Khối ngoại đến nay đã có gần 30 phiên bán ròng liên tục trên TTCK Việt Nam. Ông có bình luận gì về động thái này? Phải chăng, chủ thể bán ra nhiều nhất là các quỹ ETF ngoại?
Theo quan sát của chúng tôi, các quỹ ETF chỉ đóng góp một phần trong việc bán ròng mạnh hơn 1 tháng qua của khối ngoại. Các nhà đầu tư nước ngoài khác cũng bán khá mạnh từ các quỹ ở nước ngoài bị đóng hay bị rút tiền trong giai đoạn này.
Ông Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc điều hành Quỹ SSIAM VNFIN LEAD ETF, Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM).
Nhìn chung, không chỉ Việt Nam, mức suy giảm từ 20 - 30% là phổ biến trên các thị trường quốc tế kể từ đầu năm đến nay.
Chỉ có một số thị trường được hỗ trợ mạnh như Trung Quốc, Ðài Loan, có mức sụt giảm tương đối thấp so với các nước khác. Nhiều nhà đầu tư bị thua lỗ lớn tại TTCK nước họ nên cũng lo sợ, rút tiền đầu tư từ các thị trường quốc tế, từ đó gây áp lực bán ra ở cả TTCK Việt Nam.
Theo ông, động thái bán ròng này liệu có kéo theo câu chuyện vốn ngoại rút hẳn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam không?
Chúng tôi chưa nhận thấy khối ngoại có hoạt động rút hẳn vốn khỏi TTCK Việt Nam ở quy mô lớn. Cũng có một số quỹ bị rút tiền và đóng lại, nhưng tỷ trọng không nhiều.
Các nhà quản lý quỹ dù nội địa hay nước ngoài đều có chung tâm lý lo lắng do giá biến động quá lớn và có thể một số khoản đầu tư chạm ngưỡng đầu tư theo quy định nên phải bán ra giảm thiệt hại.
Giai đoạn bất ổn hiện nay cũng khiến nhiều người muốn giữ tiền mặt để chờ đợi thị trường giao dịch ổn định trở lại mới tham gia. Ðại đa số nhà đầu tư đều nhận thức rằng, biến động là rủi ro nên giai đoạn này được coi là rủi ro cao cho hoạt động đầu tư. Họ chọn cách tạm đứng ngoài và nhiều người đã cùng hành động như vậy.
Bản thân các quỹ ETF cũng rút ròng liên tục 1 năm qua, điều này phản ánh điều gì, theo ông?
Giai đoạn trước tháng 4/2018, TTCK Việt Nam đón nhận dòng vốn ETF rất mạnh, góp phần đáng kể thúc đẩy quá trình đi lên của chỉ số chứng khoán và giá nhiều loại cổ phiếu. Tuy nhiên, khi thị trường tạo đỉnh vào năm 2018 thì việc rút ròng của các quỹ ETF đã bắt đầu diễn ra.
TTCK Việt Nam đã suy giảm khá mạnh trong bối cảnh khối ngoại bán ròng và xu hướng này có thể còn tiếp tục diễn ra do các nhà đầu tư tiếp tục lo ngại suy thoái kinh tế sẽ diễn ra trong năm 2020 hay 2021 nếu dịch bệnh chưa có cách khống chế.
Tâm lý lo sợ này sẽ kéo dài tình trạng bán liên tục để chuyển đổi sang các tài sản an toàn hơn.
Vì vậy, giai đoạn này, chỉ số chứng khoán khó có thể tăng trưởng mạnh, mà cần thời gian để nền kinh tế Việt Nam chứng tỏ được sức mạnh vượt khó.
Khi lo lắng qua đi và niềm tin trở lại, dòng vốn ETF mới có thể quay trở lại Việt Nam.
Một phần dòng vốn ETF bị rút ra trong giai đoạn qua do Việt Nam vẫn chưa lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI, cũng làm giảm mức độ ưa thích của nhà đầu tư quốc tế hơn với TTCK Việt Nam.
Ðược biết, ETF SSIAM VNFIN LEAD vừa huy động được 262 tỷ đồng từ việc chào bán chứng chỉ quỹ, số vốn huy động đến từ thị trường nào? Việc niêm yết trên sàn HOSE ngày 18/3 - đúng giai đoạn thị trường giảm mạnh - có tác động như thế nào đến hoạt động đầu tư của Quỹ?
Quỹ đã nhận được sự quan tâm từ một số nhà đầu tư nước ngoài, họ sẵn sàng tham gia giá trị lớn.
Thực tế, hiện nay, có rất ít nhà đầu tư trong nước quan tâm đến quỹ ETF, nên lượng góp vốn của chủ thể này rất hạn chế. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, cùng với xu hướng đầu tư thụ động trên thế giới, nhà đầu tư trong nước sẽ dần quan tâm nhiều hơn tới việc đầu tư vào loại hình quỹ này.
Về hoạt động đầu tư, theo tôi, giai đoạn thị trường giảm mạnh là một cơ hội tốt cho hoạt động đầu tư.
Ðịnh giá của cả danh mục quỹ ETF VNFIN LEAD tính tới hết phiên 13/3/2020 có P/B ở mức 1,16 lần, P/E danh mục ở mức 7,44 lần, là mức thấp hơn nhiều so với VN-Index nói chung và nhiều chỉ số thị trường khác.
Tuy nhiên, việc định giá này cũng phản ánh một phần sự biến động cao của nhóm công ty tài chính - đối tượng hưởng lợi chính khi nền kinh tế tăng trưởng mở rộng, nhưng cũng bị ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất khi nền kinh tế suy thoái.
