Thoái vốn bế tắc vì nhiều nguyên nhân
Theo Quyết định số 1001 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của SCIC đến năm 2020, trong giai đoạn 2017 - 2020, SCIC sẽ thực hiện cổ phần hóa và bán vốn tại 5 công ty TNHH, bán vốn nhà nước tại 132 công ty cổ phần.
Trong số các doanh nghiệp mà SCIC đã tiếp nhận đến nay, 80% doanh nghiệp có quy mô nhỏ, nằm rải rác ở nhiều địa phương, tỷ lệ sở hữu nhà nước thấp, tồn tại về tài chính, quản trị…, do vậy không thu hút nhà đầu tư.
Qua rà soát, hiện còn khoảng 70 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ nhiều năm, đang tiến hành phá sản hoặc thuộc diện giám sát đặc biệt, không có nhà đầu tư quan tâm, nên khó bán vốn; trong đó, có một số doanh nghiệp đã triển khai bán vốn nhiều lần nhưng không thành công.
Việc bán vốn của SCIC phải đối mặt với không ít khó khăn, bao gồm các khó khăn chung của thị trường chứng khoán, vướng mắc tại điều lệ doanh nghiệp, phải dừng bán vốn do chỉ đạo hoặc đề xuất của địa phương…
Ngày 8/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Tiếp đó, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 59/2018/TT-BTC ngày 16/7/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 219/2015/TT-BTC về hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 91/2015/NĐ-CP.
Nghị định 32/2018/NĐ-CP và Thông tư 59/2018/TT-BTC có một số quy định mới liên quan đến việc xác định giá khởi điểm bán cổ phần của SCIC tại doanh nghiệp, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về phương pháp xác định giá trị quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm; việc xác định chênh lệch tiền thuê đất còn lại tính theo phương pháp chiết khấu dòng chênh lệch của từng năm trong tương lai về hiện tại hay cộng cơ học đơn thuần; chưa hướng dẫn về giá đất tại thời điểm có hợp đồng hoặc quyết định cho thuê đất.
Về giá trị quyền sở hữu trí tuệ và tài sản vô hình khác, bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử khác, chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung “tổng giá trị thực tế phần vốn nhà nước, vốn của DNNN” là giá trị xác định trên cơ sở vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính hay vốn chủ sở hữu do đơn vị có chức năng thẩm định giá xác định lại.
Về thời hạn công bố thông tin, theo quy định tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP, giá khởi điểm được quy định phải công bố thông tin cùng các tài liệu bán vốn khác trong thời gian tối thiểu 20 ngày trước ngày đấu giá/chào bán.
Trong điều kiện thị trường biến động, việc công bố sớm giá khởi điểm có thể dẫn tới tình trạng mức giá này sẽ không còn phù hợp tại thời điểm đấu giá (vì giá bán cổ phần không được thấp hơn giá sàn).
Bên cạnh đó, Nghị định 32/2018/NĐ-CP quy định về việc bán đấu giá cổ phần tại doanh nghiệp niêm yết qua Sở giao dịch chứng khoán. Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quy chế mẫu bán đấu giá cổ phần tại doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp niêm yết nói riêng thực hiện đấu giá tại Sở giao dịch chứng khoán theo quy định tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP.
Tuy nhiên, đây là quy chế mẫu bán đấu giá cổ phần tại doanh nghiệp nói chung, nên có những nội dung không phù hợp với đặc thù hoạt động bán vốn của SCIC - đơn vị chuyên ngành về quản lý và kinh doanh vốn nhà nước.
Khó khăn về xử lý công nợ
Trước khi thoái vốn, SCIC sẽ phải thu hồi tất cả các khoản nợ còn tồn đọng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp, công tác thu hồi công nợ của SCIC gặp rất nhiều khó khăn.
Bản chất của khoản nợ phải thu cổ tức là khoản phải thu phi thương mại, không phát sinh từ giao dịch thương mại truyền thống như bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Các khoản nợ quá hạn, nợ khó đòi chủ yếu phát sinh từ cổ tức tại các doanh nghiệp chưa niêm yết.
Nguyên nhân dẫn đến các khoản nợ tồn đọng, thứ nhất là do một số doanh nghiệp chưa niêm yết thông báo trả cổ tức, nhưng thời điểm chốt danh sách cổ đông cũng như thời điểm trả cổ tức không rõ ràng.
Điều này dẫn đến khó khăn trong việc SCIC ghi nhận cũng như đánh giá, phân loại nợ phải thu; khó thống nhất giữa SCIC và doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp 2014 (Điều 132) quy định, cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp đại hội cổ đông thường niên, nhưng pháp luật chưa có chế tài xử lý doanh nghiệp chậm, trì hoãn việc trả cổ tức.
Trên thực tế, SCIC chỉ có thể đề nghị doanh nghiệp chi trả cổ tức trên tinh thần đôn đốc hợp tác, còn tính pháp lý để yêu cầu, khiếu kiện là không cao.
Có doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc bố trí dòng tiền trả cổ tức, do khả năng quản trị dòng tiền chưa tốt.
Tuy nhiên, về lý thuyết, doanh nghiệp căn cứ vào kết quả kinh doanh để quyết định tỷ lệ chi trả cổ tức hợp lý và đã được đại hội đồng cổ đông thông qua. Vì thế, các doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng trả cổ tức, bởi việc chốt thời hạn trả được quyết định khi hoạt động kinh doanh trong kỳ đã được thực hiện.
Chỉ có một số doanh nghiệp thực sự có tình hình tài chính khó khăn, thông thường nợ cổ tức trong trường hợp này là cổ tức phát sinh từ nhiều năm trước, còn thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh.
