Không còn lý do để thị trường phải chịu thêm những phiên điều chỉnh mạnh

Không còn lý do để thị trường phải chịu thêm những phiên điều chỉnh mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao CTCK KIS Việt Nam, phiên giao dịch cuối tuần qua tạo cây nến tăng đảo chiều, mang lại nhiều tín hiệu tích cực. 

Phiên cuối tuần, VN-Index đóng cửa trên 1.300 điểm có ý nghĩa như thế nào và nhà đầu tư có thể tạm yên tâm chưa, thưa ông?

Nếu như các phiên trước đó, nhiều nhà đầu tư có tâm lý “hồi là bán”, thì nay đã thoát dần ý nghĩ này. Dòng tiền cũng đổ về các nhóm kỳ vọng có hoạt động được trong mùa dịch và có thể hồi phục mạnh sau dịch, cộng với nhiều thông tin hỗ trợ như giá bán tăng, nhu cầu tăng. Ngoài ra, thanh khoản trong những phiên gần đây đều sụt giảm cho thấy dòng tiền vẫn đang lựa chọn đứng ngoài quan sát (thành khoản có sự cải thiện hơn trong phiên cuối tuần).

Phiên 27/8 đánh giá là phiên mở ra nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể, nếu nhìn thuần kỹ thuật, khi xuất hiện cây nến giảm, nhưng cuối phiên hồi phục và tăng lại là tín hiệu tích cực và có dấu hiệu đảo chiều. Đóng cửa, VN-Index ở mức 1.313,20 điểm tạm thời vượt mốc MA100 (1.310 điểm), nhiều cổ phiếu đều có giá ATC cao nhất phiên.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao CTCK KIS Việt Nam.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao CTCK KIS Việt Nam.

Tín hiệu tốt thứ hai là giá trị giao dịch tăng tốt hơn phiên trước trong bối cảnh thị trường đảo chiều tăng lên, cho thấy dòng tiền tham gia bắt đáy (giảm mạnh ở phiên sáng 27/8 - PV) hỗ trợ điểm số không giảm sâu, dòng tiền tham gia càng nhiều thì mới đẩy từ trạng thái giảm điểm sang xanh. Điều này cũng cho thấy, dòng tiền không chỉ bắt đáy, mà còn mua tìm kiếm cơ hội đầu tư khi cổ phiếu về vùng giá hấp dẫn hơn.

Nhiều nhà đầu tư vẫn có sự e dè về lượng hàng bắt đáy, với giá trị giao dịch kỷ lục 2 tỷ USD phiên 20/8/2021 vẫn chưa “tháo ra”, cộng với nỗi lo mơ hồ về margin, vì không có thông tin chi tiết. Quan điểm của ông như thế nào?

Tâm lý chung của giới đầu tư về lượng hàng phiên 20/5 về sẽ giao dịch được trong phiên 25/8 là hoàn toàn hợp lý, nhưng thực tế thì phiên này đã không quá tệ, các phiên sau đó cũng tương tự - không có tình trạng bán tháo mạnh xảy ra. Đây cũng là một tín hiệu mà nhà đầu tư cần chú ý.

Phân tích một chút về phiên kỷ lục từ khi thành lập TTCK đến nay, các đối tượng tham gia giao dịch phiên này gồm có nhiều nhà đầu tư đảo hàng (có thể bán phiên hôm trước, bán trong sáng 20/8… mua ngược lại trong phiên chiều), từ các nhà đầu tư sẵn tiền và thấy giá đã hợp lý, hấp dẫn. Dĩ nhiên, có nhiều nhà đầu tư hoảng loạn bán trong phiên sáng, thấy giá cổ phiếu chạm sàn và bật lên, họ cũng nhanh chóng nhập cuộc lại với tâm lý sợ mất hàng.

Hay nói cách khác, không phải lúc nào cũng có cơ hội bắt đáy, cũng đồng nghĩa, sẽ có bộ phận các nhà đầu tư không phải mua để T3 là bán, mà có khuynh hướng giữ lại “làm của để dành”, kỳ vọng tăng nhiều hơn mới bán, ai cũng muốn gia tăng biên lợi nhuận trong đầu tư.

Về áp lực margin trong phiên 2 tỷ USD, tôi cho rằng, không ai dại dột full margin để mua trong phiên thị trường giảm sâu. Ghi nhận dòng tiền lớn vẫn nằm lại thị trường để quan sát chứ không hề rút ra, tiền trong tài khoản nhà đầu tư cá nhân cũng dồi dào, điều này cho thấy, chỉ cần có cơ hội họ sẽ sẵn sàng tham gia. Với đặc điểm này, áp lực xả hàng là không cao và thực tế đã chứng minh.

