Khơi dậy khát vọng phát triển

0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị Văn hóa toàn quốc khai mạc sáng nay (24/11/2021) có thể nói có ý nghĩa như một “Hội nghị Diên Hồng” trong lĩnh vực văn hóa.
Việt Nam luôn coi trọng vấn đề phát triển văn hóa và con người Việt Nam.

Việt Nam luôn coi trọng vấn đề phát triển văn hóa và con người Việt Nam.

Nói vậy là bởi, Hội nghị không chỉ nhằm đánh giá việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua, chỉ ra các thành tựu và những tồn tại, hạn chế trong xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong 35 năm Đổi mới, cũng như đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045, mà quan trọng hơn, sẽ góp phần quan trọng khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Ngay từ khi giành Độc lập, Việt Nam đã luôn coi trọng vấn đề phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Năm 1946, dù khi ấy còn bộn bề công việc trọng đại, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Điều này đủ thấy, văn hóa được Đảng ta, được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng đến nhường nào.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thiết tha bày tỏ mong muốn, nền văn hóa mới của nước nhà phải lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở. Người nói, phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân; văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ; văn hóa phải làm thế nào để cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, ai cũng có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình. Và văn hóa chính là làm sao để mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông lẫn đàn bà, ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình là biết hưởng hạnh phúc nên được hưởng. Đặc biệt, văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.

Kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, trong suốt 75 năm qua, tư tưởng lớn của Người vẫn luôn soi rọi con đường chúng ta đi. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về phát triển văn hóa và con người Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa không chỉ đơn thuần được hiểu là văn học, nghệ thuật, mà còn là nền tảng cho sự phát triển của đất nước, quan trọng không kém các yếu tố chính trị, kinh tế, thậm chí đúng như tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa còn có “liên lạc rất mật thiết” với chính trị.

Trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021- 2030, mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa thông qua, văn hóa, con người Việt Nam còn được coi là một “đột phá chiến lược”. Chiến lược xác định, tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

Trên thực tế, văn hóa và con người Việt Nam đã luôn làm nên sức mạnh kỳ diệu của dân tộc, dù từ ngàn năm lịch sử thuở trước hay bây giờ. Việt Nam có thể vượt qua các cuộc trường chinh chống giặc ngoại xâm, hay sau này là trong hành trình xây dựng đất nước, thực hiện công cuộc Đổi mới..., đều là nhờ ý chí, tinh thần Việt Nam; nhờ văn hóa, con người của dòng máu Lạc Hồng.

Văn hóa, đúng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử của dân tộc, làm nên sức sống mãnh liệt, giúp cộng đồng các dân tộc Việt Nam vượt qua bao sóng gió và thác ghềnh tưởng chừng không thể vượt qua được, để không ngừng phát triển, lớn mạnh, viết nên những trang sử lạ lùng.

Không nói đâu xa, 2 năm chống Covid-19, mọi giai tầng trong xã hội, dù già trẻ, gái trai... đã đoàn kết tạo nên một khối thống nhất, mạnh mẽ, bền bỉ và dẻo dai. Lòng yêu nước, nghĩa đồng bào, văn hóa và con người Việt Nam một lần nữa được thắp sáng, giúp Việt Nam từng bước vượt qua đại dịch. Đó cũng là một trong những “trang sử lạ lùng” của dân tộc Việt Nam.

Nhưng cùng với thành tựu, cũng có những tồn tại, hạn chế trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời gian qua. Có chuyện văn hóa Việt Nam hiện nay bị xơ cứng, mất tính sáng tạo. Có chuyện con người Việt Nam vì lợi ích cá nhân quá lớn, mà phai nhạt lý tưởng. Cũng vẫn còn chuyện giá trị văn hóa, đạo đức bị đảo lộn...

Bối cảnh ấy càng đòi hỏi chúng ta phải lan tỏa tốt hơn nữa giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Vì thế, việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào thời điểm này là cần thiết và vô cùng quan trọng.

Khi Hội nghị diễn ra, mạch nguồn “văn hóa soi đường quốc dân đi” một lần nữa được thắp sáng. Khi văn hóa, con người Việt Nam được xác định là trung tâm, là động lực của sự phát triển, khi sức sáng tạo của mỗi người được phát huy, thì khát vọng Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc sẽ được hun đúc. Đó là bước đầu tiên, quan trọng nhất để Việt Nam có thể hiện thực hóa khát vọng cường thịnh vào năm 2045.

Tin bài liên quan