Khoảng lặng của các thông tin hỗ trợ

Khoảng lặng của các thông tin hỗ trợ

(ĐTCK) Khối ngoại lại tiếp tục hoạt động bán ròng, nóng tỷ giá “chợ đen”, giá vàng nhảy múa trồi sụt… trong bối cảnh các DN bắt đầu công bố kết quả kinh doanh bán niên.

Những thông tin trên sẽ tác động ra sao tới TTCK trong ngắn hạn? ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Tống Minh Tuấn (ảnh), Trưởng phòng Phân tích Nghiên cứu, CTCK Vietcombank.

 

Theo ông, bức tranh kết quả kinh doanh nửa đầu năm của khối DN niêm yết sẽ có màu nào chủ đạo? Đến cuối năm, liệu tình hình có sáng sủa hơn?

Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,5%, chỉ số quản lý mua hàng PMI tháng 6 sụt giảm trong bối cảnh sức cầu còn yếu, cho thấy tình hình sản xuất - kinh doanh của các DN chưa có sự cải thiện rõ ràng. Theo tôi, kỳ công bố kết quả kinh doanh sắp tới sẽ có sự phân hóa rõ nét, các DN đầu ngành với ưu thế về vốn và thị phần có thể vẫn có những kết quả khả quan. Trong khi đó, tình hình khá nan giải với các DN vừa và nhỏ.

Về cuối năm, cùng với kỳ vọng về sự khởi sắc của nền kinh tế, sức cầu được cải thiện kết hợp với dự báo lãi suất cho vay sẽ có xu hướng giảm và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ DN rõ nét hơn, kết quả kinh doanh của các DN cũng sẽ được dần cải thiện, đặc biệt là trong giai đoạn cuối quý III và quý IV.

 

Với việc NĐT lo ngại về triển vọng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, cộng thêm việc điều chỉnh tỷ giá và dòng tiền đổ mạnh vào vàng gần đây, TTCK có gặp bất lợi?

Chúng tôi tiếp tục duy trì nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng. Tuy nhiên trong ngắn hạn, có thể xem là khoảng lặng về thông tin hỗ trợ.

Việc điều chỉnh tỷ giá tuy có phần bất ngờ về thời điểm, nhưng cũng đã được dự tính từ trước về chủ trương trong điều hành tỷ giá năm 2013. Theo tôi, việc điều chỉnh tại thời điểm này xuất phát từ lo ngại áp lực nhập siêu khi nền kinh tế phục hồi và các ngành công nghiệp của Việt Nam bắt đầu tăng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Hơn nữa, đồng USD trên thị trường quốc tế cũng mạnh lên khi nền kinh tế Mỹ khởi sắc hơn và tuyên bố hạn chế gói QE3 của Fed.

Về thị trường vàng, theo tôi, đang phản ánh tâm lý đầu tư của người dân chưa ổn định. Đó là sự bối rối của tâm lý đầu tư chung, chứ không có tác động rõ rệt xấu hay tốt đối với TTCK theo nghĩa chia sẻ nguồn tiền. 

 

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện là thời điểm đầu tư vào cổ phiếu bất động sản do kỳ vọng thị trường này có thể hưởng lợi từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Quan điểm của ông như thế nào?

Gói hỗ trợ là yếu tố tích cực trong việc góp phần giải quyết một phần nhỏ hàng tồn kho bất động sản. Tuy nhiên, xét về cả quy mô vốn lẫn lĩnh vực ưu tiên thì tác động đến TTCK nói chung là không nhiều. Năm 2013, các DN ngành này vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn, do đó sự phục hồi của các cổ phiếu bất động sản chỉ mang tính ngắn hạn khi đã giảm quá sâu, chứ khó có bước tăng trưởng đột biến.

 

Theo ông, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12%/năm liệu có thực hiện được khi mà lãi suất cho vay khó giảm tiếp và đâu là yếu tố sẽ tác động vào TTCK cuối năm?

Đến cuối năm, lãi suất huy động khó có dư địa để giảm tiếp, nhưng lãi suất cho vay vẫn có thể giảm nhẹ so với thời điểm hiện tại, nhất là sau khi nhiều khoản tiền gửi với kỳ hạn dài, lãi suất cao đáo hạn và áp dụng mức lãi suất mới thấp hơn.

6 tháng cuối năm 2013, với kỳ vọng về sự cải thiện của lực cầu cũng như sự khởi sắc trong hoạt động của các DN, nhu cầu vốn nhiều khả năng cũng tăng cao hơn. Theo đó, chúng tôi dự báo tín dụng sẽ tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm và có thể sẽ đạt mục tiêu 12% đề ra.

Nếu các số liệu về tăng trưởng tín dụng trong các tháng tới tiếp tục có dấu hiệu cải thiện rõ nét hướng tới mục tiêu 12%, thì đây sẽ là thông tin hỗ trợ rất tốt cho TTCK.

Khối ngoại lại tiếp tục hoạt động bán ròng trong vài phiên gần đây. Theo ông, áp lực bán này liệu có tăng mạnh trở lại và kéo dài đến khi nào?

Nguyên nhân bán ròng của khối ngoại chủ yếu là do những diễn biến xấu trên thị trường thế giới. Những quan ngại về Trung Quốc như nền kinh tế giảm tốc, tăng trưởng tín dụng quá nóng, lãi suất liên ngân hàng tăng lên mức kỷ lục kéo theo lo ngại về thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, trong khi đó nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu hồi phục tích cực cùng với phát biểu của Chủ tịch Fed về khả năng sẽ tiến tới ngừng chương trình QE3 vào giữa năm 2014. Những thông tin kể trên đã thúc đẩy các quỹ cơ cấu lại danh mục, tạo nên áp lực rút vốn khỏi các thị trường biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Áp lực bán này kéo dài hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố thế giới, nhất là từ phía nền kinh tế Trung Quốc. Chúng tôi đánh giá, đây cũng là một trong những rủi ro đáng kể mà các NĐT phải cân nhắc. Nếu nền kinh tế Trung Quốc không có dấu hiệu xấu thêm thì áp lực rút vốn của khối ngoại sẽ sớm kết thúc và ngược lại. Điều này diễn ra không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở các thị trường biên và mới nổi khác.