Tùy từng doanh nghiệp, SCIC có thể thực hiện bán vốn để bảo toàn vốn đầu tư, nhưng vẫn còn nợ phải thu cổ tức. Trong trường hợp này, SCIC thường yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết, lộ trình trả nợ.
Mặc dù vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng hợp tác trong việc ký cam kết trả nợ, hoặc đã ký cam kết nhưng doanh nghiệp sau khi bán vốn vẫn không trả được nợ, hoặc ban điều hành doanh nghiệp mới không thống nhất với cam kết trước đây… dẫn đến cam kết không được thực thi, việc xử lý pháp lý cũng tốn thời gian, chi phí.
Còn khoảng 70 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ nhiều năm, đang tiến hành phá sản hoặc thuộc diện giám sát đặc biệt, nên khó bán vốn.
Những năm qua, SCIC chủ động rà soát đối chiếu công nợ với các doanh nghiệp, thường xuyên thực hiện việc đôn đốc thu nợ thông qua các công văn đôn đốc nợ, thành lập các đoàn công tác đi đôn đốc, đối chiếu thu hồi công nợ…, coi thu hồi công nợ là chỉ tiêu KPI cần đạt được đối với các đơn vị và chuyên viên quản lý doanh nghiệp.
Vậy nhưng, kết quả thu được còn hạn chế, do bản thân các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả nên không có tiền trả nợ; pháp luật chưa có chế tài đủ mạnh (như khởi kiện, yêu cầu phong tỏa tài khoản) để buộc doanh nghiệp trả nợ, kể cả nợ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; thiếu sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng do coi đây là vụ việc dân sự; pháp luật chưa cho phép ưu tiên bán thỏa thuận cổ phần của SCIC tại doanh nghiệp cho nhà đầu tư sẵn sàng trả nợ/cam kết trả nợ thay.
Kiến nghị giải pháp
SCIC cho rằng, việc thiết lập cơ chế hợp tác mua bán nợ giữa SCIC và Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) là giải pháp có tính thực tiễn, xuất phát từ năng lực của DATC trong hoạt động mua bán nợ và tái cơ cấu doanh nghiệp.
Nếu cơ chế này được xây dựng và thực thi, những khoản nợ xấu, nợ khó đòi tại các doanh nghiệp theo lộ trình thoái vốn của SCIC sẽ được xem xét, đàm phán để bán lại cho DATC.
Điều này sẽ đem lại những lợi ích đáng kể cho các bên: một mặt giúp SCIC đẩy nhanh quá trình bán vốn, kịp thời thu hồi vốn cho Nhà nước, hoàn tất quá trình cổ phần hóa toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp; mặt khác, với việc tái cơ cấu, chuyển khoản nợ thành vốn góp, DATC trong vai trò cổ đông sẽ hỗ trợ hội đồng quản trị và ban điều hành doanh nghiệp cải tiến công tác quản trị và tình hình tài chính, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp và cổ đông.
Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp lâm vào tình trạng giải thể, phá sản, việc tham gia của DATC vào quá trình mua nợ từ SCIC và tái cơ cấu doanh nghiệp là rất cần thiết, nhằm giúp doanh nghiệp sớm vượt qua khủng hoảng, từng bước ổn định hoạt động.
Hiện tại, danh mục của SCIC đang tồn tại một số doanh nghiệp thuộc diện này, tiêu biểu như Công ty cổ phần Nuôi và dịch vụ thủy đặc sản Thừa Thiên Huế, Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại công nghiệp, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vĩnh Lợi.
Thực tế, SCIC đã hợp tác với DATC trong quá trình xử lý công nợ tại các doanh nghiệp, nhưng kết quả còn hạn chế.
Chẳng hạn, trường hợp Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông Đồng Tháp, do thua lỗ mất hết vốn chủ sở hữu, mất khả năng thanh toán, nên căn cứ Nghị định 151/2013/NĐ-CP và phê duyệt của Bộ Tài chính, sau khi bán đấu giá cổ phần không thành công, SCIC đã bán thỏa thuận cho DATC 51% vốn điều lệ (7,9 tỷ đồng) với giá tượng trưng.
Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp vẫn nợ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp số tiền 6,6 tỷ đồng, do chưa có cơ chế để bán nợ về Quỹ cùng với phần vốn của SCIC.
Để có thể tạo lập và triển khai cơ chế hợp tác giữa SCIC và DATC nói riêng cũng như các tổ chức mua bán nợ nói chung, cần có hành lang pháp lý phù hợp.
Cụ thể, nội dung này phải được thể chế hóa trong Nghị định về chức năng, nhiệm vụ của SCIC, cho phép SCIC được bán nợ tại doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình thoái vốn, đồng thời chỉ rõ những trường hợp nào có thể bán nợ cũng như nguyên tắc và cách thức xác định giá bán của các khoản nợ.
Bên cạnh đó, phần lớn các khoản nợ cần xử lý là nợ cổ tức, giá trị không lớn, nếu có chuyển đổi thành cổ phần thường cũng không đủ để chiếm tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp, nên tính hấp dẫn của những “món hàng” này không cao.
Vì vậy, Nhà nước cần cho phép SCIC được đa dạng hóa trong phương thức bán nợ. Chẳng hạn, thay vì bán từng khoản nợ đơn lẻ thì SCIC được bán theo gói đối với các khoản nợ tại một số doanh nghiệp cùng ngành hoặc cùng chuỗi giá trị, bán theo gói “bia kèm lạc” giữa doanh nghiệp có tiềm năng phát triển tốt với doanh nghiệp thua lỗ…