Tỷ giá USD/VND được dự báo ổn định ở mức 23.175-23.190 đồng/USD trong tháng 9

Tỷ giá USD/VND được dự báo ổn định ở mức 23.175-23.190 đồng/USD trong tháng 9

Không có lý do thay đổi tỷ giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước không cần thay đổi tỷ giá ở thời điểm hiện tại khi dự trữ ngoại hối vẫn ở mức cao, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, lãi suất USD còn ổn định ở mức thấp…

Áp lực VND được giải tỏa

Đề cập đến vấn đề tỷ giá, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB cho rằng, cần đánh giá trong tổng thể kinh tế vĩ mô hiện nay khi cán cân thanh toán, cán cân xuất nhập khẩu đang rất tích cực.

Ghi nhận trên thị trường, nguồn cung ngoại tệ trong tháng 8 ở mức rất dồi dào, chủ yếu nhờ diễn biến tích cực của hoạt động xuất nhập khẩu. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8 đạt khoảng 26,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước khi Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm mới Note 20 ra thị trường thế giới. Trong khi đó, nhập khẩu tăng chậm hơn, đạt khoảng 23 tỷ USD, đưa cán cân thương mại thặng dư ở mức kỷ lục khoảng 3,5 tỷ USD.

Ông Nguyễn Đức Hiếu, Phó tổng giám đốc SCB phân tích, là quốc gia gia công, Việt Nam giảm xuất khẩu cũng sẽ đồng thời giảm nhập khẩu, nhưng nông sản đang xuất khẩu rất tốt nên tổng thể vẫn thặng dư. Bên cạnh đó, luồng tiền vẫn có xu hướng chảy vào Việt Nam trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên thế giới bơm tiền và Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Ảnh tác giả

Ngân hàng Nhà nước không cần thay đổi tỷ giá bởi cho dù VND có thể mạnh lên, nhưng cơ quan này vẫn phải mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, hỗ trợ phần nào cho việc giảm thêm lãi suất VND

Ông Nguyễn Đức Hiếu, Phó tổng giám đốc SCB

Báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2020 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố cho biết, Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản đã công bố danh sách 15 doanh nghiệp Nhật Bản sẽ chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, phần lớn trong đó sản xuất thiết bị y tế và còn lại là sản xuất thiết bị bán dẫn, linh kiện điện thoại, máy điều hòa không khí hoặc mô-đun nguồn.

Ngoài yếu tố thuận lợi đến từ trong nước, áp lực từ môi trường quốc tế lên tỷ giá hiện cũng ở mức thấp. Theo các chuyên gia phân tích của BIDV, tuy đã có những lo ngại nhất định về làn sóng bùng phát thứ 2 của dịch Covid-19 hay căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung, nhưng tâm lý chủ đạo trên thị trường vẫn lạc quan vào khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, cũng như triển vọng sớm điều chế thành công
vắc-xin vào cuối năm nay. Do vậy, sự suy yếu của USD tiếp tục là yếu tố chính dẫn dắt thị trường trong tháng 8 vừa qua.

Thực tế, tính đến cuối tháng 8, chỉ số đo lường giá trị USD (DXY) đã giảm khoảng 1,5% xuống sát mức 92. Nguyên nhân được đưa ra là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chuyển mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ từ việc dựa trên một mục tiêu “cứng” về lạm phát (2%) sang một cơ chế linh hoạt hơn là “mức lạm phát trung bình”. Điều này khiến Fed có thể phải duy trì trạng thái nới lỏng tiền tệ trong một thời gian dài, kể cả khi lạm phát vượt lên trên 2%. Vì thế, hầu hết các đồng tiền chính đều tăng giá trong tháng 8 như EUR (+1,5%), JPY (+2,36%), CNY (+1,9%), KRW (+0,39%)…

“Ước tính, cân đối cung - cầu ngoại tệ thuận lợi đã giúp Ngân hàng Nhà nước mua được khoảng 3,5 tỷ USD từ các ngân hàng thương mại trong tháng 8 - mức cao nhất kể từ đầu tháng 1/2020”, một lãnh đạo cao cấp BIDV chia sẻ.

Thay đổi tỷ giá để làm gì?

