Không khác gì "Squid Game", bẫy nợ tồn tại ngoài đời thực tại Hàn Quốc

Không khác gì "Squid Game", bẫy nợ tồn tại ngoài đời thực tại Hàn Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều người Hàn Quốc nhận ra mình trong các nhân vật của loạt phim "Squid Game" hay còn gọi là "Trò chơi con mực" đang cực kỳ nổi tiếng của Netflix.

Sắp nghỉ hưu ở tuổi 58, Yu Hee-sook đã trả hết nợ từ lâu, nhưng vẫn nhận được các cuộc gọi từ các công ty đòi nợ, đe dọa thu giữ tài khoản ngân hàng của cô vì các khoản vay đã được chứng khoán hóa và bán cho các nhà đầu tư mà cô không hề hay biết.

"Ở Hàn Quốc, cuộc sống của bạn sẽ chẳng khác gì tận thế nếu bạn nợ tín dụng quá hạn", Yu cho biết.

Cô từng làm nhiều công việc thu nhập thấp, một trong số đó là viết nội dung cho tạp chí điện ảnh. Trong suốt 13 năm trời, cô phải phải oằn mình gánh khoản nợ của một bộ phim thất bại vào năm 2002.

“Tất cả những gì tôi muốn là cơ hội trả nợ, nhưng các ngân hàng không để yên cho tôi đi kiếm tiền”, Yu nói. Cô cảm thấy bị mắc kẹt dưới một thử thách kéo dài không thấy điểm dừng, giống như 456 thí sinh tham gia trò chơi sống còn trong Squid game.

Nếu người ta vẫn liên tưởng tới một Hàn Quốc đẹp đẽ qua hình ảnh màu sắc của nhóm nhạc đình đám BTS, hay những chiếc điện thoại thông minh kiểu dáng đẹp mắt của Samsung, thì những mảnh đời trong Squid Game lại chỉ ra mặt tối của đất nước này với thực trạng vay nợ cá nhân ngày càng tăng đến báo động và hiếm có khả năng thoát nợ, đồng thời cũng là nơi có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các quốc gia tiên tiến.

Các khoản vay hộ gia đình thường là yếu tố thúc đẩy đầu tư tư nhân và tăng trưởng nhà ở, song nghiệt ngã ở chỗ, tại Hàn Quốc, ranh giới giữa các khoản vay cá nhân và các khoản vay phát triển doanh nghiệp không rõ ràng, tạo gánh nặng khủng khiếp cho những chủ doanh nghiệp nhỏ.

Những bộ đồ thể thao mới được sản xuất lấy cảm hứng từ loạt phim Netflix "Squid Game" tại một nhà máy tư nhân nhỏ ở Seoul, Hàn Quốc.

Những bộ đồ thể thao mới được sản xuất lấy cảm hứng từ loạt phim Netflix "Squid Game" tại một nhà máy tư nhân nhỏ ở Seoul, Hàn Quốc.

Theo hồ sơ tòa án, Hàn Quốc ghi nhận 50.379 vụ phá sản cá nhân vào năm ngoái, mức kỷ lục trong vòng năm năm qua.

Tỷ lệ những người phải trả nhiều hơn một loại nợ cá nhân tăng đều đặn và đạt mức 55,47% vào tháng 6/2021 từ mức 48% vào năm 2017, theo số liệu từ Cơ quan dịch vụ thông tin tín dụng Hàn Quốc.

"Nếu Donald Trump là người Hàn Quốc, ông ấy sẽ không thể trở thành tổng thống vì lý do bị phá sản nhiều lần. Ở Mỹ, nợ doanh nghiệp được tách biệt rõ ràng với nợ cá nhân", một luật sư chuyên xử lý các vụ phá sản cá nhân ở Seoul nói.

Việc không có mạng lưới bảo hiểm đầy đủ dành cho các doanh nghiệp nhỏ và thiếu chương trình giúp vực dậy từ những thất bại khiến người Hàn Quốc đối mặt với nhiều rủi ro có thể khiến họ tuyệt vọng. Trong khi đó, các ngân hàng thì thường bỏ qua giới hạn 5 năm để hủy bỏ các hồ sơ mất khả năng thanh toán.

Ahn Byung-wook, thẩm phán chuyên về các vụ án phá sản tại Tòa án Seoul đã 4 năm, cho biết, theo thông lệ truyền thống trong ngành ngân hàng, các chủ doanh nghiệp ở Hàn Quốc là đối tượng thường xuyên đối mặt với khả năng gánh nợ từ hoạt động kinh doanh mà họ điều hành.

Các ngân hàng thường yêu cầu các chủ sở hữu doanh nghiệp đứng ra bảo đảm cho khoản vay của công ty, một hành vi mà chính phủ Hàn Quốc đã cấm đối với các tổ chức tài chính công vào năm 2018.

Những người đăng ký vay vốn kinh doanh có xếp hạng tín dụng kém hoặc tiền sử vỡ nợ cần được các tổ chức tài chính nhà nước ở Hàn Quốc bảo lãnh.

"Về mặt văn hóa, các doanh nhân thất bại thường bị xã hội kỳ thị, vì vậy việc bắt đầu lại rất khó khăn vì chẳng ai tin tưởng họ. Trên hết, những người từng vướng phá sản cá nhân sẽ phải đối mặt với một danh sách dài các hạn chế về việc làm", thẩm phán Ahn nói thêm.

Số lượng lao động tự do của Hàn Quốc được xếp vào hàng cao nhất thế giới, chiếm một phần tư thị trường việc làm khiến thị trường này dễ bị suy thoái. Một nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc vào năm 2017 cho thấy, chỉ 38% doanh nghiệp nhỏ tự lập tồn tại qua ba năm.

Trong bối cảnh triển vọng kinh tế suy giảm, ngày càng ít người Hàn Quốc tìm kiếm được công việc tốt. Với việc giá nhà tăng cao, nhiều người đặt cược, đầu cơ là con đường duy nhất dẫn đến giàu có và họ đang vay nợ nhiều hơn bao giờ hết để đầu tư chứng khoán cũng như các loại tài sản khác.

Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, khoản tín dụng hộ gia đình, bao gồm các khoản nợ của các hộ gia đình với các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác cũng như tiêu dùng theo hình thức tín dụng tại nước này đã lên tới 1,805.9 triệu tỷ won (1.550 tỷ USD) trong quý II/2021, tăng 41.200 tỷ won (35,3 tỷ USD) so với quý trước trước đó. Đây là mức nợ hộ gia đình cao nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được tổng hợp từ năm 2003.

“Chính phủ khuyến khích các công ty khởi nghiệp nhưng họ không quan tâm đến những doanh nghiệp thất bại. Nếu không có cơ hội làm lại, vậy đời thực có khác nào Squid Game?", Ryu Kwang-han, một doanh nhân 40 tuổi vừa thoát khỏi nợ nần vào năm 2019.

Squid Game là bộ phim kể về những con người tuyệt vọng nỗ lực giành 38 triệu USD qua những trò chơi sống đánh đổi bằng mạng sống. Không chỉ là phim, Squid Game đồng thời phơi bày những cái bẫy nợ nần thân thuộc tại Hàn Quốc.

Kể từ khi ra mắt vào ngày 17/9, bộ phim Squid Game đã thu hút được 142 triệu lượt xem trên khắp thế giới và giúp Netflix có thêm 4,38 triệu người đăng ký, trở thành một hiện tượng toàn cầu.

Tin bài liên quan