Liệu nhà đầu tư ngoại có rút vốn ngược khỏi Quỹ SSIAM VNFIN LEAD ETF và khả năng thu hút vốn mới của Quỹ có khả thi?
TTCK toàn cầu đều đang biến động rất mạnh với pha giảm là xu hướng chính trên thị trường các nước. Nhà đầu tư từ mọi nơi đều tỏ ra thận trọng hơn rất nhiều so với trước đây. Hầu hết các loại tài sản đều sụt giảm giá trị trong giai đoạn này, từ cổ phiếu, trái phiếu, vàng, coin…, cho thấy tâm lý hoảng loạn đang bao trùm toàn cầu.
Nhiều nhà đầu tư tỏ ra hào hứng, quan tâm trong giai đoạn đầu khi quỹ của chúng tôi IPO nay cũng đã thận trọng hơn và đang chờ đợi thị trường giảm thêm mới quay lại đầu tư. Các tổ chức đứng ngoài quan sát thị trường trước khi có hành động tiếp theo.
Chúng tôi cũng lường trước khả năng trong ngắn hạn, Quỹ SSIAM VNFIN LEAD có thể sẽ bị rút ròng. Lý do là đa số các nhà đầu tư góp vốn đều là nước ngoài và họ chịu áp lực rút vốn từ chính diễn biến trên thị trường nước họ.
Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng, khi các khó khăn ngắn hạn qua đi, dòng tiền sẽ quay lại thị trường Việt Nam một cách tích cực.
Trong hoạt động đầu tư của ETF có một rủi ro là rổ cổ phiếu được sử dụng làm tham chiếu có thể có những mã kém chất lượng, nhưng được đẩy giá lên cao để được vào danh mục chỉ số. Nếu các cổ phiếu yếu bị “vỡ trận”, sẽ ảnh hưởng đến rủi ro đầu tư của quỹ ETF như thế nào, theo ông?
Việc một số cổ phiếu được đánh bóng để đạt các tiêu chí và tham gia vào các bộ chỉ số được công bố rộng rãi là điều đã và đang xảy ra ở mọi thị trường trên thế giới. Ðiều này rất khó để loại trừ hoàn toàn.
Với các quỹ mô phỏng một phần, sẽ gặp rủi ro do bị mức chênh lệch so với chỉ số tham chiếu, không thỏa mãn được yêu cầu đầu tư của quỹ, nên thường quỹ vẫn chấp nhận mua vào các cổ phiếu đó dù biết cổ phiếu có thể đang bị thao túng.
Sau khi các cổ phiếu đó vào quỹ, giá cổ phiếu suy giảm và quỹ bị thiệt hại là điều khó tránh khỏi.
Ðây cũng là hạn chế của loại hình quỹ ETF, do quỹ phải tuân thủ tiêu chí đầu tư minh bạch, rõ ràng.
Tuy nhiên, với các nền kinh tế có sự tăng trưởng, nếu có vài cổ phiếu yếu kém trong rổ cổ phiếu cũng sẽ khó cản được đà tăng của cả rổ.
Các quỹ ETF thường lựa chọn rổ cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất và thanh khoản cao nhất. Hầu hết chúng đều là các cổ phiếu của các công ty lớn nhất trong các ngành nghề tại mỗi đất nước. Ðó cũng là các công ty tạo ra sự tăng trưởng chính cho quốc gia và hưởng lợi chính trong sự tăng trưởng này.
Nhà đầu tư không nên quá lo lắng vì một vài công ty yếu kém trong danh mục. Ngay cả các nhà quản lý quỹ chủ động hàng đầu thế giới, tỷ lệ lỗ/lãi cũng dao động ở mức 45 - 55% trong các thương vụ đầu tư.
Nhà đầu tư chuyên nghiệp nên làm gì lúc này?
Trả lời câu hỏi trên, ông Hạnh cho biết, nên tìm các cổ phiếu đang có chiếu khấu 30 - 50%, hoặc nhiều hơn nữa so với giá trị nội tại của doanh nghiệp.
Ông Hạnh nhìn nhận, đây là giai đoạn thật sự khó khăn của TTCK khi khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng rất mạnh các cổ phiếu vốn hóa lớn. Đây là các cổ phiếu mà các quỹ ETF cũng như các quỹ chủ động nước ngoài có thể tự đầu tư vào, nhưng giai đoạn này, các thị trường khắp nơi đều có mức sụt giảm mạnh, nên xu hướng rút tiền khỏi các tài sản như cổ phiếu, trái phiếu, vàng và chuyển sang trạng thái USD đã lấn lướt và rất khó cưỡng lại xu hướng ngắn hạn này.
Nhà đầu tư cần kiên nhẫn chờ đợi cơ hội tốt để lựa chọn cổ phiếu cụ thể. Các chỉ số thị trường đều ở mức xấu nên các phương pháp kỹ thuật đo lường thị trường đều kém hiệu quả, không thể thực hiện được trong giai đoạn này. Phương pháp cơ bản, đánh giá thận trọng các công ty riêng lẻ để tìm ra các công ty có mức giá chiết khấu cao (30 - 50% hoặc nhiều hơn nữa) so với giá trị nội tại để đầu tư lâu dài là cách nên làm lúc này.
Các công ty có tỷ lệ trả cổ tức/giá cổ phiếu cao hơn mức tiền gửi tiết kiệm 12 tháng cũng là lựa chọn đáng cân nhắc trong giai đoạn “tiền mặt là vua” hiện nay.