Khủng hoảng tiền tệ ở các thị trường mới nổi hiện nay phần nào là hậu quả của những cải cách kinh tế nửa vời trong quá khứ.

Khủng hoảng tiền tệ ở các thị trường mới nổi hiện nay phần nào là hậu quả của những cải cách kinh tế nửa vời trong quá khứ.

Khó như làm chính sách kinh tế ở thị trường mới nổi

(ĐTCK) Bất thình lình, các nước có thị trường mới nổi tái nhận ra một điều là, làm chính sách kinh tế mới khó khăn làm sao. Vậy họ có thể làm được gì?

Trong nhiều năm qua, những ảnh hưởng của toàn cầu hóa, các hoạt động tái cấu trúc trong quá khứ và các dòng tiền nóng đã tạo ra tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở các thị trường mới nổi. Công dân của các nước này đã cảm thấy tốt hơn khi đồng tiền được tăng giá để kiềm chế lạm phát, tăng sức mua, khiến họ có thể nhập khẩu nhiều hơn bao giờ hết. Tầng lớp trung lưu đang giàu nhanh ở Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Indonesia và Nam Phi trở nên sính dùng xe hơi của Đức và đồ điện tử của Nhật. Thậm chí, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cũng chỉ tạm thời làm gián đoạn niềm hứng khởi của họ.

Hơi ngạc nhiên là các nhà hoạch định chính sách ở các nước mới nổi này bắt đầu nguôi tham vọng, trong khi các nhà đầu tư rơi vào tự mãn. Vấn đề nảy sinh từ đây.

Đồng tiền của các nước này hiện đang liên tục mất giá một cách không thể cứu vãn. Nhiều người đổ lỗi cho thông điệp của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) về việc sẽ bắt đầu giảm lưu lượng gói kích thích kinh tế Mỹ từ mùa Thu này. Nhưng cho dù hành động của Fed có gây ra những ảnh hưởng rõ ràng thì nguyên nhân thực sự cũng còn bao gồm nhiều thứ khác.

Những thay đổi về cơ cấu trong quá khứ ở các nền kinh tế này thường theo cách “an toàn là trên hết”. Chúng thường có xu hướng dễ dãi và ít tác dụng phụ hơn là có đột phá nhưng mạo hiểm về chính trị.

Ổn định chính trị dường như được bảo đảm bằng tăng trưởng kinh tế. Nhưng lợi ích biên cho những cải cách dễ dãi đó đã bắt đầu giảm dần, trong khi những thay đổi cộng thêm - như cải thiện nguồn nhân lực thông qua đào tạo, cải thiện về thể chế, về hạ tầng công ích - chậm được ban hành và triển khai. Tác động chống lạm phát của toàn cầu hóa cũng bắt đầu chậm lại. Tất cả đang khiến nhiều người dân trở nên bất mãn. Họ cho rằng, tiến trình thay đổi đã diễn ra quá chậm chạp.

Hiện tại, các NĐT quốc tế đang ngày càng lo lắng về sự thâm hụt nặng nề trong tài khoản vãng lai của các nền kinh tế mới nổi này và càng lo hơn khi nguy cơ Fed ngừng nới lỏng tiền tệ.

Sự kết hợp của hai nhân tố trên đã dẫn đến hiện tượng đảo chiều đột ngột của các dòng vốn, khiến đồng tiền của các nước mới nổi mất giá nhanh chóng trong sự lo sợ của cả người dân địa phương lẫn các NĐT quốc tế về một cuộc khủng hoảng chính trị pha lẫn lạm phát đình đốn.

Ở một mức độ nào đó và theo cơ chế tự phản ứng của thị trường, các vấn đề của các nước này tự được xử lý. Chẳng hạn, sự lao dốc của các đồng tiền sẽ làm cho các ngành nghề trong nước trở nên cạnh tranh hơn và giúp xử lý thâm hụt cán cân vãng lai. Tuy nhiên, như Anh quốc cho thấy, quá trình đó có thể diễn ra chậm chạp và không bằng phẳng, đặc biệt nếu lĩnh vực xuất khẩu đã bị bóp nghẹt bởi việc tăng giá đồng tiền trong quá khứ. Các nước mới nổi hiện nay cần thời gian để đầu tư tăng năng lực cạnh tranh và tìm ra các sản phẩm mà các nước khác sẵn sàng mua về. Nhưng cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ tăng và các bất ổn chính trị cũng lớn dần.

Vậy có cách nào tốt hơn để vượt qua được những gì mà các nước mới nổi đang phải trải qua? Nhìn chung, đó là một kho dự trữ ngoại hối đủ lớn, dùng làm đệm đỡ cho các đồng tiền chống lại sự tấn công từ thị trường.

Menzie Chinn, giáo sư kinh tế của Đại học Wisconsin, bình luận trên blog của mình rằng, Hàn Quốc, nước hiện có dự trữ ngoại hối lớn, đến nay đã có thể miễn trừ được các cuộc tấn công từ thị trường, không giống như Ấn Độ, có dự trữ ngoại hối ít hơn nhiều, sẽ rất dễ bị tấn công mà không đủ sức chống đỡ.

Với những nước không có đủ lượng dự trữ ngoại hối, tăng mạnh lãi suất là một cách có thể hạn chế được dòng tiền chảy ra. Ngoài ra, trong trường hợp khẩn cấp, các nước có thể sử dụng biện pháp hành chính là kiểm soát dòng vốn, như Malaysia từng làm năm 1998.

Tuy nhiên, đó đều là các giải pháp mang tính tình thế. Các cuộc khủng hoảng có nguyên nhân cơ cấu sẽ không thể được giải quyết triệt để bằng các biện pháp đó mà phải cần đến các biện pháp mang tính cơ cấu. Trong lịch sử, Quỹ Tiền tệ quốc tế đã ủng hộ việc phá giá tiền tệ và tái cấu trúc nợ đi cùng với tái cấu trúc tài khóa, bao gồm tăng thuế và giảm chi tiêu, trong đó có trợ giá - bởi các thị trường mới nổi thường có phần lớn dân số thuộc diện nghèo, nên giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu cần được chính phủ duy trì ở mức thấp.

Hiện tại, điều mà tất cả ngân hàng trung ương của các nước đang phát triển muốn là, tăng trưởng kinh tế Mỹ đủ yếu để Fed tiếp tục bơm thanh khoản vào hệ thống. Như thế, họ sẽ có thêm thời gian để tìm ra cách giải quyết tối ưu cho các vấn đề của mình.