Tại Toạ đàm Sự vươn lên của thị trường chứng khoán Việt Nam hậu Covid-19 do tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức sáng nay 21/10, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) chia sẻ, 2020 là một năm đầy biến động, chúng ta đã chứng kiến thời điểm thị trường tăng, giảm mạnh đặc biệt trong quý I do ảnh hưởng của Coivd 19. VN-Index giảm 33% trong quý I/2020.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam có sự phục hồi tốt với màn biểu diễn tích cực hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
“Chúng ta gần như đã lấy lại những gì đã mất từ đầu năm. Vốn hóa thị trường đạt 71,3% GDP”, bà Bình cho biết.
Đáng chú ý, đà leo dốc của thị trường nhận được lực đẩy tích cực từ dòng tiền nội địa, nhất là lớp nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Trong tháng 9 có 31.418 tài khoản chứng khoán của các nhà đầu tư cá nhân được mở mới, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 đạt 252.026 tài khoản, cao hơn 34% lượng tài khoản mở mới của cả năm 2019 (180.000 tài khoản).
Số lượng tài khoản tăng kéo theo giao dịch tăng khiến thị trường ngày càng trở nên sôi động. Khối lượng giao dịch trung bình trên 2 sàn HOSE và HNX trong 2 quý II và III tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các diễn giả trao đổi tại Tọa đàm |
Đứng trước câu hỏi đặt ra về việc liệu nhóm nhà đầu tư F0 sẽ chịu nhiều rủi ro do thiếu kinh nghiệm, kiến thức về đầu tư chứng khoán, quan điểm chung của một số chuyên gia chứng khoán và nhà quản lý là không cần quá lo ngại.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phòng phát triển năng lực đầu tư CTCP Chứng khoán VPS chia sẻ, qua trao đổi với nhiều nhà đầu tư, có thể nhận thấy đa phần đều muốn gắn bó lâu dài với thị trường, nhất là trong bối cảnh các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn, lãi suất duy trì ở mức thấp.
Số lượng các nhà đầu tư mới gia tăng nhưng dư địa tăng trưởng của thị trường còn lớn. Định giá của các cổ phiếu trên thị trường còn thấp, P/E thị trường vào khoảng 16, mức tăng trưởng chưa quá nóng.
Bên cạnh đó, theo ông Khánh, thị trường Việt Nam đang theo đà leo dốc khá bền vững. Dòng tiền tăng trưởng luân phiên, ngoài ngân hàng còn ngành sản xuất vật liệu, nhóm tiêu dùng… Vẫn có nhiều cổ phiếu đang điều chỉnh.
“Từ góc nhìn của tôi, thị trường chưa nóng và gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư. Tất nhiên, nhà đầu tư vẫn cần cẩn trọng, lựa chọn những cổ phiếu cơ bản…”, ông Khánh cho biết.
Mục tiêu số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt mức 3% dân số mới gần đạt được trong năm nay.
Cùng chung quan điểm, ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ, tại đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng để năm 2025, mục tiêu số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt mức 3% dân số. Đến năm 2025, con số này được nâng lên 5% dân số.
Theo đó, tới nay, mục tiêu số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt mức 3% dân số mới gần đạt được trong năm nay. So sánh với nhiều quốc gia khác trên toàn cầu, tỷ lệ nhà đầu tư tại Việt Nam còn rất thấp, chẳng hạn tại Mỹ, 51% dân số có tài khoản đầu tư. Tại các quốc gia ASEAN như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, tỷ lệ dân số có tài khoản giao dịch chứng khoán đều trên 20%. Trong khi đó, tại Trung Quốc, theo số liệu năm 2015, 15% dân số có tài khoản chứng khoán.
“Lượng nhà đầu tư tuy có gia tăng, nhưng so với dân số vẫn rất thấp. Bên cạnh đó, số lượng gần 3% tham gia thị trường này là những người tương đối có khả năng chịu rủi ro. Mà yếu tố đánh giá nhà đầu tư chuyên nghiệp chính là ở khả năng nhận định và chịu đựng được rủi ro”, ông Hải nói và cho biết, định hướng của cơ quan quản lý là sẽ dần cơ cấu lại lực lượng đầu tư, phân bố một cách hợp lý. Chẳng hạn, một số mảng thị trường chỉ cho phép các nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia (phát hành trái phiếu riêng lẻ…).