Nhạy cảm
Năm 2017, tôi may mắn được Hội Nhà báo Việt Nam trao giải B - Giải Báo chí quốc gia năm 2016 cho loạt bài “Biến dạng tại dự án BOT giao thông”.
Loạt bài 5 kỳ có tít chung “Biến dạng tại dự án BOT giao thông” được đăng tải vào tháng 5/2016, khi hàng loạt dự án mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 - đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên dồn dập đưa vào khai thác thu phí.
Hàng loạt câu hỏi liên quan đến các dự án BOT đã được lãnh đạo Báo Đầu tư “đặt hàng”, như vì sao các dự án BOT giao thông từng được kỳ vọng là động lực phát triển mới cho nền kinh tế lại gây ra khá nhiều bức xúc trong dư luận xã hội? Công tác tuyên truyền của cơ quan nhà nước có thẩm quyền không đủ thuyết phục được người đóng phí, hay cơ chế vận hành dự án BOT giao thông hiện nay chưa thực sự hài hòa được lợi ích của các bên? Có hay không nguy cơ biến dạng, lệch lạc trong quá trình thực hiện dự án? Vì sao các dự án BOT chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư nội? Nguy cơ “bong bóng” hạ tầng giao thông là sản phẩm tưởng tượng hay đã thực sự cận kề?
Đây là sự nhạy cảm và cũng là sự dũng cảm của Ban Biên tập Báo Đầu tư, bởi khi đó, men say về những thành công của các dự án BOT vẫn còn rất đậm nét, trong khi những “điểm nóng” BOT đầu tiên mới manh nha xuất hiện.
Việc đặt vấn đề như vậy cho loạt bài rất có thể bị đánh giá là “tiêu cực”, “khắt khe” quá mức đối với việc triển khai một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc huy động vốn cho hạ tầng giao thông.
Trên thực tế, loạt bài trên của Báo Đầu tư với những số liệu dẫn tương đối đầy đủ, cụ thể, có tham khảo các ý kiến nhận định của các chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo các cơ quan quản lý chuyên ngành…, đã chỉ những góc khuất, tồn tại làm biến dạng các dự án BOT, đưa ra cảnh báo về rủi ro tăng trưởng tín dụng quá nóng, đồng thời nêu ra được giải pháp chỉnh sửa những biến dạng của hình thức đầu tư này.
Sau khi bài viết cuối cùng được đăng tải, vào giữa tháng 6/2016, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã tổ chức Hội nghị Đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, BT giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ quản lý, với sự tham dự của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Tại Hội nghị, đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã đánh giá cao loạt bài của Báo Đầu tư. Trong đó, nhiều kết luận, giải pháp quan trọng tại Hội nghị trùng với nhận định của bài viết đã được kiến nghị lên Chính phủ trong việc giúp hoàn thiện cơ chế, chính sách về các công trình BOT, BT, tránh những đổ vỡ đáng tiếc cho nhà đầu tư và cho toàn xã hội, đặc biệt khi Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông theo hình thức PPP giai đoạn I, trị giá gần 100.000 tỷ đồng đang bắt đầu gọi vốn.
Đồng hành
Cần phải nói thêm, chỉ sau khoảng 1 năm loạt bài “Biến dạng tại dự án BOT giao thông” được đăng tải, hàng loạt bất cập tại các dự án BOT bộc phát, đặc biệt là sự xung đột lợi ích gay gắt giữa đơn vị chủ công trình và người dân. Các trạm thu phí BOT như cầu Việt Trì - Phú Thọ, Cai Lậy - Tiền Giang, Thái Nguyên - Chợ Mới, cầu Tân Đệ… thậm chí đã trở thành điểm nóng, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Cũng vào thời điểm đó, rất nhiều cơ quan báo chí coi đây là tuyến đề tài nóng, dồn dập đăng tải các bài viết về các bất cập tại các dự án BOT giao thông. Không ít cơ quan báo chí mang sẵn định kiến BOT là móc túi dân, lợi ích nhóm đã tham gia tường thuật việc gây mất an ninh trật tư ở trạm thu phí; thông tin đậm các cuộc thanh, kiểm tra khiến các dự án BOT trở thành các tội đồ trong con mắt người dân.
Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư bắt đầu phải gánh chịu những sức ép bất lợi khi nhiều cam kết hỗ trợ của Nhà nước không thể thực hiện theo đúng cam kết, làm vỡ phương án tài chính, đẩy các nhà đầu tư trở thành các con nợ của các tổ chức tín dụng.
Nhiều nhà đầu tư gần như mất niềm tin, “nguội lửa”. Trong giai đoạn nước sôi, lửa bỏng này, có rất ít cơ quan thông tấn, báo chí phân tích đầy đủ, hay đơn giản là chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư.
Tại thời điểm đó, Ban Biên tập báo Đầu tư nhận định loạt bài “Biến dạng tại dự án BOT giao thông” đã hết vai trò lịch sử. Đây không còn là lúc tham gia “đấu tố” BOT, mà Báo Đầu tư phải có trách nhiệm đồng hành với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các nhà đầu tư để chung tay “gỡ khó”, không làm sai lệnh bản chất tốt đẹp của việc xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực giao thông - một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
Các chủ đề được lãnh đạo báo đặt ra cho phóng viên là, bên cạnh phản ánh những bất cập tại các dự án BOT, cần tham gia đề xuất các giải pháp tháo gỡ, kiến nghị sửa đổi các quy định không phù hợp, lỗi thời qua đó tạo ra động lực động viên các nhà đầu tư có nhu cầu được làm đúng. Trong trường hợp đăng tải các kết luận thanh tra, kiểm toán, các bài biết cần giải thích rõ ràng đối với từng khuyến nghị để người dân hiểu rõ bản chất, tạo sự đồng thuận cao, nhất là các số liệu liên quan đến giảm trừ khối lượng, thanh toán hay việc tăng/giảm mức phí, thời gian thu phí BOT…
Trên thực tế, nếu tiếp tục giữ định kiến xấu, ngoài việc không bám sát thực tế, các bài báo có thể phủ nhận cả một chủ trương, chính sách đúng đắn và phủ nhận cả thành quả của hệ thống các công trình BOT giao thông khắp cả nước, không giúp người dân có cái nhìn khách quan, công tâm, thân thiện hơn đối với BOT giao thông hiện nay và tuân thủ quy định pháp luật.
Là người được giao nhiệm vụ phản ánh đề tài GTVT, tôi luôn tâm niệm với tôn chỉ của Báo Đầu tư trong việc phải nêu cao thái độ chuẩn mực, có tinh thần xây dựng, giải thích thỏa đáng, có lý có tình, và nhất là không được giữ định kiến, tư duy theo lối mòn trong quá trình phản ánh, phản biện chính sách. Đó có lẽ là yếu tố quyết định mang lại thành công cho Báo Đầu tư - một thương hiệu báo chí có uy tín, được vun đắp một cách kiên trì, bền bỉ bởi các hệ thế nhà báo trong suốt 28 năm qua.