Hưởng lợi từ đẩy mạnh đầu tư công, KSB quyết tâm M&A thêm doanh nghiệp sở hữu mỏ đá
Chỉ trong 1 tháng (28/3 - 28/4), cổ phiếu KSB bật tăng gần 49%, từ mức giá 12.300 đồng/cổ phiếu lên 18.300 đồng/cổ phiếu, nếu so với mức giá cao nhất trong giai đoạn này là 18.900 đồng/cổ phiếu thì mức tăng là 54%.
Diễn biến này thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào tương lai tăng trưởng của KSB khi hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công mạnh mẽ.
Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vào các dự án hạ tầng trọng điểm sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp cung cấp đá xây dựng nói chung, trong đó KSB có thể xem là một trong những “ông lớn” đầu ngành.
Bên cạnh đó, những đại dự án như sân bay Long Thành sẽ tạo ra nhu cầu lớn về đá xây dựng. Trong khi đó, nguồn cung cần có thời gian để tăng theo tương ứng.
Do đó, các doanh nghiệp đá xây dựng khu vực Ðông Nam Bộ được đánh giá hưởng lợi trước tiên (nhờ khoảng cách gần, chất lượng và trữ lượng đá tốt), bao gồm KSB.
Các mỏ đang hoạt động của KSB tính đến cuối năm 2019.
KSB hiện sở hữu nhiều mỏ đá xây dựng tại những vị trí đắc địa, gần các khu vực đang phát triển, các khu đô thị, khu công nghiệp và các thành phố của Ðông Nam Bộ.
Các mỏ đá có công suất khai thác lớn và thời hạn khai thác dài. Những yếu tố này góp phần đáng kể vào vị thế cạnh tranh của KSB.
Tuy nhiên, việc đóng cửa mỏ Tân Ðông Hiệp vào cuối năm 2019 có tác động đáng kể đến các doanh nghiệp đang khai thác tại mỏ này, cụ thể là KSB và C32.
Theo ước tính, nguồn cung đá xây dựng trong khu vực dự kiến sụt giảm hơn 5 triệu m3/năm sau khi cụm mỏ Tân Ðông Hiệp và Núi Nhỏ ngừng hoạt động, điều này sẽ góp phần tác động đến giá bán cũng như như cầu tiêu thụ đá.
KSB sẽ M&A thêm doanh nghiệp sở hữu mỏ đá nhằm hiện thực hoá mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu về cung cấp vật liệu xây dựng.
Chính vì vậy, trong những năm qua, Hội đồng quản trị, Ban điều hành KSB đã có sự chuẩn bị cần thiết cho việc đóng cửa mỏ đá Tân Ðông Hiệp thông qua việc “xuống sâu và mở rộng” để gia tăng sản lượng ở các mỏ hiện hữu khác, cũng như tích cực tìm kiếm và thực hiện M&A doanh nghiệp đang sở hữu mỏ đá lớn, chất lượng tốt tương đương mỏ Tân Ðông Hiệp.
Theo chia sẻ của KSB, dự kiến năm 2020, lượng hàng tồn kho từ năm trước cũng như việc mở rộng và tăng sản lượng từ mỏ Phước Vĩnh, Tân Mỹ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh của Công ty.
Ðồng thời, KSB đã có đề án trình UBND tỉnh Bình Dương xem xét đánh giá và điều chỉnh quy hoạch khai thác xuống sâu -150 m với mỏ Tân Mỹ và -100 m với mỏ Phước Vĩnh.
Bên cạnh đó, Công ty đẩy nhanh tiến độ xin giấy phép mỏ Tam Lập với trữ lượng gần 10 triệu m3, độ sâu khai thác -20 m, diện tích 18,55 ha.
Thực tế những năm qua, KSB đã sở hữu thêm nhiều mỏ đá mới thông qua mua lại cổ phần tại Công ty Phú Nam Sơn, Huệ Minh và HTX Thăng Long trong năm 2018, góp phần gia tăng sản lượng khai thác của Công ty trong năm 2019 và sẽ bù đắp phần nào thiếu hụt sản lượng từ việc dừng khai thác mỏ Tân Ðông Hiệp trong năm 2020 - 2021.
