Không cần “ngắt mạch”, nhưng cần chính sách hút vốn ngoại trở lại

Không cần “ngắt mạch”, nhưng cần chính sách hút vốn ngoại trở lại

(ĐTCK) Ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KBSV cho rằng, TTCK Việt Nam không cần “ngắt mạch”, không cần điều chỉnh biên độ, nhưng cần các chính sách thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại và thúc đẩy thanh khoản.

TTCK đã có phiền hồi phục nhưng xu hướng chung vẫn tiêu cực khi dòng tiền lớn chưa vào cuộc. Theo ông, kịch bản tiếp theo sẽ như thế nào?

TTCK toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng đang trong giai đoạn biến động mạnh dưới ảnh hưởng bởi các thông tin trái chiều liên quan đến dịch Covid-19 và các gói kích thích của các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Hiện tại, khi nhà đầu tư chưa lượng hóa được hết những tác động tới thị trường của dịch bệnh lần này thì tâm lý nhìn chung sẽ còn thận trọng.

Mặc dù vậy, tôi có niềm tin vào triển vọng hồi phục của nền kinh tế Việt Nam trong trung, dài hạn. Về TTCK, sau nhịp giảm điểm sâu này, thị trường có cơ hội hồi phục khi có nhiều hơn các thông tin hỗ trợ liên quan đến tình hình dịch bệnh lắng xuống, hay tác động tích cực từ các gói kích thích kinh tế của các ngân hàng trung ương…

Từ thị trường Mỹ đến các thị trường châu Á cũng đã áp dụng cơ chế “rút phích” để ngăn đà giảm quá mạnh. Tại TTCK Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã khẳng định sẽ không áp dụng đến biện pháp này khi còn cung, còn cầu, còn thanh khoản. Vậy theo ông, đâu là những “can thiệp” phù hợp đối với TTCK nếu thị trường giảm quá sâu?

Tôi đánh giá cao và hoàn toàn ủng hộ việc UBCK không sử dụng biện phát “ngắt mạch” ở thời điểm hiện tại, tôn trọng yếu tố cung/cầu của thị trường.

TTCK Việt Nam đang áp dụng cơ chế giao dịch trong biên độ trần/sàn và các biện pháp can thiệp khác là không cần thiết.

Không cần “ngắt mạch”, nhưng cần chính sách hút vốn ngoại trở lại ảnh 1

Ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KBSV.

Bên cạnh đó, việc Bộ Tài chính thông qua việc miễn/giảm 15 loại phí giao dịch cũng là động thái hỗ trợ kịp thời.

Dĩ nhiên, chúng ta còn nhiều biện pháp hỗ trợ khác có thể áp dụng, nhưng sẽ cần nhiều thời gian hơn để đưa vào thực tiễn như việc cho phép bán chứng khoán chờ về, giao dịch T+0, hay nới lỏng các quy định cho vay ký quỹ, đặc biệt đối với các cổ phiếu đạt tiêu chuẩn đang niêm yết trên sàn UPCoM…

Gần 20 năm hoạt động của TTCK, đã có 10 lần cơ quan quản lý phải áp dụng biện pháp giảm biên độ. Riêng năm 2008, có 4 lần thay đổi biên độ giao dịch, trong đó có một lần giảm mạnh từ +/-5% xuống +/-1%, và 3 lần tăng để đưa biên độ giao dịch trở lại mức ban đầu. Ông nghĩ gì về giải pháp này trong tình hình hiện nay?

Bối cảnh TTCK Việt Nam hiện tại so với giai đoạn năm 2008 là hoàn toàn khác nhau. TTCK Việt Nam hiện nay đã chuyên nghiệp hơn, được hỗ trợ bởi nền tảng vững vàng của nền kinh tế, sức khỏe tài chính doanh nghiệp lành mạnh, dòng tiền đầu tư ổn định và mang tính dài hạn hơn. Theo đó, tôi cho rằng biên độ +-7% hiện tại là hoàn toàn phù hợp và không cần thiết phải điều chỉnh. 

Nếu đề xuất các biện pháp hỗ trợ và giúp thị trường không bị rơi tự do, theo ông, cần những biện pháp nào, cả về mặt kỹ thuật lẫn chính sách?

Một mặt, chúng ta cần tôn trọng yếu tố cung/cầu của thị trường và tránh sử dụng các chính sách mang tính hành chính để can thiệp, có thể dẫn đến các phản ứng tiêu cực từ cả nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế.

Mặt khác, cơ chế trần sàn +-7% hiện tại là đủ để ổn định tâm lý nhà đầu tư, hạn chế hoạt động bán tháo bằng mọi giá.

Việc TTCK Việt Nam lao dốc trong thời gian vừa qua, tương đồng với diễn biến các TTCK trong khu vực, đến từ lý do khách quan và không có nhiều động thái chúng ta có thể can thiệp về mặt kỹ thuật.

Mặc dù vậy, về mặt chính sách, để phát triển thị trường trong trung và dài hạn, tôi kỳ vọng Chính phủ sớm có các chính sách để hỗ trợ dòng vốn ngoại quay trở lại thị trường, như đẩy mạnh tiến trình nới room, phát triển sản phẩm NVDR, hay cho phép nhà đầu tư ký quỹ bằng tài sản (tiền, trái phiếu, cổ phiếu) ở thời điểm đặt lệnh, thay vì yêu cầu phải có đủ 100% tiền mặt như ở thời điểm hiện tại…

Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường cần được thúc đẩy thông qua việc cho phép bán chứng khoán chờ về hay triển khai giao dịch T+0.

TTCK đang trải qua một tháng 3 đầy mất mát. Góc nhìn của KBSV đối với TTCK trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Trong ngắn hạn, chúng tôi vẫn tiếp tục thận trọng với xu hướng thị trường khi diễn biến của dịch Covid-19 còn nhiều phức tạp.

Tuy nhiên, sau giai đoạn lao dốc mang tính lịch sử khiến nhiều nhóm cổ phiếu đã rơi vào vùng giá hấp dẫn, tôi cho rằng, trong trung hạn, thị trường sẽ dần quay lại diễn biến ổn định hơn khi mà nhiều dòng tiền đang chờ đợi thời điểm giải ngân, quay lại thị trường.

Trong thời gian tới, thay vì tập trung vào các biến động ngắn hạn, nhà đầu tư nên tìm kiếm các cơ hội đầu tư trung/dài hạn ở các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản vững mạnh, với mức giá ở vùng biên an toàn đủ hấp dẫn. 

Tin bài liên quan