Không có tư duy nhiệm kỳ trong cải thiện môi trường kinh doanh

Không có tư duy nhiệm kỳ trong cải thiện môi trường kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
Yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh được Chính phủ đặt mạnh hơn tại Nghị quyết 02/2021/NQ-CP, đòi hỏi các bộ, ngành phải vào cuộc thực chất, cho dù là nhiệm kỳ Chính phủ nào.

Điểm danh những mắt xích yếu

Cầm 3 trang Nghị quyết 02/2021/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) không hề cảm thấy nhẹ nhàng.

Nếu như so với 14 trang của Nghị quyết 02/2019/NQ-CP, 12 trang của Nghị quyết 02/2020/NQ-CP, so với hàng loạt chỉ tiêu, đầu việc cụ thể giao cho từng bộ, ngành trong các phiên bản trước, thì 5 nhiệm vụ mà Nghị quyết 02/2021/NQ-CP đặt ra dường như không quá áp lực. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cho rằng, không có bộ, ngành nào được nhắc đến và như vậy có thể giảm đi sức nóng cải cách.

“Nhiệm vụ không hề nhẹ hơn. Thậm chí, những phần việc khó nhất đã được chạm đến, cũng có nghĩa là, các bộ, ngành đã được giao nhiệm vụ đã được điểm danh lần nữa”, bà Thảo phân tích khi nhắc đến những nhóm chỉ số, chỉ tiêu mà Nghị quyết 02/2020/NQ-CP đã điểm danh. Đó là cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản doanh nghiệp, chất lượng quản lý đất đai…

Thực ra, các chỉ số này đã có mặt từ phiên bản đầu tiên của Nghị quyết 02 vào năm 2019 và cả những phiên bản trước đó của Nghị quyết 19, nhưng cũng là những chỉ số ít được cải thiện nhất, thậm chí còn giảm điểm trong vài năm qua.

Thử nhìn vào giai đoạn từ năm 2016 đến 2019 theo thời điểm công bố Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số đăng ký tài sản đã giảm từ thứ hạng 59 xuống 64/190. Chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp hầu như không có bước tiến đáng kể nào, lên xuống ở thứ hạng 122-133/190 trong 4 năm qua.

Ngay cả chỉ số có thứ hạng thuộc nhóm tốt nhất của Việt Nam là cấp phép xây dựng, cũng đang có chiều hướng giảm xuống. Đáng nói là, trong những báo cáo gần đây, các chuyên gia WB tiếp tục nhắc đến khoảng cách lớn giữa quy định và thực thi.

Nếu chỉ so sánh giữa lần công bố gần nhất (năm 2019) và năm trước đó, thì báo cáo xếp hạng Môi trường kinh doanh của WB đã tiếp tục nhắc đến 4 chỉ số giảm bậc và không có cải cách được ghi nhận, gồm đăng ký tài sản, bảo vệ nhà đầu tư, giao dịch thương mại qua biên giới và giải quyết tranh chấp hợp đồng.

Soi vào phần nhiệm vụ đã giao, được ghi rõ trong Nghị quyết 02/2019/NQ-CP, các bộ, ngành được điểm danh là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp…

“Môi trường kinh doanh của Việt Nam đang đứng thứ 5 trong ASEAN và cách khá xa so với Singapore, Maylaysia và Thái Lan, kém Brunei 4 bậc. Nhiệm vụ cải thiện là của tất cả bộ, ngành, nhưng nếu không gỡ được các mắt xích yếu nhất này, thì mục tiêu lọt Top 4 ASEAN về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh mà Nghị quyết 02/2019/NQ-CP đã đặt ra cho giai đoạn 2019-2021 thực sự khó khăn”, bà Thảo nói.

Sức ép từ các đánh giá độc lập

Cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, CIEM được nhắc tên trong phần tổ chức thực hiện, với yêu cầu tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 6 tháng 1 lần.

Đây là lý do bà Thảo và các cộng sự đã phải lên kế hoạch thực hiện ngay sau khi Nghị quyết được ban hành.

