Khối ngoại bấp bênh, khối nội vẫn lĩnh xướng

Khối ngoại bấp bênh, khối nội vẫn lĩnh xướng

(ĐTCK) Sau 14 tuần liên tiếp bán mạnh, cuối tuần qua, khối ngoại quay lại mua ròng, mở ra một hy vọng khối ngoại xoay chiều. Tuy nhiên, tương lai giao dịch của khối này ra sao, vẫn là câu hỏi ngỏ… 

Khối ngoại chưa chấm dứt bán ròng

TTCK trong nước đã có tuần khởi đầu tháng 5 thuận lợi với mức tăng của chỉ số VN-Index gần 45 điểm, tương đương tăng 5,8% và nằm trong Top thị trường tăng mạnh nhất trong tuần.

Sau tín hiệu tích cực trong phiên cuối tuần qua, những tưởng dòng tiền khối ngoại đã bắt đầu quay lại với cổ phiếu trên TTCK Việt Nam, nhưng không, phiên đầu tuần này (11/5), họ bán ròng hơn 480 tỷ đồng.

Điểm tích cực duy nhất là việc bán ròng tập trung từ khoản bán thỏa thuận cổ phiếu PC1 với hơn 380 tỷ đồng.

Trên sàn giao dịch HOSE, khối ngoại mua vào 20,13 triệu đơn vị, giá trị 590,67 tỷ đồng, giảm 38,14% về khối lượng và 36,17% về giá trị so với phiên cuối tuần trước.

Ở chiều ngược lại, khối này bán ra 48,25 triệu đơn vị, giá trị 1.018,72 tỷ đồng, tăng 53,77% về khối lượng và 19,52% về giá trị so với phiên trước.

Tính từ đầu năm cho đến ngày 11/5, khối ngoại đã bán ròng gần 18.000 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó giao dịch thông qua khớp lệnh chiếm tỷ trọng lớn, với trên 15.800 tỷ đồng.

Khối ngoại bấp bênh, khối nội vẫn lĩnh xướng  ảnh 1

Diễn biến mua/bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên HOSE trong 1 năm qua.

Thực tế, xu hướng rút ròng vốn ngoại không chỉ tại Việt Nam mà diễn ra trên hầu hết các thị trường quốc tế, đặc biệt ở thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19 vào đầu tháng 3, kéo dài đến nửa đầu tháng 4.

Việc bán mạnh là phản ứng tức thời của nhiều quỹ đầu tư chỉ số và quỹ tương hỗ. Một nguyên nhân nữa khiến vốn ngoại rút mạnh là nhà đầu tư ngoại có nhu cầu co lại các khoản đầu tư để giảm bớt lo lắng trong tâm bão đại dịch.

Sau nửa đầu tháng 4 qua đi, giai đoạn nửa sau tháng 4, nhiều TTCK toàn cầu đã tăng trưởng trở lại, nhưng các quỹ vẫn tiếp tục bán ròng với diễn biến thu dần khoảng cách mua/bán.

Tuy nhiên, việc khối ngoại giảm nhịp bán ròng lại trùng với thời điểm nhiều nơi trên thế giới có kỳ nghỉ dài như Nhật Bản, Hàn Quốc…, nên nhịp giảm này chưa hẳn là vì nội tại thị trường tốt lên.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, hoạt động của khối ngoại luôn tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong nước.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế là khi khối ngoại mua nhiều hơn, lực bán cũng không hề giảm đi, nên chưa có cơ sở để đánh giá tính bền vững của dòng chảy vốn này.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam thì cho rằng, một vài phiên mua ròng của khổi ngoại chỉ mang tính chất ngắn hạn, tận dụng sự tham gia sôi động của nhà đầu tư trong nước tại thời điểm hiện tại.

Xu hướng chủ đạo của khối ngoại sẽ vẫn là bán ròng, bởi dù được nhiều tổ chức lớn đánh giá nền kinh tế Việt Nam là điểm sáng tăng trưởng hiếm hoi khống chế được đại dịch Covid-19, nhưng TTCK Việt Nam vẫn khó có thể nằm ngoài xu hướng tháo chạy ở quy mô lớn của các dòng vốn ngoại.

Đây là xu hướng tháo chạy chung khỏi các thị trường mới nổi khi nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rằng, tình hình dịch bệnh trên toàn cầu còn phức tạp và chưa có điểm dừng lại.

Tại thị trường Việt Nam, giao dịch bán thỏa thuận cổ phiếu VHM quy mô lớn vừa qua của Quỹ EuroPacific Growth Fund - quỹ nổi tiếng đầu tư dài hạn vào các cổ phiếu thị trường mới nổi, cũng là dấu hiệu khiến nhiều người lo ngại rằng, sẽ có thêm nhiều trường hợp tương tự trong thời gian tới.

