Ông Trần Hữu Huỳnh.

Ông Trần Hữu Huỳnh.

Khó “xén” thủ tục hành chính vì ngại đụng chạm

(ĐTCK-online) Việc triển khai Đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính (TTHC) trên lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 30) đang đi vào giai đoạn cam go nhất, đó là cắt giảm các TTHC không cần thiết. Phản ánh của nhiều, bộ, ngành, địa phương cho thấy, quá trình tổ chức "xén" các thủ tục này đang gặp nhiều trắc trở. Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, trong đó có tư tưởng ngại đụng chạm...

Ông có thể chỉ rõ hơn những nguyên nhân khiến việc cắt giảm TTHC không cần thiết đang gặp cản trở?

Với tư cách là cơ quan đại diện cho cộng đồng DN được Thủ tướng Chính phủ giao tham gia góp ý cho các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh, cũng như thường xuyên lắng nghe ý kiến của các DN, VCCI nhận thấy có nhiều lý do khiến các bộ, ngành, địa phương khó cắt giảm TTHC. Đó là tâm lý ngại đụng chạm, nể nang nhau trong các cấp quản lý. Dường như họ còn có tư tưởng "lo quá xa" về nguy cơ khó thực thi được chức năng quản lý nhà nước khi TTHC bị "xén", với cái lý nếu đơn giản hoá TTHC sẽ khiến các đối tượng bị quản lý dễ "xé rào". Ở một khía cạnh khác, đó là tâm lý e ngại việc cắt giảm TTHC sẽ ảnh hưởng đến lợi ích, quyền lực của các cơ quan, cán bộ thực thi công vụ. Một lý do nữa rất quan trọng, đó là "xén" TTHC phải gắn với "cắt" con người. Nên nhớ, thủ tục gắn với cán bộ, với tổ chức bộ máy. Bởi vậy, nếu vẫn con người ấy, vẫn bộ máy cũ, thì chuyện cắt giảm TTHC tất yếu gặp trở ngại. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải tự đấu tranh quyết liệt với chính mình, thì mới hoàn thành được chỉ tiêu cắt giảm 30% TTHC không cần thiết gắn với giảm 30% chi phí tuân thủ TTHC cho người dân, DN như chỉ đạo của Chính phủ.

 

Theo như ý của ông, thì việc đó đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải tự "phân thân" thành một "con người khác" ngay trong chính bản thân mình, đó là chủ thể phải mang tư tưởng quyết liệt muốn cắt giảm TTHC để thắng chủ thể có tư tưởng ngược lại luôn hiệu hữu, thì mới có thể cắt giảm thành công TTHC không cần thiết?

Đúng là không ai cũng có thể dễ dàng nhận ra khiếm khuyết của mình và càng khó hơn khi công bố công khai những khiếm khuyết đó cho người khác biết. Tuy nhiên, tư duy quản trị công hiện đại đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải dũng cảm thừa nhận những TTHC nào đã thuộc về lịch sử, có nghĩa là nó đã phát huy hiệu quả tốt trong một giai đoạn cụ thể, nhưng hiện tại thì không, để dũng cảm "chặt" đi vì lợi ích chung. Muốn thực hiện thành công Đề án 30, ngoài đòi hỏi tinh thần tự giác cao của các cơ quan quản lý trong việc tự tổ chức rà soát, cắt giảm các TTHC, rất cần sự giám sát, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Chính phủ.

 

Dẫu sao đó là những giải pháp cần triển khai trước mắt, để thực hiện được mục tiêu của Đề án 30 là ưu tiên cắt giảm 256 TTHC. Vấn đề là tư duy xây dựng hệ thống pháp luật cần thay đổi như thế nào, để không phải có những cuộc "ra quân" cắt giảm tốn kém và đối mặt với nhiều khó khăn như đang gặp phải?

Bất cứ một văn bản pháp luật nào được xây dựng, ban hành cũng phải hết sức chú ý đến khía cạnh kinh tế của nó, nghĩa là ngoài phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước, còn phải đơn giản, dễ thực thi để tiết kiệm chi phí, công sức cho các đối tượng bị điều chỉnh. Do đó, việc thay đổi tư duy xây dựng luật pháp cần được thể hiện rõ nét trong các văn bản quy phạm pháp luật sắp ban hành, để giảm đến mức thấp nhất các TTHC không cần thiết phát sinh, đồng thời, khi nảy sinh vấn đề "vênh" với thực tế cần chỉnh sửa ngay, chứ không nên để "dồn toa" như thời gian qua. Muốn vậy, việc xây dựng luật cần tuân theo các chuẩn mực quốc tế. Theo đó, các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng, ban hành cần đảm bảo các nguyên tắc: phải rõ ràng, dễ thực thi; có sự tham gia của đối tượng bị điều chỉnh ngay từ quá trình soạn thảo; đảm bảo tính thống nhất, không trùng lắp với các văn bản quy phạm pháp luật khác… Để đạt mục tiêu này, một tư tưởng xuyên suốt trong tư duy xây dựng, cũng như tổ chức thực thi pháp luật mà các quốc gia đang áp dụng rất thành công là: thường xuyên chú trọng nguyên tắc "lọc nước song song" đối với hệ thống pháp luật: lọc nước trước khi vào bể và lọc nước trong bể. Nghĩa là ngay từ khâu soạn thảo luật đã phải xây dựng rất kỹ lưỡng, để đảm bảo tính khả thi cao khi luật có hiệu lực, kèm theo đó phải có cơ chế thường xuyên rà soát, đánh giá hệ thống các luật đang còn hiệu lực, để kịp thời phát hiện những vấn đề bất hợp lý, để nhanh chóng sửa đổi. Chúng ta hy vọng nguyên tắc này sớm được luật hoá, bởi Quốc hội đã đưa Luật Thủ tục hành chính vào chương trình xây dựng luật khoá XII.