Hiện tại, chiến lược M&A này tiếp tục được Hội đồng quản trị KSB triển khai, quyết tâm thực hiện M&A thêm doanh nghiệp sở hữu mỏ đá trong năm 2020 nhằm hiện thực hoá mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu về cung cấp vật liệu xây dựng, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để nắm bắt cơ hội tăng trưởng của thị trường.
Tạo sự khác biệt trong thu hút đầu tư với hệ sinh thái khu công nghiệp
Báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDIRECT mới đây nhận xét, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có nhiều chuyển biến trong giai đoạn nửa cuối năm 2019 khiến dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam chậm lại và làm chậm xu hướng chuyển dịch nhà máy khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến kinh tế thế giới, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến xu hướng chuyển dịch nhà máy ra khỏi Trung Quốc tái khởi động.
VNDIRECT cho rằng, Việt Nam đã sẵn sàng trở thành một trung tâm sản xuất thay thế nhờ vào vị trí gần Trung Quốc và lực lượng lao động chi phí thấp.
Theo đó, các công ty phát triển khu công nghiệp có nhiều triển vọng do nhu cầu đất công nghiệp tăng mạnh. Tuy nhiên, mỗi công ty có đặc điểm khác nhau với từng thách thức và cơ hội riêng biệt.
Ðối với KSB, trong quý I/2020, tình hình cho thuê khu công nghiệp vẫn thuận lợi cả về giá và diện tích thuê mới.
Dự kiến, trong 3 - 5 năm tới, kinh doanh khu công nghiệp vẫn là mảng có đóng góp quan trọng vào hoạt động kinh doanh của KSB. Tính đến cuối quý I/2020, KSB có khoản doanh thu chưa thực hiện hơn 746 tỷ đồng.
Mảng bất động sản khu công nghiệp của KSB.
Theo kế hoạch, năm 2020, KSB sẽ đẩy mạnh công tác đền bù kinh doanh khu công nghiệp giai đoạn 2 mở rộng với diện tích còn lại khoảng 200 ha.
Cụ thể, Khu công nghiệp Ðất Cuốc nằm ở xã Ðất Cuốc, tỉnh Bình Dương, diện tích hơn 553 ha sau khi mở rộng. Cho thuê Khu công nghiệp Ðất Cuốc được chia ra làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 là 349 ha và giai đoạn 2 là 204 ha. Hiện KSB đã đền bù xong giai đoạn 1.
Năm 2020, Hội đồng quản trị KSB chỉ đạo thực hiện hoàn thành quy hoạch Khu công nghiệp Ðất Cuốc tỷ lệ 1:5000 cho 500 ha và quy hoạch chi tiết giai đoạn 2 tỷ lệ 1:2000. Ðền bù giải tỏa và đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng để chuyển 40 ha đất công nghiệp cho thuê theo kế hoạch năm 2020.
Ðồng thời, KSB tiếp tục tìm kiếm các khách hàng có quy mô vừa và nhỏ nhằm phát triển mảng bất động sản khu công nghiệp, phát triển hệ sinh thái khu công nghiệp nhằm tạo ra sự khác biệt trong thu hút đầu tư.
Kế hoạch kinh doanh năm 2020 của KSB.
Về kế hoạch nguồn vốn, năm 2019, KSB đã phát hành trái phiếu dài hạn và ngắn hạn, vay và thuê tài chính nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động mở rộng sản xuất - kinh doanh của Công ty.
Trong năm 2020, KSB có khoản trái phiếu đến hạn. Ðể thu xếp nguồn trả nợ, Công ty đã dự phòng nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, nguồn thu từ khu công nghiệp, đảm bảo khả năng thanh toán khi trái phiếu đến hạn.
Ðối với các khoản huy động trái phiếu hoặc huy động vốn mới trong năm 2020, KSB cho biết, chủ yếu để tài trợ cho việc mở rộng khu công nghiệp giai đoạn 2 và M&A các doanh nghiệp đá.
Với những hoạt động trên, KSB đặt kế hoạch năm 2020 với doanh thu 1.476,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 320 tỷ đồng.