Ông Tareq Muhmood

Ông Tareq Muhmood

Không nên cung vốn bằng mọi giá

(ĐTCK) Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong 6 tháng cuối năm có được 9% để đạt mục tiêu 12% cả năm?

Ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ (Việt Nam) cho rằng, không nên quá câu nệ con số cần tăng trưởng bao nhiêu phần trăm.

Trong cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm 2013, vấn đề được đưa ra bàn luận nhiều là làm thế nào để tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu 12% trong năm nay, bởi 6 tháng đầu năm tăng trưởng mới được 3%. Quan điểm của ông như thế nào?

Cách đây 2 năm, thậm chí chỉ 12 tháng thôi, người ta vẫn nói đến câu chuyện tín dụng tăng trưởng quá nóng và điều đó rất nguy hiểm cho nền kinh tế. Việc tăng trưởng tín dụng chậm lại, tôi nghĩ là không có vấn đề gì. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta không nên quá câu nệ con số cần tăng trưởng bao nhiêu phần trăm, mà là tăng trưởng với chất lượng tín dụng như thế nào. Chính vì vậy, các ngân hàng không nhất thiết phải chạy theo mục tiêu tăng trưởng 12% và không nên cho vay bằng mọi cách.

Mỗi khi đưa ra quyết định cho vay cần dựa trên các tiêu chí: thông tin về khả năng trả nợ, nguồn trả nợ của khách hàng, đánh giá xếp hạng tín nhiệm của khách hàng, không nên dựa trên tài sản đảm bảo mà cần phải dựa trên dòng tiền và phương án kinh doanh của khách hàng. Nếu chỉ nhìn vào tài sản đảm bảo để cho vay thì chất lượng tăng trưởng tín dụng sẽ không cao.

Trong việc này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đi đúng hướng, vì chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và trần tăng trưởng tín dụng đã được phân ra cho các nhóm ngân hàng khác nhau, không phải ngân hàng nào cũng được phép tăng trưởng tín dụng cao, mà chỉ các ngân hàng vững mạnh, khả năng quản lý rủi ro tốt mới được phép tăng trưởng tín dụng cao.

 

Theo ông, vì sao tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm ở mức thấp?

Chúng ta có thể phân tích theo từng nguyên nhân, cũng có thể phân tích một nguyên nhân tổng hợp đó là cầu tín dụng. Để tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt đến tỷ lệ nào đó thì chúng ta phải có cung và cầu. Cung là các NHTM có nguồn vốn để cho vay, còn cầu là các DN có cần vay vốn hay không. Hiện nay, một bộ phận DN hoạt động vẫn tốt, có nhu cầu vay vốn, nhưng xét một cách tổng thể thì nhu cầu vay vốn của DN Việt Nam không cao. Chính vì vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng không cao.

Nhận định chung là như vậy, nhưng vẫn có một số ngân hàng Việt Nam cũng như ANZ là một ngân hàng nước ngoài có tốc độ tăng trưởng tín dụng khả quan trong 6 tháng vừa qua, trong đó ANZ tăng hơn 18%. Chúng tôi đã đệ trình lên NHNN xin nới trần tăng trưởng tín dụng lên trên 18% trong năm 2013.

 

ANZ sẽ làm gì để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng mới?

Chúng tôi sẽ tập trung phục vụ những khách hàng hiện tại, đồng thời tìm kiếm các khách hàng mới. Trên thực tế, nhiều DN có nhu cầu và đặt vấn đề vay vốn tại ANZ và chúng tôi thấy có những khách hàng tiềm năng như các công ty xuất khẩu, các công ty chế tạo và sản xuất cũng như trong khu vực nông nghiệp, nông sản. Tuy nhiên, chúng tôi không cho vay tràn lan, mà vẫn đặt vấn đề tăng trưởng tín dụng có chất lượng và yên tâm về chất lượng của những khoản vay đó. ANZ đã hoạt động tại thị trường Việt Nam 20 năm nay, chúng tôi có cơ sở khách hàng là 3.000 DN. Với cơ sở khách hàng như vậy, chúng tôi tin tưởng sẽ tăng trưởng tín dụng tốt và ổn định.

 

Đặt trọng tâm cho vay vào khu vực nông nghiệp liệu có phải rủi ro không, thưa ông?

