Sacombank dự kiến tăng vốn lên trên 14.852 tỷ đồng trong năm nay bằng nguồn cổ phiếu chia cổ tức năm 2013, 2014

Sacombank dự kiến tăng vốn lên trên 14.852 tỷ đồng trong năm nay bằng nguồn cổ phiếu chia cổ tức năm 2013, 2014

Khó khăn, ngân hàng vẫn quyết tăng vốn

(ĐTCK) Không chỉ nhà băng lớn, mà ngay cả ngân hàng nhỏ đang đứng trước nguy cơ sáp nhập cũng lên kế hoạch huy động vốn. Phương thức chủ yếu vẫn là phát hành cổ phiếu thưởng, chia cổ tức bằng cổ phiếu.
 

Tại ĐHCĐ thường niên 2015, Saigonbank đã trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng năng lực tài chính.

Kế hoạch tăng vốn từng được nhà băng này đưa ra trong năm 2014, nhưng không thực hiện được. Phát biểu tại ĐHCĐ Saigonbank ngày 24/4, Cục trưởng Cục II Cơ quan giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Dũng cho rằng, một khi đưa ra kế hoạch tăng vốn trong năm nay, Saigonbank phải có giải pháp để đạt được.

Mặc dù không nằm trong danh sách tái cấu trúc bắt buộc theo yêu cầu của NHNN đưa ra, song với quy mô vốn điều lệ còn khiêm tốn cùng sức cạnh tranh trên thị trường hạn chế, Saigonbank cũng phải từng bước đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc để có thể tồn tại.

Theo đó, nhóm biện pháp cơ cấu lại hoạt động của SaigonBank đưa ra gồm: tái cấu trúc danh mục vốn đầu tư, tăng hiệu quả kinh doanh từ việc khai thác các tài sản ngân hàng hiện có; hình thành các bộ phận nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng theo đối tượng khách hàng; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ và tăng dần tỷ trọng thu nhập phi tín dụng trong cơ cấu thu nhập; đồng thời, tích cực triển khai các giải pháp hạn chế và giảm dần nợ xấu, đẩy mạnh xử lý nợ theo đề án đã được NHNN thông qua.

Tuy nhiên, với mức vốn điều lệ hiện nay chỉ trên 3.000 tỷ đồng và nợ xấu vẫn là mối quan tâm lớn của Saigonbank thì việc tái cơ cấu cũng là vấn đề khó đối với Saigonbank. Saigonbank khó tránh được vòng xoáy M&A và gần đây trên thị trường đã xuất hiện thông tin đồn đoán về việc Saigonbank sẽ sáp nhập vào Vietcombank.

Một số ngân hàng khác đang quá trình tái cơ cấu cũng có kế hoạch tiếp tục nâng vốn điều lệ. Chẳng hạn, SCB, tại kỳ ĐHCĐ thường niên diễn ra ngày 26/4 vừa qua, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc cho biết, Ngân hàng vừa được NHNN chấp thuận tăng vốn thêm 2.000 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên trên 14.295 tỷ đồng; trong đó, có 2 quỹ đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn lần này, với tỷ lệ nắm giữ gần 15%. Chiến lược của SCB là tiếp tục thu hút thêm vốn ngoại để nâng cao năng lực tài chính và sức cạnh tranh trên thị trường sau giai đoạn tái cấu trúc.

Còn với OCB mặc dù đã được NHNN chấp thuận cho tăng vốn từ 3.234 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng trong năm 2014, nhưng kết thúc 2014, OCB mới hoàn tất việc tăng vốn lên hơn 3.547 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu thưởng 10% cho cổ đông hiện hữu, là 324,4 tỷ đồng.

Trong kỳ ĐHCĐ thường niên vừa mới diễn ra, HĐQT nhà băng này đã trình cổ đông thông qua kế hoạch nâng vốn lên 4.500 tỷ đồng.

Theo lý giải của HĐQT OCB, để thực hiện kế hoạch mở rộng mạng lưới giao dịch trong năm nay, đồng thời đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc, OCB cần tăng năng lực tài chính lên 4.500 tỷ đồng. Phương thức phát hành là 5% cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu (tương đương với trên 172 tỷ đồng từ lợi nhuận 2014). Ngoài ra, OCB phát hành riêng lẻ cho đối tác chọn lọc trên 338 tỷ đồng.

Kế hoạch đưa ra cho năm nay ABBank sẽ tăng vốn từ trên 4.797 tỷ đồng lên 5.320 tỷ đồng, nhưng thông qua việc phát hành cổ phiếu từ nguồn thặng dư vốn cổ phần và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Tổng vốn tăng thêm của ABBank là trên 522 tỷ đồng.

Một số nhà băng quy mô lớn cũng trình kế hoạch tăng vốn trong kỳ ĐHCĐ vừa qua. Cụ thể, Sacombank dự kiến tăng vốn lên trên 14.852 tỷ đồng trong năm nay bằng nguồn cổ phiếu chia cổ tức năm 2013 (8,5%) và năm 2014 (12%) cho cổ đông. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Sacombank vẫn chưa được NHNN phê duyệt kế hoạch trên.

Trong khi các ngân hàng muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn thì trước tình hình hiện nay, cổ đông của các nhà băng chỉ muốn nhận cổ tức bằng tiền mặt.

Tại kỳ ĐHCĐ thường niên 2015 của Sacombank vừa qua, không ít cổ đông kiến nghị HĐQT nhà băng này được nhận cổ tức bằng tiền mặt, thay vì cổ phiếu. Tương tự, tại HDBank, cổ tức 2014 chia ở mức 5% bằng cổ phiếu, nhưng cổ đông kiến nghị được nhận bằng tiền mặt.

Tin bài liên quan