Ông Lê Quang Trung tính toán, mỗi tháng Việt Nam nhập khẩu khoảng 21 tỷ USD, chia ra mỗi tuần vào khoảng 5 tỷ USD. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nếu quốc gia nào có quy mô dự trữ ngoại hối tương đương 12-14 tuần nhập khẩu thì quốc gia đó sẽ được coi là đủ dự trữ ngoại hối. Như vậy, dự trữ ngoại hối cho 14 tuần nhập khẩu của Việt Nam tối thiểu phải là 70 tỷ USD. Vì thế, mức dự trữ khoảng 92 tỷ USD hiện tại và dự kiến đạt con số 100 tỷ USD thời gian tới là phù hợp với thực tế, đồng thời cho thấy đây là mục đích chính đáng, chứ không phải bóp méo giá trị của VND.

Ở góc độ thị trường, ông Nguyễn Đức Hiếu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước không cần thay đổi tỷ giá bởi cho dù VND có thể mạnh lên, nhưng cơ quan này vẫn phải mua ngoại tệ nhằm tăng dự trữ ngoại hối, hỗ trợ phần nào cho việc giảm thêm lãi suất VND.

Không có lý do thay đổi tỷ giá còn bởi lãi suất USD các kỳ hạn qua đêm - 1 tuần có xu hướng đi ngang ở mức thấp 0,1-0,3%/năm. Giá trị giao dịch bình quân phiên trong tháng 8 đạt khoảng 27.000 tỷ đồng, tăng khoảng 4% so với mức bình quân của tháng trước và cao hơn khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Các giao dịch vẫn tập trung chủ yếu ở kỳ hạn qua đêm - 1 tuần (chiếm khoảng 90% tổng khối lượng giao dịch).

Các yếu tố tác động lên USD có xu hướng hỗ trợ sự ổn định của mặt bằng lãi suất. Cụ thể, lãi suất LIBOR USD trên thị trường quốc tế duy trì đi ngang ở mức thấp với kỳ hạn qua đêm - 1 tháng quanh mức 0-0,18%/năm. Trong khi đó, thanh khoản USD trong nước trong trạng thái dồi dào khi chênh lệch huy động - cho vay USD vẫn duy trì ở mức cao nhất trong nhiều năm qua.

“Dự kiến trong tháng 9, thanh khoản USD liên ngân hàng sẽ duy trì xu hướng ổn định với lãi suất bình quân quanh mức 0,1-0,3%/năm kỳ hạn qua đêm - 1 tuần và 0,8-1/năm kỳ hạn 3 tháng khi các yếu tố tác động nhìn chung chưa có nhiều thay đổi so với tháng trước”, một lãnh đạo cấp cao BIDV dự báo.

Cũng theo vị lãnh đạo này, trong tháng 9, tỷ giá USD/VND được dự báo duy trì đà ổn định, dao động trong biên độ 23.175-23.190 đồng/USD. Yếu tố hỗ trợ quan trọng nhất cho tỷ giá vẫn sẽ là diễn biến thuận lợi của nguồn cung ngoại tệ trong nước từ các cấu phần chính là xuất nhập khẩu và giải ngân vốn FDI.

“Theo đó, cân đối cung cầu ngoại tệ dự báo tiếp tục thặng dư khoảng 1,5-2 tỷ USD, tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước bổ sung thêm khoảng 1 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Ngoài ra, xu hướng suy yếu của USD do tâm lý e ngại rủi ro giảm bớt và quan điểm duy trì nới lỏng dài hạn của Fed cũng giúp cởi bỏ áp lực đối với VND thời gian tới”, vị này nói.

Liên quan đến vấn đề tỷ giá, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng ADB cho rằng, ngoại trừ một đợt biến động ngắn vào đầu tháng 4/2020, giá trị VND trong năm nay duy trì ổn định do USD suy yếu và thặng dư thương mại của Việt Nam mở rộng vì nhu cầu nhập khẩu trong nước thấp hơn.

“Nhận định được đưa ra dựa trên các số liệu kinh tế như thặng dư thương mại hay tỷ giá giữa VND và USD hiện ở mức chênh lệch rất nhỏ 0,01%”, ông Cường chia sẻ thêm.

Còn ông Trung cho rằng, VND sẽ ổn định trong ngắn hạn dựa vào các yếu tố: Việt Nam vẫn xuất siêu, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế dương và có nhiều cơ hội tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu…

“Những yếu tố trên sẽ giúp VND tiếp tục ổn định trong ngắn hạn”, ông Trung nhấn mạnh.

Tin bài liên quan