Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Khối ngoại bán ròng, không đáng ngại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Có những căn cứ để các chuyên gia lạc quan rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam nằm ngoài sự kiện “taper tantrum”.

Dòng tiền rút khỏi thị trường mới nổi

Số liệu theo dõi dòng vốn toàn cầu do Viện Nghiên cứu tài chính Quốc tế (Institute of International Finance – IIF) cho thấy, các thị trường mới nổi chứng kiến đợt bán ròng đầu tiên kể từ tháng 10/2020 vào tháng 3/2021.

“Dòng tiền rút ra khiến chúng tôi ngạc nhiên, bởi các thị trường mới chỉ ở giai đoạn đầu của sự hồi phục sau sự kiện đại dịch năm 2020. Giai đoạn dòng tiền chảy mạnh vào các thị trường mới nổi chỉ bắt đầu khi các thông tin tích cực về vắc-xin được công bố. Chúng ta có thể đang lặp lại sự kiện taper tantrum năm 2013”, Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng IIF cho biết.

Taper tantrum là sự tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền các nền kinh tế mới nổi, khi nhà đầu tư quốc tế rút vốn.

Các số liệu theo dõi hàng ngày của IIF theo dấu dòng tiền tại 30 nền kinh tế mới nổi. Theo đó, dòng tiền nước ngoài chảy vào khu vực này đạt 20 tỷ USD trong tháng 1, trung bình rót vào khoảng 325 triệu USD/ngày trong tháng 2. Tới tuần đầu tiên của tháng 3, khối ngoại rút ròng trung bình 290 triệu USD/ngày.

Một trong những tín hiệu mạnh khiến nhà đầu tư nhanh chóng rút tiền khỏi thị trường mới nổi là việc lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng mạnh lên trên 1,6%/năm, so với mức 0,9%/năm vào thời điểm đầu năm.

Goldman Sachs dự báo, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm sẽ tiếp tục gia tăng, đạt 1,9%/năm vào cuối năm 2021, đồng thời gia tăng dự báo lãi suất tại các thị trường phát triển.

Paul Mackel, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường tiền tệ toàn cầu của HSBC cho biết: “Chúng tôi lo sợ hiện tượng tantrum với các thị trường mới nổi và diễn biến đột ngột của lãi suất trái phiếu Mỹ rõ ràng tạo ảnh hưởng tiêu cực”.

Một số liệu độc lập khác từ EPFR, được Barclays tập hợp cũng nhấn mạnh tới sự thay đổi trong tâm lý nhà đầu tư. Các quỹ đầu tư sở hữu trái phiếu tại thị trường mới nổi bằng đồng tiền của các quốc gia phát triển, như USD, euro và yên, là nhóm chứng kiến dòng vốn bị rút ra mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 tới nay trong tuần đầu tiên của tháng 3/2021.

“Chúng tôi tin rằng, trong ngắn hạn, rủi ro dòng tiền tiếp tục rút ra khỏi các thị trường mới nổi là hiện hữu”, Andreas Kolbe cho biết.

Việt Nam vẫn là điểm sáng

Trên thị trường Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp bán ròng trong 3 tháng qua với giá trị tính từ đầu năm đạt 11.577,93 tỷ đồng. Tính riêng đầu tháng 3 tới phiên giao dịch ngày 18/3, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 8.076,74 tỷ đồng, với chuỗi 19 phiên liên tiếp.

Nhận xét về diễn biến này, ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích vĩ mô, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, có nhiều thông tin cho thấy, hoạt động bán ra hiện tại chủ yếu từ các quỹ đầu tư Hàn Quốc. Trong thời gian qua, từ năm 2017 tới 2020, dòng tiền từ Hàn Quốc đổ mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam, chủ yếu từ quỹ mở.

Cụ thể, trong giai đoạn này, nhà đầu tư cá nhân Hàn Quốc rót tiền vào các quỹ mở, quỹ này giải ngân vào thị trường Việt Nam khi nhận thấy cơ hội sinh lời tích cực.

Hiện tại, dòng tiền này đảo chiều bởi năm 2020, thị trường chứng khoán Hàn Quốc tăng trưởng mạnh, hơn 40%, trong khi VN-Index chỉ tăng trưởng gần 15%, sức hấp dẫn không còn như trước.

Việc Việt Nam chưa chiếm tỷ trọng lớn tại bất kỳ chỉ số ETF nào là một trong những lý do khiến nhà đầu tư lớn nước ngoài không thể gia tăng nắm giữ cổ phiếu dù thị trường này rất hấp dẫn, thậm chí phải bán bớt cổ phiếu để cân đối danh mục đầu tư.

Ông Andreas Vogelsanger, CEO AFC Vietnam Fund

Thông thường, dòng tiền cá nhân sẽ rút ra rất nhanh và diễn biến hiện tại cũng cho thấy điều này.

