Khởi sự tìm vốn cho quỹ mới

Khởi sự tìm vốn cho quỹ mới

(ĐTCK) Một số công ty quản lý quỹ lớn như Eastspring Investments, VCBF, VFM… đang trên đà lập quỹ đầu tư mới với những cách thức đầu tư riêng biệt để tăng sức hấp dẫn.

Dự kiến ngày 1/11/2013, Công ty Quản lý quỹ SSIAM cùng hai đối tác là Tập đoàn LR Group Limited và ORCA sẽ tổ chức lễ ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác huy động vốn và thành lập một quỹ đầu tư mới, với quy mô 150 triệu USD.

Quỹ mới chọn mục tiêu đầu tư là lĩnh vực nông nghiệp, một lĩnh vực mà theo SSI đánh giá, là rất tiềm năng và là một trong những lĩnh vực có thế mạnh lớn nhất của Việt Nam.

Từ vài năm nay, việc huy động vốn, nhất là dòng vốn ngoại, để lập quỹ đầu tư vào Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí bế tắc, việc một quỹ mới có quy mô dự kiến 150 triệu USD được “thai nghén” thành lập là diễn biến tích cực, mang đến niềm hy vọng mới về khả năng thu hút và hấp thụ vốn đầu tư tại Việt Nam.

Xét về khả năng cạnh tranh thu hút vốn quốc tế, Việt Nam còn thiếu nhiều yếu tố cơ bản. Chẳng hạn, định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế còn thấp, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam còn yếu, nhiều rào cản kinh tế, kỹ thuật (room, tỷ giá…) còn lớn, khiến khả năng thu hút dòng vốn mới ở ngoài biên giới là hạn chế.

Năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013, mặc dù TTCK vẫn thu hút được lượng vốn ngoại ròng từ 1 -  2 tỷ USD, nhưng thực tế dòng vốn này chủ yếu đến từ các quỹ đầu tư ETF, đầu tư nhanh, rút ra nhanh, thiếu tính bền vững.

Hơn 3 năm qua, nhiều công ty quản lý quỹ đầu tư đã nỗ lực tiếp xúc, mời gọi dòng vốn mới, nhưng hầu như không có kết quả. Thậm chí, năm 2012, 2013, nhiều quỹ đang hoạt động tại Việt Nam phải chịu áp lực rút vốn từ nhà đầu tư ngoại, đã cho thấy sự khó khăn của việc giữ chân dòng vốn cũ và khích lệ dòng vốn mới vào TTCK Việt Nam đến mức nào.

Tại Công ty Quản lý quỹ MB Capital, việc huy động vốn để lập thêm một quỹ đầu tư dạng mở (cổ phiếu) đang được xúc tiến thực hiện. Dự kiến, cuối năm 2013, MB Capital sẽ hoàn tất hồ sơ lập quỹ để trình cơ quan quản lý, chuẩn bị cho kế hoạch huy động vốn vào đầu năm 2014. Lợi thế của MB Capital là có sự hợp tác khá chặt với đối tác Nhật Bản.

Quỹ đầu tư trái phiếu của MB Capital có cổ đông lớn là nhà đầu tư Nhật Bản, nhưng mức độ tham gia giao dịch của nhà đầu tư ngoại (mua thêm chứng chỉ quỹ mở) thấp, dù Quỹ có hiệu quả hoạt động cao nhất trong các quỹ trái phiếu. Thực tế này cũng là một chỉ báo cho thấy sự gian nan của việc tìm vốn ngoại cho các quỹ đầu tư vào Việt Nam.

Một số công ty quản lý quỹ lớn như Eastspring Investments, VCBF, VFM… đang trên đà lập quỹ đầu tư mới với những cách thức đầu tư riêng biệt để tăng sức hấp dẫn. Đặc trưng chung của các quỹ mới là cố gắng thiết kế các sản phẩm đầu tư gần gũi với nhà đầu tư nội, bởi thực tế chưa có những điểm sáng từ kinh tế vĩ mô đủ sức tạo nên sự hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chính là GDP năm 2013, theo báo cáo của Thủ tướng Chính phủ tại Quốc hội, sẽ không đạt kế hoạch (dự kiến chỉ đạt 5,4%), trong khi kế hoạch tăng trưởng GDP năm 2014 ở mức thấp (5,8%), sẽ tiếp tục là thách thức cho các tổ chức tài chính trong mục tiêu tìm vốn mới đầu tư vào Việt Nam.