Dòng vốn đầu tư quốc tế có mạch rút ròng tại các thị trường mới nổi sang tháng thứ 4 liên tiếp và vẫn duy trì rút ròng ở một số thị trường lớn như Hàn Quốc, Đà Loan, Nhật Bản, Brazil, Thái Lan…

Tại Việt Nam, dòng vốn đầu tư quốc tế qua kênh ETF tiếp tục bị rút ròng nhẹ. Kể từ đầu năm cho tới ngày 11/5, vốn qua kênh ETF bị rút khoảng 56,4 triệu USD, chủ yếu tập trung ở 2 quỹ VanEck và FTSE Vietnam.

Tháng 4, gần 37.000 tài khoản mới, tiền nội làm trụ cột

Trong bối cảnh vốn ngoại rút ra, dòng tiền trong nước trở thành trợ lực chính cân bằng thanh khoản và giữ đà tăng cho thị trường.

Nối tiếp đà tăng mở tài khoản mới trong tháng 3, trong tháng 4/2020 ghi nhận thêm 36.721 tài khoản chứng khoán mở mới, chủ yếu vẫn là nhà đầu tư cá nhân với 36.652 tài khoản. Nhà đầu tư tổ chức mở mới 69 tài khoản.

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), dòng tiền trong nước có ứng biến rất tốt thời gian vừa qua, nhưng để duy trì được dư địa hồi phục lên mức trước khi xảy ra đại dịch, thị trường cần sức bật của nhóm cổ phiếu dẫn dắt.

Công ty này cho rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang là một lựa chọn khá tốt với mức thanh khoản trung bình phiên cao, vốn hóa lớn đi cùng với kết quả kinh doanh trong quý I khả quan, mặc cho tình hình bệnh dịch kéo nhiều doanh nghiệp suy thoái lợi nhuận.

Nhiều nhà đầu tư chia sẻ, nếu so với thời điểm chỉ số về đáy (ngày 23/3, VN-Index về 666 điểm), họ vẫn chưa lấy lại được những gì đã mất.

Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu đã ghi nhận hồi phục tăng mạnh hơn so với thời điểm đầu năm khiến nhà đầu tư khó xử trong việc chọn chốt lãi hay giữ tiếp cổ phiếu.

Nếu bắt đáy thành công ở thời điểm cuối tháng 3 đầu tháng 4, nhiều cổ phiếu đến nay đã tăng 30-40%, thậm chí hơn 50%, nhưng có một thực tế là không phải nhà đầu tư nào cũng mua đúng thời điểm. Rất ít nhà đầu tư “ăn trọn sóng”. 

“Tôi không biết thực tế có bao nhiêu nhà đầu tư mua đúng đáy và giữ đến giờ, nhưng tôi cho rằng có rất nhiều người mua đúng đáy, tuy nhiên chốt lời ngay khi giá lên 10-15% và họ quay vòng liên tục cho đến giờ. Tức là nếu xu hướng tăng còn tiếp diễn, họ cũng sẽ quay nhiều vòng nữa. Vậy mình mua bây giờ đâu có phải bị họ úp cổ phiếu lên đầu, có khi đang cùng mua với họ?”, nhà đầu tư Duy Hoàng nói.

Các khuyến nghị từ khối công ty chứng khoán, từ các room chat, hay các diễn đàn… càng làm nhà đầu tư rối trí trong bối cảnh không thể dự báo được tương lai thị trường.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, tâm lý hưng phấn sau dịch có thể đẩy thốc giá cổ phiếu lên mạnh, bất chấp kết quả kinh doanh năm nay có thể giảm.

“Covid-19 tác động tiêu cực lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong giai đoạn nửa đầu năm và cần có thời gian để doanh nghiệp khôi phục lại. Nhà đầu tư dường như không để ý đến điều này, trên trên cả 3 sàn chứng khoán đang có rất nhiều cổ phiếu tăng giá đến mức cao hơn cả trước khi có dịch. Giá nhiều cổ phiếu đang đắt lên nhiều, chứ không phản ánh tác động của dịch Covid-19 lên hoạt động của doanh nghiệp như theo quy luật”, ông Lân nhận xét.

Thị trường càng khó đoán, hoạt động đầu tư lướt sóng càng lấn lướt, bởi cách đầu tư này hấp dẫn và có vẻ dễ dàng hơn đầu tư giá trị.

Trên TTCK Việt Nam hiện nay, việc lựa chọn nhiều cổ phiếu đang cho thấy không tuân theo quy luật giá trị khi có những doanh nghiệp lỗ, cổ phiếu vẫn tăng.

Tin bài liên quan