dùng thiết yếu theo phân loại GICS là MSN, VNM, SAB.
Đối với nhóm ngành dầu khí, giá dầu Brent đã vượt 90 USD/thùng vào ngày 3/2/2021, đánh dấu mức cao nhất kể từ cuối tháng 10/2014.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, biến động giá dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến GAS (tăng/giảm doanh thu, biên lợi nhuận và nhu cầu khí khô từ nhà máy điện do giá điện khí ở mức cao), cũng như PLX, OIL (tăng/giảm doanh thu và lãi/lỗ hàng tồn kho) và BSR (tăng/giảm biên lợi nhuận lọc hóa dầu, lãi/lỗ hàng tồn kho).
Trong khi đó, đối với các công ty ở lĩnh vực thượng nguồn dầu khí như PVD, PVS, giá dầu không ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng trong ngắn hạn, do các công ty này dựa vào các dự án, mang tính chất dài hạn hơn.
SSI cho rằng, mảng khoan của PVD sẽ ghi nhận lợi nhuận từ năm 2022 nhờ hiệu suất sử dụng và giá thuê tăng. Giá dầu duy trì tích cực sẽ thúc đẩy mạnh các hoạt động đầu tư thăm dò khai thác, đặc biệt là việc triển khai các dự án lớn, giúp đem lại khối lượng công việc tiềm năng cho PVD và PVS trong dài hạn.
Với nhóm doanh nghiệp sử dụng khí làm nguyên liệu đầu vào như điện khí, đạm, giá dầu tăng sẽ làm tăng giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, các công ty đạm vẫn có khả năng tăng giá bán do nguồn cung tại Trung Quốc vẫn còn hạn chế. Còn giá khí tăng, các công ty điện khí có thể chuyển ngang một phần vào sản lượng hợp đồng mua bán điện.
Theo kế hoạch của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, tỷ lệ sản lượng điện hợp đồng năm 2022 là 80%. Mặc dù vậy, giá khí cao sẽ khiến các nhà máy điện khí kém cạnh tranh hơn, ảnh hưởng đến phần sản lượng chào bán trên thị trường điện cạnh tranh.
Thực tế, tuy có sự khác nhau về các yếu tố cơ bản, nhưng giá cổ phiếu ngành dầu khí đều có tương quan chặt chẽ với giá dầu. Nói cách khác, độ “nhạy” của giá cổ phiếu với giá dầu rất cao. Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư SSI cho rằng, giá dầu tăng đem lại cơ hội đầu tư cả trong ngắn và dài hạn. Với chiến lược đầu tư ngắn hạn, nhà đầu tư có thể xem xét các cổ phiếu có mức độ tương quan lớn với giá dầu như BSR, PVD, PVS, OIL.
VN-Index nhiều khả năng dao động quanh mức hiện tại
Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, thị trường chứng khoán tháng 2 sẽ tiếp tục tích lũy đi lên nhờ sự luân chuyển dòng tiền vào nhóm cổ phiếu cơ bản tốt và triển vọng tăng trưởng cao trong năm 2022. Cùng với đó, sự tham gia của quỹ ngoại mới sẽ là yếu tố hỗ trợ tâm lý thị trường. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát sẽ tác động tiêu cực đến thị trường.
VDSC dự đoán, VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.430 - 1.580 điểm.
“Nhìn chung, chúng tôi dự đoán VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.430 - 1.580 điểm”, bà Lam nói.
Chuyên gia VDSC cho rằng, sự chững lại của giá cổ phiếu ngân hàng trong rổ chỉ số VN30 giai đoạn 6 tháng cuối năm 2021 đã phản ánh sự tăng trưởng lợi nhuận chậm lại so với cùng kỳ ở mức 12% so với mức tăng trưởng 55% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm.
Trong thời gian tới, kỳ vọng cổ phiếu của các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối sẽ được hỗ trợ bởi các câu chuyện như chia cổ tức và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài, dự kiến ngay trong quý I/2022, còn các ngân hàng tư nhân được sẽ có những tin tức tích cực kể từ quý II/2022.
Nhóm cổ phiếu thép cũng đã có mức điều chỉnh đáng kể, phản ánh kết quả kinh doanh quý IV/2021 tăng trưởng chậm lại khi giá thép có diễn biến không thuận lợi. Tuy nhiên, dòng tiền vào nhóm này có thể cải thiện trong thời gian tới, bởi triển vọng năm 2022 được hỗ trợ bởi sự phục hồi trong sản lượng bán hàng nội địa.
Hiện tại, việc nhà đầu tư luân chuyển dòng tiền vào nhóm VN30 là phù hợp khi nội tại các doanh nghiệp tốt và thanh khoản cao, từ đó thị trường chung giữ được sự ổn định.
Ngoài ra, VDSC đánh giá cao nhóm bán lẻ, kho vận và xuất khẩu, có khả năng tiếp tục thu hút dòng tiền, bởi sự mở cửa trở lại của các cửa hàng, nhu cầu gia tăng của người tiêu dùng toàn cầu và việc bình thường hóa chuỗi cung ứng trong năm 2022.
Trong năm 2021 và cho tới thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư cá nhân chiếm lĩnh thị trường (chiếm 87% giá trị giao dịch so với mức 72% giai đoạn trước dịch bệnh), thúc đẩy định giá nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ, vượt định giá cả ngắn hạn và dài hạn.
Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu trong nhóm này có kết quả kinh doanh quý IV/2021 kém khả quan, không như kỳ vọng, nên giá gần đây có sự điều chỉnh nhanh. Trong thời gian tới, rủi ro giảm giá ở nhóm này vẫn còn nếu hoạt động kinh doanh chưa có nhiều chuyển biến hoặc chưa có thông tin hỗ trợ.
Đáng chú ý, thị trường chào đón quỹ đầu tư mới là Jih Sun Vietnam Opportunity Fund (quy mô 5.000 tỷ đồng), bắt đầu giải ngân từ cuối tháng 1/2022, chủ yếu vào các cổ phiếu vốn hóa lớn (như HPG, VHM…).
Bà Lam cho rằng, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của các doanh nghiệp niêm yết có khả năng tăng xấp xỉ 20% (theo Bloomberg) và P/E dự phóng 2022 khoảng 14 lần, thấp so với các thị trường trong khu vực là yếu tố chính sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, dòng vốn ETF ngoại từ các quỹ như Fubon có sự đảo chiều từ bán ròng sang mua ròng trong tháng 1/2022, cho thấy dòng tiền của khối ngoại có chuyển biến tích cực hơn.
Tỷ trọng giá trị giao dịch của khối ngoại không quá lớn trước sự áp đảo của nhà đầu tư cá nhân trong nước, nhưng dòng tiền này là động lực không nhỏ, mang tính dẫn dắt dòng tiền trên thị trường.