Ba nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc, Ngân hàng Nhà nước - TP.HCM. |
Trên cơ sở nhiệm vụ định hướng của Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp tiền tệ tín dụng năm 2022 và nhiệm vụ giao cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, cũng như nhiệm vụ định hướng phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM năm 2022, ngành Ngân hàng Thành phố tập trung 3 nhóm nhiệm vụ chính.
Thứ nhất, tổ chức triển khai thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm Ngân hàng Nhà nước giao cho các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố.
Trong đó, thực hiện tốt cơ chế chính sách về tiền tệ, lãi suất, tín dụng trên địa bàn Thành phố, đảm bảo chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn.
Thứ hai, thực hiện nhiệm vụ địa phương của Ngân hàng Nhà nước tại địa bàn TP.HCM. Trong đó, tiếp tục phối hợp với các sở ngành, quận huyện để tổ chức thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, các chủ trương chính sách, nhất là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh để duy trì, ổn định và phục hồi sản xuất - kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 theo định hướng của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước và UBND Thành phố.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về tiền tệ tín dụng và ngân hàng trên địa bàn.
Trong đó, thực hiện tốt hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng trên địa bàn; các chương trình đề án của Ngân hàng Nhà nước, của UBND TP.HCM về phát triển Quỹ tín dụng nhân dân; về cải cách hành chính; về Thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển ngân hàng số; về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021 - 2025 và an toàn, an ninh hoạt động ngân hàng trên địa bàn; về đề án kết nối ngân hàng - doanh nghiệp khởi nghiệp; doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025 và xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố giao cho ngành Ngân hàng Thành phố; làm tốt công tác Quốc hội, HĐND giao; nắm bắt tình hình triển khai cơ chế chính sách; phản biện chính sách và công tác truyền thông của ngành Ngân hàng trên địa bàn.
Khai thác hiệu quả các yếu tố động lực
Ngành ngân hàng nói chung và ngân hàng trên địa bàn TP.HCM nói riêng tiếp tục củng cố vững chắc ổn định thị trường tiền tệ. Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch, song thị trường tiền tệ vẫn duy trì ổn định, lãi suất, tỷ giá diễn biến theo đúng định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước và thực hiện nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô: kiểm soát lạm phát và hỗ trợ doanh nghiệp.
Cụ thể, kết thúc năm 2021, ước huy động vốn trên địa bàn tăng 7,5%, cho vay vốn dự ước tăng 10,7%. So với cuối năm 2020, lãi suất cho vay giảm 0,15 - 1,33%/năm, tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, phục vụ tốt cho hoạt động xuất nhập khẩu, phục hồi kinh tế và đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ trong năm.
Đây là điểm sáng nổi bật và khác biệt so với những giai đoạn kinh tế vĩ mô gặp khó khăn do tác động của khủng hoảng trước đó. Là nền tảng rất quan trọng để thực hiện tốt các giải pháp về phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Cụ thể, duy trì tốc độ tăng trưởng hoạt động ngân hàng, tăng trưởng tín dụng theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước (tăng 14%) trong năm 2022 nhằm đạt được mục tiêu về phục hồi và tăng trưởng kinh tế Thành phố năm 2022 (dự kiến khoảng 6,5%).
Trong quá trình này, cần tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chương trình tín dụng của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước và của UBND Thành phố, tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.
Những kết quả đạt được trong một năm đầy khó khăn, thách thức như 2021 là yếu tố nền tảng, là sức mạnh tổng hợp để các ngân hàng tiếp tục thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của ngành trong năm 2022.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gắn với việc tổ chức triển khai gói hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ tại địa bàn Thành phố nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt chính sách tín dụng và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ cho doanh nghiệp theo cơ chế Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 với 3 hoạt động chính.
Thứ nhất, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất cho vay. Đến nay, tổng giá trị nợ đã hỗ trợ cho doanh nghiệp hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn đạt gần 2,7 triệu tỷ đồng, gồm cơ cấu lại nợ; giảm lãi suất cho vay và cho vay mới với lãi suất thấp.
Thứ hai, tập trung vốn cho phục hồi tăng trưởng sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc thực hiện các chương trình tín dụng của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước và của UBND TP.HCM.
Cụ thể, cho vay 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên, cho vay kích cầu đầu tư, cho vay khu chế xuất - khu công nghiệp, cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các chương trình tín dụng chính sách… Riêng cho vay 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên đạt gần 200.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm trên 60% dư nợ cho vay chương trình này.
Thứ ba, thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình cho vay bình ổn thị trường. Đến nay, nhiều quận, huyện đã phối hợp với Sở Công thương, Ngân hàng Nhà nước TPHCM tổ chức chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tổng số tiền đã giải ngân theo kế hoạch của chương trình đạt 487.000 tỷ đồng, bằng 140% kế hoạch (đầu năm các tổ chức tín dụng trên địa bàn đăng ký gói tín dụng của chương trình là 312.000 tỷ đồng). Thông qua chương trình, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp và tháo gỡ trực tiếp khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngoài các nhiệm vụ trọng tâm trên, ngành ngân hàng Thành phố sẽ tổ chức thực hiện kế hoạch thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch cụ thể năm 2022 gắn với định hướng chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng. Trong đó, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng điện tử; phát triển dịch vụ ngân hàng số với sự tiện ích, tiện lợi và an toàn, bảo mật.
Làm tốt công tác truyền thông, thông tin, phổ biến và tư vấn kèm với những lợi ích mang lại thiết thực để người dân, khách hàng mở tài khoản và giao dịch với ngân hàng. Đây là yếu tố nền tảng cho việc mở rộng và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong quá trình này, tiếp tục định hướng để mở rộng và phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt lĩnh vực công; thanh toán mua bán trên trang thương mại điện tử và các địa điểm kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị và chợ…
Phát huy kết quả nổi bật của năm 2021 về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, do thực hiện giãn cách xã hội, việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng để mua bán, thanh toán trực tuyến; thanh toán không tiếp xúc đã trở nên phổ biến hơn, nhờ đó các dịch vụ ngân hàng điện tử tiếp tục tăng trưởng và phát triển, tăng bình quân khoảng 30 - 35% đối với dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking và ví điện tử.
Ngoài ra, tổ chức thực hiện tốt chủ đề năm “đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng, phục hồi phát triển”.
Trong đó, ngành Ngân hàng Thành phố tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo và những kết quả ấn tượng trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của ngành Ngân hàng Việt Nam: Từ việc hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để duy trì, phục hồi sản xuất - kinh doanh, đến việc đóng góp tài chính vào quỹ vắc xin và quỹ an sinh xã hội.
Đây là yếu tố nền tảng, là sức mạnh tổng hợp cần phát huy làm động lực để tiếp tục thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của ngành ngân hàng TP.HCM năm qua và năm 2022.