Bên cạnh đó, một vài quỹ đầu tư bán ra cổ phiếu chủ yếu là động thái cơ cấu danh mục đầu tư, không hẳn rút tiền ra khỏi thị trường.

Nền kinh tế Việt Nam, cũng như thị trường chứng khoán đang ở vị thế khá tốt so với các thị trường còn lại trong khu vực và trên thế giới.

Thông tin đáng chú ý là tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s vừa công bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm, đồng thời điều chỉnh tăng triển vọng lên “Tích cực”.

Việc Ủy ban xếp hạng tín nhiệm Moody’s đánh giá nâng hai bậc triển vọng đối với Việt Nam là chưa từng có tiền lệ trong xếp hạng tín nhiệm của tổ chức này trên toàn cầu kể từ đại dịch Covid-19. Do đó, không có lý do đặc biệt nào để nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường.

Một yếu tố khác cần nhắc tới là việc lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng cũng tạo áp lực nhất định với hoạt động rút vốn khỏi các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, đây không phải xu hướng trong dài hạn.

Thực tế, không riêng thị trường chứng khoán Việt Nam bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng. Một số thị trường trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Malaysia… cũng trải qua diễn biến tương tự.

Theo một số chuyên gia chứng khoán, câu chuyện hệ thống giao dịch của HOSE bị quá tải trong thời gian gần đây làm ảnh hưởng đến khả năng giao dịch có thể khiến nhà đầu tư đánh giá đây là rủi ro đầu tư, vì thế, có động thái bán cổ phiếu trong danh mục để quản trị rủi ro.

So với năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, cho tới nay, thị trường đã có bước tăng trưởng tích cực, không ít mã cổ phiếu tăng trưởng gấp ba lần như HPG, KBC… Hiện tại, động thái bán chốt lời khi đạt được mục tiêu lợi nhuận cũng là bình thường.

Chia sẻ câu chuyện về dòng vốn ngoại tại thị trường chứng khoán Việt Nam, TS. Võ Đình Trí (IPAG Business School Paris và Đại học Kinh tế TP.HCM) cho biết, các số liệu thống kê từ Reuters Thomson cho thấy, dòng vốn vẫn đang chảy vào thị trường Việt Nam, nhưng không hẳn chỉ dồn vào thị trường chứng khoán, mà còn qua nhiều kênh đầu tư khác. Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực.

TS. Trí cũng cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường chứng khoán có thể xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có việc phải cân bằng chiến lược đầu tư với các thị trường khác, nhất là khi Việt Nam chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Vấn đề cần đặt ra là việc thị trường Việt Nam phải trưởng thành hơn, để có thể thu hút dòng vốn nước ngoài một cách bền bỉ, lâu dài.

Theo đó, trước tiên, phải có sự cải thiện về quản trị doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải hoàn thiện hơn nữa yếu tố quản trị, tính minh bạch, rõ ràng. Chẳng hạn, báo cáo tài chính ít nhất phải có phiên bản tiếng Anh.

Thứ hai, phải cải thiện chất lượng kiểm toán. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp phải được công ty kiểm toán có uy tín, chất lượng thực hiện, không chỉ phụ thuộc vào Big4.

Thứ ba, cần có khung giám sát mạnh về dịch vụ tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán…), có quy định bảo vệ những người sử dụng dịch vụ tài chính, trong đó có nhà đầu tư chứng khoán. Chưa kể, yếu tố thực thi các quy định cũng đóng góp phần quan trọng cho việc đạt được hiệu quả mong muốn.

“Ngoài ra, tôi đồng ý với ý kiến phải cổ phần hóa hai sàn giao dịch chứng khoán. Như vậy, hiệu quả quản trị tại sàn giao dịch sẽ được cải thiện”, TS. Võ Đình Trí cho biết.

Không cần lo dòng vốn nước ngoài tháo chạy khỏi Việt Nam

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh

Vốn FDI, FII vào Việt Nam còn tăng mạnh thời gian tới. Việt Nam là nền kinh tế hiếm hoi tăng trưởng dương trong năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19. Bước sang năm 2021, ngay từ đầu năm, doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất - kinh doanh mạnh. Riêng 2 tháng đầu năm, có 18.100 doanh nghiệp trong nước thành lập mới.

Còn với doanh nghiệp nước ngoài, không có lý do gì để họ không tiếp tục rót vốn đầu tư vào Việt Nam. Tất nhiên, để thu hút mạnh hơn dòng vốn này, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Riêng với vốn FDI, chúng ta cũng cần phải có công cụ chọn lọc những nhà đầu tư hiệu quả, gắn bó lâu dài.

Tin bài liên quan