Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khởi tố vụ án làm giả chứng thư lừa chiếm đoạt 1.500 tỷ tiền ngân hàng

Từ tháng 7/2011 đến 3/2012, Ngô Quang Đạo và Phạm Thị Thu Dung đã sử dụng 85 chứng thư bảo lãnh thanh toán giả của các ngân hàng để nhận của Chi nhánh PETEC Hà Nội và Chi nhánh PETEC Thái Bình 76 triệu lít xăng dầu.

Ngày 16/10, cơ quan tố tụng đã bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự; quyết định khởi tố bị can và gia hạn tạm giam đối với Ngôc Quang Đạo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Vũ Anh (Công ty Vũ Anh) trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức".

Liên quan đến vụ án này còn có: Phạm Thị Thu Dung, Trần Quang Viên và Hoàng Minh Doan.

Kết quả điều tra ban đầu của cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cho thấy: Ngoài việc thành lập Công ty Vũ Anh, Ngô Quang Đạo còn thành lập thêm 3 công ty và nhận chuyển nhượng Công ty cổ phần Dầu khí và Chất đốt miền Bắc của vợ chồng Phạm Thị Thu Dung nhằm hỗ trợ cho việc mua hàng của các chi nhánh thuộc Tổng Công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư PETEC (thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam).

Từ tháng 7/2011 đến tháng 3/2012, Ngô Quang Đạo và Phạm Thị Thu Dung đã sử dụng 85 chứng thư bảo lãnh thanh toán giả của các ngân hàng để nhận của Chi nhánh PETEC Hà Nội và Chi nhánh PETEC Thái Bình hơn 76 triệu lít xăng dầu, trị giá hơn 1.500 tỷ đồng.

Đến nay, Ngô Quang Đạo còn nợ quá hạn và mất khả năng thanh toán hơn 494 tỷ đồng. Để có được số chứng thư bảo lãnh giả của một số ngân hàng, Ngô Quang Đạo và Phạm Thị Thu Dung đã chỉ đạo một số cá nhân sử dụng máy tính để tạo dựng nội dung, hình thức các chứng thư giống với mẫu chứng thư thật, ký giả chữ ký của giám đốc các ngân hàng và in màu hình con dấu, dấu tên chức danh vào văn bản. Việc làm chứng thư bảo lãnh có sự giúp sức của Trần Quang Viên và Hoàng Văn Vang.

Ngoài ra, Phạm Thị Thu Dung còn khai đã nhờ giám đốc chi nhánh của 2 ngân hàng cấp 7 chứng thư bảo lãnh thanh toán khống để mua xăng dầu tại các chi nhánh PETEC...

Trong một vụ án khác, mới đây, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã đưa 26 bị can, trong đó 12 đối tượng là giám đốc, phó giám đốc; 2 đối tượng là cán bộ ngân hàng phải ra xét xử và tuyên phạt mức án từ 18 tháng đến 15 năm tù; trong đó có Vũ Xuân Nghiệp, nguyên Giám đốc Công ty Xây dựng thương mại dịch vụ Nghiệp Phát; Lê Nho Diễn, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Vạn Gia Phát; Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Giám đốc Công ty CP Du lịch Lộc Bình; Trương Công Dũng, nguyên cán bộ Ngân hàng HSBC và Lê Thanh Phong nguyên Trưởng phòng Giao dịch Tân Bình, chi nhánh Bạch Đằng thuộc Ngân hàng TMCP Gia Định.

Tổng giá trị tiền trên các giấy giả bảo lãnh và xác nhận số dư là 405 tỷ đồng, trong đó, số tiền mà 3 doanh nghiệp bị chiếm đoạt dưới hình thức ký hợp đồng mua bán sắt thép là hơn 16 tỷ đồng.

Trong hai trường hợp này, cần sự cảnh giác của các doanh nghiệp. Tốt nhất, các chứng thư bảo lãnh cần được kiểm tra, thẩm định lại từ đơn vị phát hành; qua đó, mới kịp thời phát hiện chứng thư bảo lãnh giả để tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp và uy tín của ngân hàng.

Vụ án Trương Công Dũng, nguyên cán bộ Ngân hàng HSBC cùng một số đối tượng cấu kết làm chứng thư bảo lãnh giả đang chuẩn bị khép lại bằng phiên tòa sơ thẩm; thì lại có một vụ án khác, với mức độ thiệt hại không nhỏ, đang được cơ quan tiến hành tố tụng khẩn trương điều tra, kết luận để đưa các bị can ra truy tố trước pháp luật. Phải chăng, đã có kẽ hở pháp luật trong việc cấp chứng thư bảo lãnh giả. Câu trả lời là không. Vấn đề ở chỗ, các doanh nghiệp cần cảnh giác, thẩm định thông tin trước khi chấp nhận chứng thư bảo lãnh trong giao dịch mua bán với đối tác.