Cần nhất chính sách thúc đẩy sự trở lại
Sự năng động của doanh nghiệp Việt là rất rõ rệt. Dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, nhưng không vì thế các doanh nghiệp “ngồi im”. Ðã có nhiều sáng kiến “rất Việt Nam” tỏ ra hiệu quả trong giai đoạn dịch bệnh.
Chẳng hạn, có doanh nghiệp nông nghiệp tổ chức cho người lao động làm việc ở cơ sở trang trại nào thì cách ly luôn tại đó, không giao dịch với các khu vực khác; có doanh nghiệp thiết kế, bố trí hệ thống sát khuẩn tự động áp dụng không chỉ với người lao động mà cả xe cộ ra vào công ty; có nơi bố trí ký túc xá tập trung cho công nhân và thậm chí cả gia đình họ nếu có nhu cầu muốn chuyển đến ở trong ký túc xá để dễ kiểm soát y tế...
Các giải pháp có tính sáng tạo và rất điển hình này đã nối liền các chuỗi sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và xua tan lo ngại về sự đứt gãy, mất việc làm, thậm chí còn tiếp lửa cho người lao động ở nhiều doanh nghiệp có thêm động lực để làm việc hiệu quả hơn.
Nhưng chắc hẳn không phải tất cả doanh nghiệp đều có thể tổ chức lại sản xuất như vậy. Có những ngành, những lĩnh vực buộc phải đóng cửa.
Lúc này, doanh nghiệp rất cần tiền, dòng tiền là dòng máu hoạt động của cơ thể doanh nghiệp, tuy nhiên, có lẽ họ hiểu, với nguồn lực hạn hẹp của đất nước, đề nghị này là khó khả thi.
“Ðói thì đầu gối phải bò, không bò sẽ chết”. Những doanh nghiệp không "bò" được như Vietravel thì đang mong ngóng được "trợ thở". Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel chia sẻ, nếu các chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành được thực thi nhanh chóng, triệt để, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp được cứu kịp thời.
Ðây cũng là tâm tư chung của gần 400 lãnh đạo doanh nghiệp được tổng hợp trong cuộc khảo sát gần đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân.
Thay vì các chính sách hỗ trợ khi doanh nghiệp đã “kiệt quệ” và đổ vỡ, họ mong Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 được sửa đổi, bổ sung theo hướng có những chính sách giúp cho doanh nghiệp giữ được dòng vốn trong lúc khó khăn để duy trì sản xuất - kinh doanh, đồng thời duy trì việc làm cho người lao động.
Ðơn cử, doanh nghiệp cần được hoãn nộp một số khoản như bảo hiểm tự nguyện, tiền đóng quỹ hưu trí và tử tuất hay phí công đoàn trong vòng 12 tháng, thay cho chính sách vừa ban hành là người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không quá 12 tháng nếu vì dịch bệnh mà doanh nghiệp phải cắt giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên.
Ðánh giá tác động của đại dịch Covid-19 được tính bằng cấp số nhân, chứ không phải cấp số cộng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 hay dịch SARS năm 2003, nhưng tinh thần vững vàng chống chịu của doanh nghiệp Việt có sự cải thiện rõ rệt.
Nhiều doanh nghiệp lựa chọn giải pháp giảm giờ làm, giảm lương, nhưng vẫn duy trì số lượng lao động để cùng người lao động chung sức vượt qua thời gian khó khăn.
Sự thay đổi về nhận thức của các chủ doanh nghiệp trước vấn đề bảo vệ người lao động, theo đánh giá của các chuyên gia Navigos Group cho thấy có sự chuyển biến trong tâm lý coi trọng sự phát triển bền vững.
Còn nói như ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc NS BlueScope Việt Nam, bên cạnh cạnh tranh về công nghệ và tài chính, nguồn nhân lực chính là át chủ bài để một doanh nghiệp hồi phục nhanh hay chậm sau đại dịch.
