Theo ông, vì sao lãi suất trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất tiền gửi ngân hàng chênh lệch quá lớn như hiện nay?
TS. Phan Phương Nam. |
Đánh giá về khả năng sinh lời thì lãi suất ngân hàng thông thường sẽ thấp hơn các kênh huy động vốn khác. Bởi lẽ, ngân hàng nói riêng và tổ chức tín dụng nói chung chỉ là trung gian tài chính, chứ không phải doanh nghiệp trực tiếp huy động vốn để sản xuất - kinh doanh.
Nếu lãi suất cho vay cao thì ngân hàng khó có thể cho vay và sẽ bị ứ đọng vốn. Mặt khác, ngân hàng cần phải đảm bảo nhiều quy định như trích lập các quỹ/khoản dự phòng, gửi dự trữ bắt buộc tại Ngân hàng Nhà nước…, do đó, lãi suất tiền gửi cũng không thể cao.
Trong khi đó, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đa số là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.
Pháp luật hiện hành không điều chỉnh nhiều đối với hoạt động huy động vốn trái phiếu của doanh nghiệp, lãi suất trái phiếu do doanh nghiệp quyết định. Để tăng khả năng huy động vốn thành công, không ít doanh nghiệp huy động trái phiếu với mức lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng 2 - 3 lần.
Lãi suất trái phiếu cao, rủi ro cũng cao theo. Ông có thể phân tích cơ chế hình thành rủi ro?
So sánh tính an toàn đồng vốn thì gửi tiền tại ngân hàng sẽ an toàn hơn, vì tiền của cá nhân được bảo hiểm tiền gửi. Trong khi đó, ngân hàng hoạt động cấp tín dụng trên số tiền huy động phải đảm bảo các chỉ số an toàn theo quy định và tuân thủ các nguyên tắc cấp tín dụng nên khó bị mất khả năng thu hồi vốn. Giả sử ngân hàng “lâm nguy” thì Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát đặc biệt để hỗ trợ khôi phục kinh doanh, giảm thiểu khả năng bị phá sản.
Ngược lại, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn nợ theo hai loại: phát hành trái phiếu ra công chúng và phát hành trái phiếu riêng lẻ. Trong đó, phát hành ra công chúng có sự giám sát tương đối cơ bản từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Đồng thời, nhà đầu tư có nhiều cơ sở như bản cáo bạch của doanh nghiệp để đọc và phân tích cơ hội, khả năng của dự án thu hút vốn đầu tư.
Đối với chào bán trái phiếu riêng lẻ của các công ty chưa đại chúng thì thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, những nội dung quy định và kiểm soát hoạt động này hầu như còn lỏng lẻo nên khả năng nhà đầu tư bị lừa dối, qua mặt trong việc sử dụng vốn là hoàn toàn có.
Đồng thời, với tính “trách nhiệm hữu hạn” của các doanh nghiệp phát hành, người mua trái phiếu sẽ gặp rủi ro cao hơn, vì nếu doanh nghiệp phá sản, việc xử lý tài sản sẽ theo pháp luật về phá sản, khả năng thu hồi vốn của nhà đầu tư rất thấp.
Nhà đầu tư có khẩu vị đầu tư mạo hiểm cần lưu ý điều gì nếu muốn hưởng lãi suất cao từ trái phiếu doanh nghiệp?
Nhà đầu tư cần xác định không có câu chuyện “hàng ngon mà giá siêu rẻ”. Nếu doanh nghiệp có dự án tốt và có tài sản bảo đảm thì việc đi vay thông qua phát hành trái phiếu sẽ ít và lãi suất không cao, hoặc doanh nghiệp chuyển sang vay ngân hàng. Với trái phiếu lãi suất cao, nhà đầu tư cần phân tích thị trường, phân tích hồ sơ doanh nghiệp để đánh giá tình hình tài chính, khả năng chi trả nợ…
Có ý kiến cho rằng, quy định cấm nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp mua trái phiếu riêng lẻ, doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ không được quảng cáo công khai... đang “siết” thị trường trái phiếu. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Pháp luật không cho phép nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp tham gia mua trái phiếu riêng lẻ xuất phát từ góc độ bảo vệ nhà đầu tư.
Bởi lẽ, chào bán riêng lẻ sẽ thực hiện theo quy trình đơn giản hơn chào bán ra công chúng và thông tin doanh nghiệp hạn chế hơn, nếu để nhà đầu tư không chuyên nghiệp tham gia thì những nhà đầu tư này có thể đánh giá sai lầm, bị lừa dối và bị thua lỗ.
Tuy nhiên, tôi nghĩ Nhà nước nên quản lý theo hướng công bố thông tin minh bạch, buộc các tổ chức phát hành phải cung cấp đầy đủ thông tin, nhà đầu tư nào cũng có thể tiếp cận thông tin và thực hiện hoạt động đầu tư, tức bỏ quy định phát hành trái phiếu riêng lẻ không được quảng cáo công khai.
Việc này giúp nhà đầu tư có nhiều cơ hội đầu tư hơn, còn doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn từ nhiều nhà đầu tư, vì đôi khi chỉ cần số lượng vốn nhất định từ nhà đầu tư không chuyên nghiệp cũng có thể triển khai kế hoạch kinh doanh.
Các quỹ đầu tư có thêm cơ hội phát triển, vì các nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp nhận thấy rủi ro sẽ không tự mình đầu tư trái phiếu, mà tham gia vào quỹ để đảm bảo sự an toàn cho đồng vốn…
Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là phải hoàn thiện về cơ chế kiểm tra, giám sát của các chủ thể trên thị trường sơ cấp như Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, tính trách nhiệm từ các bộ phận hỗ trợ như kiểm toán, tư vấn phát hành..., xử lý nghiêm minh và hiệu quả các hành vi vi phạm để vừa bảo vệ nhà đầu tư vừa đảm bảo sự an toàn, chuyên nghiệp của thị trường vốn.