“Các vấn đề, vướng mắc đã được nhận diện, được ghi trong Nghị quyết, như chồng chéo trong quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng và tài nguyên, môi trường. Chúng tôi đang tính sẽ phải phân loại cụ thể vướng mắc nằm ở đâu, ở thông tư, nghị định hay văn bản luật nào. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ phối hợp với các chuyên gia của từng ngành, đề xuất phương án sửa đổi theo nguyên tắc làm rõ sửa gì, ở đâu, như thế nào…”, bà Thảo tiết lộ kế hoạch.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM (hiện là chuyên gia tư vấn trực tiếp cho hoạt động này) là người đề xuất phương án. Việc xử lý các vướng mắc của các nhóm chỉ số theo Báo cáo Môi trường kinh doanh của WB hay Chỉ số Năng lực cạnh tranh quốc gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cũng được đề xuất theo hướng này.

“Có thể, các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia không thể giải quyết tất cả vấn đề, nhưng khi chọn một vài điểm để nghiên cứu, đưa phương án rốt ráo, các bộ, ngành khác sẽ chịu áp lực phải thay đổi cách tư duy về quản lý nhà nước và hoàn toàn có thể thay đổi được. Chúng tôi có được bài học này từ việc phối hợp với các chuyên gia, doanh nghiệp trong thúc đẩy việc sửa đổi quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong 2 năm qua”, ông Cung nói.

Bài học mà ông Cung nhắc đến là những thay đổi mà Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích khi bãi bỏ hơn 90% thủ tục hành chính trong lĩnh vực này sau khi có sự tham gia đề xuất các phương án sửa đổi của CIEM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội doanh nghiệp. Khi đó, trong báo cáo đánh giá về pháp luật kinh doanh năm 2018, VCCI đã gọi sự thay đổi này là cuộc cách mạng trong quản lý nhà nước và việc sửa đổi văn bản này được đề nghị là hình mẫu cho việc sửa đổi các nghị định khác.

Trong cuộc họp báo công bố về nội dụng Nghị quyết 02/2021/NQ-CP, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng nhắc đến VCCI với nhiệm vụ đánh giá độc lập và công bố báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết 02, đồng thời đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Như vậy, trách nhiệm thực thi các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ của các bộ, ngành.

Dư địa cho bước cải cách tiếp theo

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Cung muốn nhấn mạnh một điểm mới mà ông cho là rất quan trọng của Nghị quyết 02/2021/NQ-CP.

Đó là nhiệm vụ không dừng lại ở các kế hoạch cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh như giai đoạn trước, mà là tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển tới của nền kinh tế, như chuyển đổi số, kinh tế số với các kế hoạch dài hơi. Ngay trong phần nhiệm vụ, Chính phủ cũng xác định rõ, có những chỉ tiêu khó cải thiện trong giai đoạn ngắn, cần có chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn và lộ trình thực hiện, như các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nghèo đa chiều… hay xây dựng cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững. Đặc biệt, yêu cầu phối hợp giữa các bộ, ngành trong thực hiện nhiệm vụ được đặt thành mục riêng.

“Nghĩa là, yêu cầu cải cách đang được đặt mạnh hơn, đòi hỏi các bộ, ngành vào cuộc thực chất, với tâm thế là phải thay đổi, không có cách nào khác. Điều này cũng có nghĩa là, dư địa cải cách đang mở rộng với nhiệm kỳ Chính phủ mới, bắt đầu ngay từ các công việc hiện tại”, ông Cung phân tích.

Cũng phải nhắc lại, tại Nghị quyết 02/2021/NQ-CP, Chính phủ đã xác định rõ, năm 2021 có ý nghĩa quan trọng đối với cải cách và phát triển kinh tế - xã hội nước ta; là năm đầu thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025; là năm đẩy mạnh phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Thành công của năm 2021 về cải cách và phát triển kinh tế - xã hội sẽ tạo tiền đề và khích lệ mạnh mẽ cho các năm tiếp theo.

Tin bài liên quan