Dễ thấy, đam mê khởi nghiệp với nhiều bạn trẻ rất lớn, nhưng để đi đến kết quả thành công cần rất nhiều yếu tố, bao gồm cả sự đánh đổi và nghệ thuật.
Khởi nghiệp phải có sự đánh đổi
“Làm chủ” có lẽ là cụm từ được nhiều bạn trẻ nhắc đến và coi là đam mê, nhưng theo chia sẻ của các diễn giả, niềm đam mê đó chỉ được coi là đủ lớn khi người khởi nghiệp chấp nhận đánh đổi.
Với ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Tập đoàn Egroup, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Anh ngữ Apax, đó là đánh đổi việc học đại học và chấp nhận hy sinh tuổi trẻ. Với ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sunhouse, đó là chấp nhận việc học đại học “chẳng thu được nhiều kiến thức khi ra trường”, “không được yêu đương thời tuổi trẻ”, “chịu trách nhiệm tài chính với cả gia đình” vì được bố giao toàn bộ tài sản của gia đình từ năm 17 tuổi, hoặc “sẵn sàng chấp nhận một khoản nợ 5 chỉ vàng” như ông Trần Anh Vương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần SAM Holding.
Bên cạnh đó, khi nhắc đến khởi nghiệp, mọi người nghĩ nhiều đến ý tưởng kinh doanh, vốn. Đây là điều đương nhiên cần, nhưng chưa đủ. Các diễn giả cho rằng, cần lên một kế hoạch kinh doanh kỹ lưỡng và phải được thực hiện bằng một niềm đam mê đủ lớn.
Làm cách nào để huy động vốn thành công?
Chương trình “Shark Tank: Thương vụ bạc tỷ” mới phát sóng được 5 tập, nhưng đã góp phần tạo nên một cú huých, thổi bùng khát vọng khởi nghiệp của giới trẻ.
Xem 30 phút trên truyền hình và chứng kiến trường hợp các bạn trẻ khởi nghiệp có thể thu về hàng tỷ đồng từ các “cá mập” (shark), nhiều bạn trẻ cho rằng, “Shark Tank – thương vụ bạc tỷ” có thể giống “game show” hơn là một chương trình đầu tư thực tế.
Trong khi đó, chia sẻ của một thành viên đã được nhận vốn đầu tư từ chương trình cho biết, để thuyết phục được các nhà đầu tư, anh và người đồng hành đã phải chuẩn bị trong hơn 1 năm.
Thực tế, việc tìm nhà đầu tư là một quá trình và cần có nghệ thuật. Tại buổi giao lưu với sinh viên, rất nhiều lời khuyên đã được các diễn giả chia sẻ nhằm giúp các bạn sinh viên có cơ hội tìm kiếm nhà đầu tư khi khởi nghiệp.
Trong đó, một nội dung được nhiều diễn giả nhắc đến là vai trò của tiền. Tiền rất quan trọng, nhưng đừng nhắc đến tiền ngay lần gặp đầu tiên. “Bạn có thể gặp một cô gái rất xinh, rất ưng trong bụng, nhưng nếu ngay lần gặp đầu tiên mà nói rằng em cưới anh nhé, thì chắc cô ấy sẽ cho rằng bạn không ổn... Vì thế, cũng đừng mời đầu tư ngay lần gặp đầu tiên, dù tiền rất quan trọng”, một diễn giả chia sẻ.
Vậy làm thế nào để có tiền? Các CEO đã khuyên những người muốn khởi sự là nên gặp các nhà đầu tư nhưng ở vai trò xin ý kiến và mấu chốt nhất chính là xin được các cuộc hẹn lần sau. “Khi họ đã hiểu và thấy thích thú, tiền sẽ đến với bạn”, một diễn giả nói.
Lời khuyên thứ hai là nên xác định rõ mình muốn bao nhiêu tiền, sử dụng như thế nào và nên chia thành từng giai đoạn, từ nhỏ đến lớn. “95% số start-up chết ngay sau 1 năm nhận được tiền đầu tư”, ông Phú nói và cho rằng, không có tiền thì chắc chắn chết, nhưng trong nhiều trường hợp, việc có nhiều tiền cũng dẫn đến cái chết của các start-up vì đầu tư hoang phí, không hiệu quả, hoặc nóng vội.
Yếu tố thứ ba là việc chuẩn bị thật kỹ lưỡng trước khi gặp các nhà đầu tư. Bà Lê Hạnh, Giám đốc Sản xuất chương trình “Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ” cho biết, mỗi nhà đầu tư có khẩu vị riêng, do đó, các start-up nên chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng được khẩu vị của nhà đầu tư. Chưa kể, sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về phong thái, cách trình bày và nắm chắc số liệu cũng là cách để các start-up ghi điểm.
Sinh viên nên học hay nên kinh doanh?
Trong số 5 nhà đầu tư (cá mập - shark) tham gia giao lưu, có tới 2 người nói rằng, họ tốt nghiệp đại học mà “chẳng thu được kiến thức gì”, một người bảo lưu kết quả từ năm thứ nhất đại học và chưa có cơ hội quay trở lại trường. Điều này khiến các sinh viên đặt câu hỏi: Sinh viên nên học tiếp đại học, hay chuyển hướng kinh doanh?
Trả lời câu hỏi này, ông Thủy – người đã bỏ dở chương trình học đại học cho rằng, tốt hơn cả, bạn nên vừa học giỏi, vừa kinh doanh giỏi, và quan trọng nhất là phải hiểu mình thực sự muốn gì.
“5 năm trước, tôi từng có ý nghĩ mình sẽ ôn thi lại đại học. Tôi cho rằng, việc học là cả đời và cá nhân tôi đã phải đọc sách điên cuồng để bổ sung thêm kiến thức”, ông Thủy nói.
Trong khi đó, ông Phú, người “ôm bọc tiền để gầm bàn suốt 4 năm đại học” cho biết, sinh viên đa số không thu được nhiều kiến thức khi đi học không phải vì việc học không có giá trị, “mà bởi các bạn không biết mình học để làm gì?
“Đa số học vì điểm số, vì bố mẹ muốn. Kiến thức ở nhà trường là thứ được đúc kết từ tinh hoa hàng nghìn năm, nên chắc chắn rất tốt, nếu bạn xác định chính xác mình muốn gì và cần gì”, ông Hưng nói.