Không để thủ tục hành chính bào mòn niềm tin kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
Sức ép với doanh nhân và các nhà hoạch định chính sách, quản lý nhà nước khác nhau rất lớn.
Không để thủ tục hành chính bào mòn niềm tin kinh doanh

Mong các nhà hoạch định chính sách hiểu và chia sẻ điều này trong các đề xuất chính sách, đừng mãi coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý, đối tượng chuyên trục lợi… để đưa ra quá nhiều rào cản.

Nhiều doanh nhân chỉ muốn nhắn gửi duy nhất điều này tới các nhà hoạch định chính sách khi nhận được đề nghị góp ý cho các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Họ không còn muốn than phiền về những rào cản không thể vượt qua, thậm chí không muốn vượt qua.

Đó là những quy định phải chứng minh tỷ lệ 50% lao động mất việc làm, bị thiệt hại 50% tài sản, phải xin các giấy tờ của nhiều cơ quan để chứng minh việc dừng hoạt động do các quy định về giãn cách xã hội…

Nhiều doanh nghiệp đặt câu hỏi, các nhà hoạch chính sách thực sự hướng tới mục tiêu gì trong các điều kiện này?

Muốn hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân lao động hay muốn doanh nghiệp lách luật, chấm dứt hợp đồng lao động để nhận hỗ trợ, rồi tìm cách ký lại sau? Muốn vực dậy doanh nghiệp hay đợi doanh nghiệp gần đến bờ phá sản rồi mới cứu?…

Nhiều doanh nghiệp còn không thể hiểu tại sao lại hành chính hóa, “giấy tờ hóa” các yêu cầu chứng minh bị thiệt hại, thay vì sử dụng chuyên môn nghiệp vụ, nhìn vào các báo cáo tài chính, vào số ngày, số địa phương phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu giãn cách xã hội…

Câu hỏi tại sao các đề xuất giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp như tạm dừng đóng các loại phí công đoàn, giảm giá, phí, lệ phí trước bạ với một số dịch vụ… được xem xét chậm như vậy, vẫn tiếp tục được đặt ra.

Các doanh nghiệp cho rằng, họ sẽ không thể có chi phí vốn phù hợp nếu chi phí huy động vốn còn cao như hiện nay, trong khi quyết định không chỉ nằm trong tay ngân hàng… Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp không thể hiểu nổi, tại sao đến thời điểm này, những điều kiện, rào cản theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, làm khó doanh nghiệp vẫn còn trong không ít văn bản điều hành của một số bộ, ngành, trong khi doanh nghiệp chỉ cần một môi trường chính sách công khai, minh bạch, có khả năng thực thi…

Vấn đề là, nếu những câu hỏi này chưa đến được các nhà hoạch chính sách, chưa có được giải pháp thỏa đáng, thì hẳn nhiên, doanh nghiệp sẽ không muốn bàn về những đề xuất nên có thêm các gói hỗ trợ dù giới chuyên gia kinh tế cho là rất cần Chính phủ xem xét vào thời điểm hiện nay để tiếp sức cho doanh nghiệp, giữ sự năng động của nền kinh tế…

Với riêng doanh nghiệp, cho dù tình thế ra sao thì họ vẫn phải suy nghĩ tích cực, vẫn phải tìm cách sắp xếp lại, thậm chí là thay đổi nếu muốn tồn tại.

Tuần sau, dự kiến vào ngày 20/8 tới, cuộc tọa đàm đầu tiên trong chuỗi hoạt động của 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam sẽ diễn ra. “Từ sống sót đến thịnh vượng” là chủ đề được chọn cho cuộc tọa đàm với nhiều hàm ý, nhưng có thể nói mục tiêu cuối cùng của doanh nhân vẫn là thịnh vượng.

Trong thư ngỏ gửi các đồng nghiệp là doanh nhân, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT đã nói, giờ là lúc các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam thể hiện trách nhiệm của mình. Làm thế nào để không chỉ vượt khó, mà còn bứt phá và mạnh mẽ hơn, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế đất nước. Các doanh nhân tin rằng, những tri thức, bài học kinh nghiệm đúc rút trong suốt hành trình vươn lên của mỗi doanh nghiệp hoặc được tích lũy trong quá trình toàn cầu hóa là vô cùng quý giá, nếu được chia sẻ, sẽ giúp từng doanh nghiệp định vị đường đi sắp tới. Họ không cho rằng, khó khăn sẽ đẩy cơ hội trôi qua với doanh nghiệp Việt Nam hay lọt vào tay doanh nghiệp các nước xung quanh. Nhiều doanh nghiệp Việt đã nhận lãnh trách nhiệm đứng đầu các chuỗi và đang hội tụ nguồn lực, tìm kiếm đối tác để thực hiện…

Liệu nỗ lực, niềm tin này của cộng đồng doanh nghiệp Việt có bị giảm, có bị bào mòn bởi sự phức tạp và trì trệ của thủ tục hành chính, bởi tư duy cổ hủ của một bộ phận công chức?

Với nỗ lực, quyết tâm của chính phủ, câu trả lời chắc chắn là không!

Tin bài liên quan