Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit) 2020. Ảnh Internet.

Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit) 2020. Ảnh Internet.

Khởi nghiệp cần tìm điểm “đứt gãy”

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng tạo ra cơ hội để các mô hình kinh doanh mới xuất hiện và được chấp nhận.

Bắt rễ từ thực tế

Tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit) 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 25/11/2020, có 33 quỹ đầu tư cam kết rót 815 triệu USD vào lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong giai đoạn 5 năm 2021 - 2025.

Theo đó, năm 2020, số lượng các nhà đầu tư, quỹ đầu tư cam kết tăng gấp rưỡi, số tiền cam kết tăng gấp đôi so với năm 2019. Điều này phần nào cho thấy, đại dịch Covid-19 tuy mang tới nhiều thách thức, nhưng đồng thời cũng gieo cơ hội để những ý tưởng kinh doanh mới nảy mầm.

Có 33 quỹ đầu tư cam kết rót 815 triệu USD vào lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong giai đoạn 5 năm 2021 - 2025.

Từ góc nhìn của nhà đầu tư ông, Joonpyo Lee, Giám đốc điều hành SoftBank Venture Asia cho biết, đại dịch tạo nên những đứt gãy tại nhiều lĩnh vực trên thị trường. Chính những đứt gãy này là cơ hội để đưa các công nghệ mới trở thành việc kinh doanh thực sự.

“Có rất nhiều công nghệ tuyệt vời xuất hiện, nhưng việc đưa nó vào đời sống lại là câu chuyện không hề dễ dàng. Đa phần những công ty mới xuất hiện mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều có những người sáng lập sáng tạo và tâm huyết, nhưng chúng tôi có nhiều cầu hỏi đặt ra về tính thực tế. Hiện tại, khi bị cách ly, hạn chế đi lại… nhằm phòng dịch, cách thức để tồn tại tốt nhất là mua sắm online, làm việc từ xa, chuyển tiền online… Những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng tạo nên cơ hội để những mô hình kinh doanh mới xuất hiện và được chấp nhận”, ông Joonpyo Lee chia sẻ.

Yếu tố quan trọng khác là các doanh nghiệp khởi nghiệp phải bám sát những biến động mới của cuộc sống, của môi trường kinh doanh để từ đó có chiến lược phát triển.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đã thiết thực hơn, sát thực tiễn hơn, dựa vào thị trường trong nước, nhu cầu đa dạng, cụ thể của người dân để phát triển. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi cộng đồng khởi nghiệp đã kịp thích ứng theo hướng đi lên.

Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam đã nằm trong tốp đầu cùng với các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp các dịch vụ giao thông vận tải, thương mại điện tử, tạo các không gian làm việc chung…

“Việt Nam chưa sở hữu những công nghệ tiên tiến nhất, nhưng một số công ty khởi nghiệp đã giải quyết được bài toán thiết thực từ thị trường trong nước bằng mô hình kinh doanh, cách làm mới để vươn ra nước ngoài”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Còn nhiều khoảng trống

Dù bám sát hơn hơi thở cuộc sống, nhưng thực tế cho thấy, còn nhiều khoảng trống trên thị trường mà các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa thể lấp đầy.

Phó Thủ tướng nêu ví dụ, chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới được ban hành đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Trong đó, sách giáo khoa chỉ như một tài liệu tham khảo, còn quan trọng nhất là từng bài giảng.

Đây chính là cơ hội cho các công ty làm về giáo dục để xây dựng ngay các bài giảng hay của những giáo viên giỏi nhất, từ đó lan tỏa ra toàn hệ thống giáo dục, toàn xã hội.

Tuy nhiên, đến khi các bộ sách giáo khoa mới được xuất bản cũng chưa có doanh nghiệp giáo dục hay công ty khởi nghiệp nào bắt tay vào làm. Việc xây dựng các bài giảng mới triển khai được vài tháng, vẫn rất chậm.

Ông Lukasz Roszczyc, Tổng giám đốc Publicis Groupe cho rằng, nhiều doanh nghiệp sở hữu dữ liệu về khách hàng đã mua sản phẩm, nhưng việc tương tác với khách hàng chưa hiệu quả.

Với việc cách thức tương tác trên toàn cầu đang có sự biến đổi vì đại dịch, các doanh nghiệp nhất là công ty khởi nghiệp cần đổi mới cách tiếp cận và sáng tạo ra những câu chuyện ý nghĩa để gửi gắm tới người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, câu chuyện về sự phát triển với tầm nhìn dài hạn vẫn là vấn đề trọng tâm. Theo báo cáo kinh tế số E-Conomy SEA 2020, VNPay trở thành “kỳ lân” (công ty khởi nghiệp được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) thứ hai tại Việt Nam, 5 năm sau kỳ lân đầu tiên là VNG. Vậy nhưng, bao lâu nữa, kỳ lân tiếp theo mới xuất hiện, khi những doanh nghiệp khởi nghiệp “xếp hàng” phía sau còn khá mờ nhạt?

Chưa kể, trong toàn khu vực Đông Nam Á, VNPay và VNG hiện được xếp cùng hàng ngũ với 11 kỳ lân công nghệ gồm Bigo, Bukalapak, Gojek, Grab, Lazada, Razer, OVO, Sea Group, Traveloka và Tokopedia. Sau 5 năm trở thành kỳ lân, giá trị doanh nghiệp của VNG tăng hơn 50%, hiện được định giá khoảng 1,5 - 1,7 tỷ USD, nhưng con số này so với các kỳ lân khu vực còn khiêm tốn.

Tin bài liên quan