Về thông tin thị trường, đã được nhiều ý kiến chia sẻ, giới đầu tư quan sát và chờ đợi nhiều nhất về kết quả phòng chống dịch của TP.HCM, Bình Dương, số ca F0 có giảm xuống, kế hoạch mở cửa dần ra sao…, mới kích thích nhà đầu dám mạnh dạn giải ngân. Dòng tiền hiện nay phân hoá sang nhiều nhóm ngành khác và có tính chất dẫn dắt tâm lý nhà đầu tư nhiều hơn.

Ghi nhận thực tế, nhiều nhà đầu tư vẫn rất băn khoăn cho kịch bản thị trường về 1.200 điểm, khả năng này có xảy ra không, thưa ông?

Các chuyên gia, hay công ty chứng khoán dự báo về thị trường, họ đều có các mô hình dự báo, cơ sở dữ liệu và đây là một thông tin để nhà đầu tư tham khảo.

Việc đoán định chỉ số không phải là kim chỉ nam trong đầu tư. Còn thực tế, thị trường chứng khoán thú vị ở điểm là luôn có những vận động bất ngờ, theo lý lẽ riêng. Chính vì vậy, khó có ai dám chắc chắn 100% về việc đoán định chỉ số sẽ như thế nào, mà hầu như với nhà đầu tư chuyên nghiệp, lâu năm, họ chủ động trong mỗi kịch bản thị trường và quan trọng hơn cả là lựa chọn cổ phiếu.

Điểm số hiện nay hơn 1.300 điểm, giảm về 1.200 điểm, tương ứng VN-Index mất khoảng 9%, thì nhiều cổ phiếu có thể bị giảm 10 - 20%. Đây là mức sụt giảm cực lớn trong bối cảnh đa số cổ phiếu vừa trải qua một đợt điều chỉnh cũng khá mạnh, trong đó số nhiều đã và đang ở vùng giá tương đối hợp lý để đầu tư cho trung, dài hạn, tương ứng với mức PE quanh ngưỡng 15.

Thêm vào đó, tôi không thấy yếu tố nào quá tiêu cực để thị trường phải chịu thêm những phiên điều chỉnh mạnh như vậy... thậm chí, thông tin tích cực nhen nhóm xuất hiện trong thời gian tới, nhà đầu tư nên bình tĩnh, lựa chọn cổ phiếu tốt và canh điểm chỉnh để mua vào. Có chăng, thị trường có điều chỉnh, sẽ nhẹ nhàng như những phiên qua, trong xu hướng chưa rõ ràng, hoặc trong xu hướng tăng dù đã xác lập thì vẫn cần nhịp điều chỉnh để lành mạnh hoá thị trường.

Như đã nói ở trên, thị trường đang có sự hồi phục dần. Yếu tố ngắn hạn e ngại nhất là xả hàng bắt đáy phiên 2 tỷ USD đã vượt qua, giai đoạn ai muốn bán mạnh đều đã bán. Còn lại, các thông tin khác, kể cả vĩ mô chưa có thông tin mới nào theo hướng tiêu cực hơn, mọi thứ đều đã được thông tin, dự báo. Trong khi đó, với biện pháp mạnh mẽ trong việc kiểm soát dịch ở TP.HCM đang kỳ vọng có biến chuyển tốt hơn, là cơ sở để nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có thông tin tích cực trong thời gian tới.

Với nhận định về thị trường như trên, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội ở các nhóm ngành nào, thưa ông?

Nhà đầu tư có thể mạnh dạn giải ngân khi thị trường có phiên điều chỉnh để mua được cổ phiếu có hợp lý, cố gắng không bán tháo ở các phiên này vì không cần thiết và gây thiệt hại trên tài khoản.

Trong ngắn hạn, chứng khoán vẫn là ngành an tâm, nhà đầu tư có thể cân nhắc cổ phiếu của công ty chứng khoán có thương hiệu, tên tuổi, có báo cáo tài chính quý II tốt, luỹ kế bán niên có tốc độ tăng trưởng mạnh, tỷ suất lợi nhuận tốt.

Nhóm thứ 2 là ngân hàng – là trục chính, xương sống của nền kinh tế, dù hoạt động có chút ảnh hưởng khi áp dụng việc giảm lãi suất hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt qua mùa dịch, nhưng so với tất cả các ngành nghề khác thì ngân hàng vẫn đang hoạt động tốt, ổn định. Ngoài ra, vài tháng trước, các ngân hàng đều có đề xuất cấp thêm room tín dụng, tức nhu cầu cho vay của ngân hàng vẫn đang có.

Thứ ba là các cổ phiếu tốt ở các ngành may mặc, bất động sản khu công nghiệp, dầu khí và logistic - nhóm không thể dẫn dắt thị trường, nhưng cơ hội trong từng nhóm là có. Trong đó, ngành dầu khí đang tích cực với giá dầu có thể duy trì trên 70 USD/thùng, và kỳ vọng các hoạt động tái khởi động trở lại như đi lại, vận chuyển hàng hoá, du lịch, mỹ phẩm, nguyên vật liệu liên quan đến giá dầu… sẽ có tăng trưởng tốt.

Tin bài liên quan