Không để doanh nghiệp bị động

0:00 / 0:00
0:00
Trong các đề xuất gửi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, mong muốn có được phương án mở cửa, phục hồi kinh tế cùng tiến độ kiểm soát dịch... chiếm tỷ trọng lớn hơn các đề xuất cứu trợ.
Không để doanh nghiệp bị động

Thêm một lần nữa, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đã buộc phải gửi văn bản tới Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Vẫn là chuyện xét nghiệm cho lái xe vận chuyển hàng hóa không đúng với chỉ đạo của Chính phủ về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, nhưng lần này là ở cửa khẩu Móng Cái, vào giữa tháng 9/2021.

Theo VLA, với mỗi chuyến xe ngoại tỉnh đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc, lái xe phải xét nghiệm 3 lần (1 lần vào Quảng Ninh, 1 lần vào khu vực cửa khẩu và lần ra khỏi cửa khẩu). Nhưng lý do chính khiến VLA phải gửi kiến nghị không chỉ là những phát sinh chi phí của 3 lần xét nghiệm, trong đó 2 lần bằng phương pháp PCR và 1 lần xét nghiệm nhanh, hay những rủi ro với lái xe trong khoảng thời gian phải chờ đợi lấy kết quả trước khi rời cửa khẩu dù hàng hóa đã giao nhận xong…

Vấn đề ở đây là sự thiếu thống nhất lại tái diễn khi thực thi các quy định của Chính phủ, của Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Y tế về các vấn đề liên quan đến phòng chống dịch bệnh trong hoạt động vận tải đường bộ.

Trong văn bản này cũng như nhiều kiến nghị tương tự trước đó của VLA hay của các hiệp hội, doanh nghiệp, việc tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh đều được xác định rõ là trách nhiệm của doanh nghiệp. Song sự không thống nhất trong thực thi và không rõ ràng trong các điều kiện, trong các kịch bản chống dịch khiến doanh nghiệp cảm thấy mệt mỏi, khó khăn hơn.

Tình trạng này không chỉ diễn ra ở khâu đoạn vận tải, lưu thông hàng hóa. Trong Báo cáo tình hình doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ đầu tháng 9/2021 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), doanh nghiệp hiện lúng túng, khó xử vô cùng trước các quy định về hàng hóa thiết yếu, trước các điều kiện được thực hiện sản xuất 3 tại chỗ, các quy định về tiêm vắc - xin cho người lao động, trước các tiêu chí, điều kiện tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước… được hướng dẫn, thực hiện không thống nhất.

Có lẽ phải nhắc đến tỷ lệ 45% trong 15.000 doanh nghiệp tạm đóng cửa khi tham gia khảo sát của Ban IV đã cho biết rằng, họ không dự tính được thời gian tạm dừng trong bao lâu. Tỷ lệ trên là cao nhất, vượt xa nhóm doanh nghiệp xác định được thời gian đóng cửa.

Các hiệp hội, doanh nghiệp đang cảm nhận rất rõ hiện trạng này.

Trong các kiến nghị, đề xuất gửi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương từ đầu tháng 9/2021 trở lại đây, mong muốn có được phương án mở cửa, phục hồi kinh tế của các địa phương, các ngành và tổng thể cả nước cùng tiến độ kiểm soát dịch bệnh đi kèm các điều kiện, tiêu chí rõ ràng, thông suốt trong thực thi… chiếm tỷ trọng lớn hơn các đề xuất cứu trợ. Các doanh nghiệp cũng nhấn mạnh, chỉ có cách này mới hóa giải được nỗi ám ảnh bị động khi dịch bệnh phức tạp, rất khó kiểm soát và không thể dự liệu được đang ngày càng tăng. Đây cũng là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp thiết lập kế hoạch phục hồi cho chính mình, coi đó là cơ sở để làm việc với các đối tác, bạn hàng…

Các quốc gia xung quanh Việt Nam đã bắt đầu công bố các kế hoạch trên một cách khá rõ ràng. Ví như Thái Lan đang chuẩn bị bước vào giai đoạn III, thời gian từ ngày 1/10 đến 31/12/2021 qua việc mở rộng Chương trình Sandbox Phuket tới 5 điểm đến, theo đó, du khách được di chuyển tiếp sau 7 ngày. Chương trình Sandbox Phuket đã được triển khai trong giai đoạn II (từ 1/7 đến 30/9/2021) dành cho du khách tiêm đủ 2 mũi vắc-xin được miễn cách ly… Trong kế hoạch mà Thái Lan đã công bố, nước này dự kiến mở cửa hoàn toàn vào năm tới, đồng thời miễn yêu cầu cách ly cho khách du lịch tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.

Hàn Quốc áp dụng điều kiện mở cửa trở lại khi số ca nhiễm mới theo ngày phải giảm xuống dưới 1/100.000 người, đồng thời số ca nhiễm mới trong nước dưới 500 ca/ngày và số ca nhiễm tại Seoul dưới 250 ca/ngày.

Với Indonesia, điều kiện mở cửa trở lại là số ca nhiễm mới theo tuần phải giảm xuống dưới 40/100.000 người, số ca điều trị tuần dưới 5/100.000 dân và tỷ lệ lấp đầy giường bệnh bình quân tuần nhỏ hơn 60%.

Thủ đô của Malaysia lên kế hoạch mở cửa trở lại theo 4 giai đoạn với các tiêu chí về tỷ lệ tiêm vắc-xin, số ca nhiễm mới và số giường bệnh ICU được xác định rõ ràng.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang cần những kế hoạch tương tự.

Tin bài liên quan