Lĩnh vực nông nghiệp thực ra cũng rất rộng, vì trong toàn bộ chuỗi cung cấp của ngành này, có thể bắt đầu từ những nhà sản xuất nhỏ, nông dân, trang trại nhỏ, sau đó đến những nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi, thức ăn gia súc, những công ty sản xuất hóa chất để làm đầu vào cho các nhà sản xuất phân bón, những công ty gom hàng sau đó chế biến như cà phê, điều, cao su... ANZ không xác định mình sẽ cạnh tranh với các ngân hàng trong nước ở hệ thống mạng lưới. Chiến lược của chúng tôi là tập trung và đi vào chiều sâu.

Đặc biệt, khi ANZ cạnh tranh, không chỉ về một sản phẩm tín dụng là cho vay, mà chúng tôi còn có nhiều dịch vụ tài chính ngân hàng khác như tư vấn, cung cấp các sản phẩm phòng ngừa rủi ro. Bởi lẽ, chúng tôi có một bộ phận chuyên về các sản phẩm/giải pháp cho khối khách hàng nông nghiệp và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm về tài chính nông nghiệp đặt tại Singapore, Úc... Những chuyên gia đó có thể tư vấn cho các DN trong ngành nông nghiệp về những sản phẩm phòng vệ rủi ro. Ví dụ, có một DN xuất khẩu cà phê, họ sẽ phải chịu rủi ro thị trường là giá cà phê thế giới có thể dao động lên xuống, họ cần có sản phẩm phái sinh tài chính để phòng vệ trước rủi ro về giá như vậy, chúng tôi sẽ tư vấn và cung cấp sản phẩm đó cho họ.

 

Ông có cho rằng, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay?

Khó có thể đưa ra câu trả lời liệu vào thời điểm cuối năm chúng ta có đạt được mục tiêu đó hay không. Tuy nhiên, bản thân việc NHNN đưa ra mục tiêu như vậy cũng đã phát đi tín hiệu tích cực cho ngành ngân hàng cũng như nền kinh tế nói chung rằng, NHNN muốn khuyến khích DN, muốn có sự tăng trưởng tín dụng tốt hơn, muốn cho vay nhiều hơn. Tuy nhiên, như tôi đã nói ngay từ đầu, ngoài việc chạy theo chỉ tiêu này về số lượng thì cũng không nên quên đi mặt chất lượng. Nếu năm nay không đạt được chỉ tiêu, tôi hy vọng nó sẽ tạo tiền đề cho năm sau.

 

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình

Tăng trưởng tín dụng hiện nay được cải thiện rất nhiều, năm ngoái, hết tháng 6 mới dương, nhưng năm nay từ tháng 3 đã tăng trưởng dương khoảng 3%. Nhìn lại năm ngoái, tăng trưởng tín dụng đạt gần 9% trong 6 tháng cuối năm. Nếu làm được như năm ngoái thì chúng ta đảm bảo cả năm nay đạt 12% như chỉ tiêu đặt ra.

Đề án xử lý nợ xấu đã được Bộ Chính trị phê duyệt và Chính phủ chính thức thông qua. Điều đó cho thấy, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để xử lý nợ xấu. Năm 2012, hệ thống ngân hàng đã nỗ lực giải quyết và đến nay, tổng số nợ các ngân hàng đã cơ cấu lại là 285.000 tỷ đồng, xấp xỉ 10% dư nợ tín dụng. Nếu không cơ cấu lại thì đó sẽ trở thành nợ xấu. Cũng trong năm 2012, hệ thống ngân hàng tự xử lý được 70.000 tỷ đồng nợ xấu, bằng 2,5% tổng dư nợ, con số này rất lớn, tôi đánh giá cao ý thức trách nhiệm của các NHTM.

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng trích lập được thêm 68.000 tỷ đồng, trong 4 tháng đầu năm 2013 đã xử lý được 7.500 tỷ bằng nguồn này. Nợ xấu cũ đã được xử lý, nhưng nợ xấu mới lại phát sinh, từ những khoản cho vay trước đó trong bối cảnh điều kiện vĩ mô chưa ổn định, tiếp tục khó khăn. Do đó, chúng ta phải đi cả hai hướng, tiếp tục xử lý nợ xấu cũ và tiếp tục khơi thông dòng vốn thì mới ngăn được nợ xấu gia tăng.

Tuy nhiên, hiện tổng cầu, sức mua của nền kinh tế vẫn yếu, đòi hỏi có các chính sách khác hỗ trợ, đặc biệt chính sách tài khóa. Chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ để nâng phát hành trái phiếu chính phủ, nâng mức đầu tư công, qua đó kích thích tổng cầu, vừa giải quyết tồn kho, giải quyết công ăn việc làm, góp phần khơi thông tăng trưởng tín dụng.