Ðây có lẽ cũng là tầm nhìn mà Tập đoàn Vingroup tuyển dụng mới các nhân sự xuất sắc ngay trong dịch và duy trì chính sách lương, thưởng với các cán bộ cấp trung trở lên để giữ người.
Các giải pháp mạnh và đồng bộ hơn trong mục tiêu chống suy thoái doanh nghiệp, chống thất nghiệp và kiểm soát chặt chẽ khâu tổ chức thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp là mong mỏi chung của cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BRG nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là làm thế nào để thúc đẩy các dự án nhanh chóng khởi công nhằm sẵn sàng đón đầu cơ hội tăng trưởng trở lại.
Cụ thể, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về cấp phép, nghiệm thu, thanh tra, kiểm tra các dự án; giãn các kế hoạch kiểm tra, thanh quyết toán bao gồm cả kế hoạch quyết toán thuế để các doanh nghiệp có thời gian bình ổn hoạt động…
Ðây chính là những cú huých cho nền kinh tế, nhất là với những chủ đầu tư đã chứng minh được năng lực tài chính.
Tái cấu trúc cho một tầm nhìn dài hạn
Ngay từ đầu dịch, IvyPrep Education đã đàm phán hoãn thanh toán, giảm chi phí thuê mặt bằng và đóng cửa các cơ sở không thể thương lượng về chi phí thuê; chuyển ngay sang cung cấp chương trình học trực tuyến và tối ưu hoá các lớp học...
Nhiều doanh nghiệp đã phải “tự bò” bằng cách chuyển hướng kinh doanh, giảm giá thành sản phẩm đi đôi với việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến quy trình tăng hiệu quả sản xuất.
Từ những doanh nghiệp lớn như BRG, theo bà Nguyễn Thị Nga, đây là cơ hội để hoàn thiện công tác quản trị bộ máy từ Tập đoàn đến các công ty thành viên.
Khi doanh nghiệp phát triển nóng và nhanh, bộ máy thường “phình” theo và để đáp ứng kết quả kinh doanh đặt ra, doanh nghiệp đôi khi phải chấp nhận điều này.
Nhưng nay, doanh nghiệp có cơ hội đánh giá, điều chỉnh, sắp xếp và tinh gọn lại, áp dụng những thành tựu quản trị mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để mô hình vận hành hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nafoods Group cho rằng, dịch bệnh Covid-19 trở thành chất xúc tác đẩy nhanh tái cấu trúc mô hình quản trị theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, năng lực quản trị được nâng cao.
“Ðây là thời điểm chúng tôi phải tập trung đẩy mạnh số hoá, xây dựng hệ thống, cắt giảm chi phí không cần thiết, ưu tiên tuyệt đối dòng tiền cho hoạt động chống dịch và sản xuất - kinh doanh. Việc đầu tư các giải pháp số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu tiếp tục được triển khai triệt để với mục tiêu rõ ràng là để tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm. Ðặc biệt, kênh thương mại điện tử sẽ được đẩy mạnh, bên cạnh các kênh bán truyền thống từ trước đến nay”, ông Hùng nói về lộ trình triển khai hệ thống quản trị số hóa vốn được bắt đầu từ quý IV/2018.
Những giải pháp mang tính dài hạn và có ý nghĩa tiên quyết với sự tăng trưởng của doanh nghiệp như tập trung cải tiến sản phẩm, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển, cải thiện năng lực xây dựng phương án kinh doanh phòng ngừa rủi ro của các doanh nghiệp, tập trung cải thiện quản trị là rất đáng khích lệ.
Bởi điều này cho thấy, một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam đã thoát ra khỏi tư duy vụ việc, có tầm nhìn xa về mặt chiến lược, từ đó có thể nâng cao năng lực cạnh tranh.
Việt Nam đã quyết liệt hành động và chứng minh khả năng vững vàng khi đối phó với đại dịch. Sự đồng lòng trong kiểm soát dịch bệnh đang tiếp thêm lửa nhiệt huyết để có tinh thần quyết thắng khó khăn, thách thức trên mặt trận kinh tế, hướng đến nền kinh tế độc lập, tự chủ, vững vàng.